Trước kia trúc mọc nhiều vô kể, đồng bào Thái đã có câu nói vui “ngửa mặt lên thấy trời, cúi mặt xuống thấy trúc”… Cây trúc rừng Pá Khoang đã từng là mặt hàng chiến lược xuất khẩu sang các nước châu Âu để sử dụng làm cần câu và gậy trượt tuyết. Vào đầu năm 1974, dịp Kỷ niệm 20 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bằng niềm tự hào Điện Biên và sức trẻ, bốn đại đội thanh niên xung phong đầu tiên đã đổ bộ vào Mường Phăng và đã hoàn thành con đường vắt qua mấy trăm ngọn núi trong thời gian chưa đến 200 ngày, làm cơ sở cho việc hình thành hồ Pá Khoang sáu năm sau.
Nằm ngoài lòng chảo Mường Thanh, diện tích trải rộng trên địa bàn hai xã Pá Khoang và Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), hồ Pá Khoang nẳm cách Quốc lộ 279 khoảng 5km về phía Đông, cách Khu Di tích Lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng 8km về phía Tây. “Rừng trúc” (tên theo tiếng Thái của hồ Pá Khoang), nằm ở độ cao gần 900m so với mực nước biển, có diện tích lưu vực rộng 2.400 ha, được ví như một “Vịnh Hạ Long” của Tây Bắc, là điểm nhấn quan trọng trong du lịch sinh thái của tỉnh Điện Biên.
Để đến hồ Pá Khoang, du khách có thể di chuyển từ Quốc lộ 279, đoạn qua xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, sau đó theo Tỉnh lộ 3 vào địa bàn xã Mường Phăng. Du khách cũng có thể theo tuyến đường bộ phía Đông Nam của thành phố Điện Biên Phủ đi qua xã Tà Lèng. Hai tuyến đường này đều dẫn du khách qua những con đường quanh co, uốn lượn ven lòng hồ Pá Khoang, có lúc lại ẩn mình dưới những tán rừng đặc dụng xanh ngát, không khí trong lành, cảnh sắc thiên nhiên yên ả, khoáng đạt.
Đặc biệt, du khách sẽ “lạc” vào những “tiểu vùng văn hóa” của cộng đồng các dân tộc Khơ Mú, Thái, Mông… sinh sống từ hàng chục năm qua dưới đại ngàn, được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc nơi đây.
Thú vị hơn, tại các bản Đông Mệt 1, Đông Mệt 2, Đông Mệt 3, du khách sẽ được đi qua những cây treo dài, rộng, vững chắc, nối liền những hòn đảo trên cung đường du lịch. Đặc biệt, xã Pá Khoang và Mường Phăng là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái với gần 50 bản sống xen kẽ trong rừng. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được các phong tục, tập quán, những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào vùng Tây Bắc.
Tham quan hồ Pá Khoang, du khách có thể bơi thuyền độc mộc hay bồng bềnh cùng con thuyền nhỏ lướt nhẹ trên những gợn sóng lăn tăn. Thuyền sẽ đưa khách len lỏi vào tận cùng ngóc ngách của các đảo rừng, khám phá biết bao điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên. Du khách cũng có thể đi bộ xuyên rừng thưởng ngoạn cảnh quan và ghé thăm làng dân tộc Thái hay Khơ Mú còn rất nguyên sơ, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống và nghỉ dưỡng nơi những nếp nhà sàn xinh xắn soi bóng mặt hồ… Người dân các bản làng nơi đây rất thân thiện và mến khách, du khách sẽ được mời tham dự những buổi liên hoan giao lưu văn nghệ, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực của người bản địa với món xôi đồ đựng trong coóng hay những khoanh cơm lam ngọt ngào mùi lúa nương, các xiên cá nướng hay thịt hun khói mang hơi thở của núi rừng được tăng cường bởi những ché rượu cần làm ngả nghiêng.