Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

“H’Mông Village” du lịch xanh vùng cao núi đá

Thanh Huyền - 10:07, 14/07/2020

Từ lâu nay, chúng ta đã được nghe về những Khu du lịch văn hóa cộng đồng của đồng bào Tày, Thái, Mường, Dao, Cơ Tu… Còn đối với đồng bào Mông, để hình thành một cách bài bản những Làng Văn hóa du lịch mang đậm bản sắc dân tộc Mông thì hiếm thấy hơn. Ở huyện Quản Bạ (Hà Giang) có một Làng Văn hóa du lịch dân tộc Mông sắp đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương...

Toàn cảnh Khu A “H’Mông Village”
Toàn cảnh Khu A “H’Mông Village”

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm du lịch

Có lẽ những ai lần đầu đặt chân đến Làng Văn hóa du lịch (VHDL) dân tộc Mông (H’Mông Village), khu Tráng Kìm, thuộc 2 xã Đông Hà và Cán Tỷ, huyện Quản Bạ đều cảm nhận được thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, nên thơ, khí hậu trong lành, mát mẻ. Từ xa xưa, đồng bào Mông nơi đây vẫn miệt mài canh tác trên núi cao, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ấy vậy mà từ khi có Dự án đầu tư xây dựng Làng VHDL dân tộc Mông, họ thay đổi hẳn nếp nghĩ, cách làm cũ, chưa phù hợp.

Luôn tay luôn chân chăm chỉ lao động, anh Thàu Vần Sử thôn Sì Lồ Phìn, xã Tùng Vài là một trong những lao động thời vụ đang làm việc tại Làng VHDL trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện Dự án.“Tôi làm việc tại đây có thu nhập ổn định. Tôi cũng sẽ động viên vợ con, gia đình làm ra các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình để bán cho khách du lịch”, anh Sử nói.

Không chỉ lao động thời vụ, đã có 7 lao động người DTTS ở đây được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi học tập, tập huấn chuyên sâu về cách làm du lịch. Dự kiến sau khi Làng VHDL chính thức đi vào hoạt động, đồng bào sẽ có cơ hội được làm du lịch chính thức tại đây.

Anh Mua Mí Sính, dân tộc Mông, thôn Nà Chang, thị trấn Quản Bạ bộc bạch: “Tôi vừa được đi học lớp nghiệp vụ lễ tân 6 tháng tại Hà Nội để sau này làm việc tại Khu du lịch. Toàn bộ kinh phí ăn học do Công ty chi trả. Chúng tôi rất vui khi quê hương có một điểm thăm quan du lịch, vừa tạo cơ hội để người dân có thu nhập, vừa góp phần bảo tồn, giới thiệu văn hóa dân tộc Mông tới người dân trong nước và du khách quốc tế”.

Hướng tới phát triển du lịch xanh

Dự án đầu tư, phục dựng, bảo tồn Làng VHDL dân tộc Mông do Công ty Cổ phần Thi công Cơ giới 1 làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 20ha, tổng vốn đầu tư 89 tỷ đồng, gồm: 30 nhà trình tường, lợp ngói âm dương, tường rào bao quanh được xếp bằng đá xanh; khu nhà nghỉ cộng đồng; khu nhà trình diễn sản xuất, trưng bày và bán các sản phẩm làng nghề truyền thống; nhà ăn; nhà kho; nhà nghỉ cho nhân viên; hồ bơi vô cực; khu dã ngoại ngoài trời và sân khấu biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc Mông…

Chính thức khởi công cách đây gần 2 năm, giai đoạn I của Dự án là khu A gồm: Nhà sinh hoạt cộng đồng 7 gian 2 tầng; khu giới thiệu sản phẩm truyền thống kết hợp quầy Bar; nhà ăn 9 gian; hội trường có sức chứa 120 người; một bể bơi vô cực; khu dã ngoại ngoài trời và sân khấu biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ truyền thống của dân tộc Mông… Đến nay, Dự án đã hoàn thành và khánh thành giai đoạn I.

Trong thời gian tới, khu B với 30 Bungalow và một bể bơi vô cực sẽ tiếp tục hoàn thành. 30 Bungalow nhìn từ trên cao được xây dựng theo hình chiếc quẩy tấu - vật dụng quen thuộc với đồng bào Mông. Dự án đi vào hoạt động vào giữa tháng 7/2020. Khu nghỉ dưỡng “H’Mông Village” sẽ thành điểm đến thú vị và ý nghĩa của du lịch Hà Giang.

Giám đốc Công ty Cổ phần Thi công Cơ giới 1, Chủ tịch Hội đồng Quản trị “H’Mông Village” Lại Quốc Tĩnh chia sẻ: “Chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ để đưa ra một mô hình phát triển du lịch phù hợp, bền vững, gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông vùng Cao nguyên đá. Với mong muốn giúp du khách thập phương có điều kiện tận hưởng vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, trải nghiệm bản sắc truyền thống của dân tộc Mông. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc tại địa phương”.

Với quan điểm phát triển du lịch xanh, nhà đầu tư xây dựng các công trình tại “H’Mông Village” đều sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Đó là nhà trình tường bằng đất, lợp ngói âm dương, trồng cỏ, đá lát sân. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng trồng thêm rất nhiều cây xanh như: Đào, lê, mận, sa mộc.. để mỗi khi du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng được tận hưởng môi trường trong lành. Không chỉ thế, mỗi du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng sẽ được trồng một cây xanh để góp phần bảo vệ môi trường.

H’Mông Village lặng lẽ, giản dị nhưng sang trọng, nổi bật giữa núi rừng như một minh chứng cho sự phát triển vươn lên của vùng cao núi đá trên con đường phát triển bền vững từ du lịch xanh. Từ đây, đồng bào Mông trên những bản làng vùng cao có cơ hội phát triển kinh tế từ du lịch…