Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Hòa Bình: Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc triển khai Chương trình MTQG 1719

Văn Hoa - Đoàn Hồng - 09:55, 26/09/2023

Ngày 26/9/2023, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Đoàn công tác tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719) tại tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Đinh Duy Chuyên- Phó trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn.

Đoàn công tác tham quan, học tập kinh nghiệm tại Bản làng Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên
Đoàn công tác tham quan, học tập kinh nghiệm tại Bản làng Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên

Chuyến công tác nằm trong dự án đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình MTQG 1719 các cấp; được tổ chức trong 4 ngày (từ ngày 04/10-07/10/2023), trong đó: 2 ngày tại tỉnh Bắc Kạn và 2 ngày tại tỉnh Thái Nguyên. Thành phần tham gia gồm 45 người là lãnh đạo Ban Dân tộc; lãnh đạo và cán bộ Phòng dân tộc các huyện, trưởng thôn, bí thư chi bộ các thôn, xóm đặc biệt khó khăn của các huyện Mai Châu, Tân lạc, Lạc Thủy.

Tại tỉnh Bắc Kạn, Đoàn công tác được học hỏi kinh nghiệm tại hợp tác xã nông nghiệp thanh niên Như Cố (thôn Nà Chào, xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) và hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành (thôn Tân Thành, xã Nông Thượng,Thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn). 

Đây là 2 hợp tác xã đã làm rất tốt công tác phát triển kinh tế dựa trên phát triển sản xuất nông nghiệp, và các sản phẩm nông nghiệp qua chế biến như: trà mướp đắng, trà cà gai leo-xạ đen, trà lá vối, tinh bột nghệ, viên tinh nghệ đỏ, rượu chuối men lá… Các sản phầm được gắn chặt chẽ với việc phát triển thương hiệu sản phẩm, chứng nhận OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Kạn
Đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Kạn

Tại tỉnh Thái Nguyên, Đoàn công tác lại được học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế gắn với giữ gìn và phát huy vẻ đẹp truyền thống đồng bào dân tộc Tày. Tại đây, hướng dẫn viên là người trong làng đã chia sẻ các phong tục, tập quán của người Tày nơi đây gắn với những câu chuyện thường ngày đơn sơ, mộc mạc và giản dị nhưng cũng không kém phần thu hút người nghe. Về phát huy giá trị thông qua phục vụ khách du lịch, bản làng có 3 sản phẩm chủ lực là: kiến trúc nhà sàn, ẩm thực và văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Văn hóa vật thể có 30 nếp nhà sàn cổ; các đồ dùng, vật dụng trong nhà như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước; mâm ăn cơm bằng gỗ; rổ rá, chậng, bồ đan bằng tre, nứa để đựng đồ đạc….

Ngoài ra, trong chuyến công tác, Đoàn đã được Ban Dân tộc các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác triển khai các dự án nằm trong Chương trình MTQG 1719; chia sẻ kinh nghiệm; phương pháp vận dụng phối hợp các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia; vận dụng các cơ chế, chính sách của chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc; giữ gìn, phát huy truyền thống và phát triển cộng đồng.

Qua chuyến công tác đã giúp cán bộ làm công tác dân tộc các cấp học hỏi được phương pháp vận dụng tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách để thực hiện tốt hơn công tác dân tộc, công tác triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 để từ đó nâng cao được năng lực, vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội văn hóa của địa phương mình.