Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Học kinh nghiệm nuôi dúi làm giàu của gia đình chị Phìn Thị Mỹ ở Mường Tè

Hồng Phúc - 18:20, 21/07/2021

Sau 4 năm nỗ lực và quyết tâm, trang trại nuôi dúi của chị Phìn Thị Mỹ, dân tộc Thái ở bản Nậm Củm (xã Mường Tè, huyện Mường Tè, Lai Châu) đã được mở rộng quy mô, với hiệu quả kinh tế cao...

Chị Mỹ kiểm tra sự sinh trưởng của dúi.
Chị Mỹ thường xuyên kiểm tra sự sinh trưởng của dúi.

Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi dúi, chị Phìn Thị Mỹ cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, không kiếm được việc làm, chị đi lấy chồng nhưng cuộc sống không mấy khá giả. Vì lo ngại vốn ít cùng với kiến thức, kinh nghiệm chưa có nên chị không dám đầu tư làm kinh tế.

Năm 2017, thấy bà con lên rừng và bắt được dúi con mang về, hai vợ chồng chị nảy ra ý định mua lại những con nhỏ để nuôi thử. Sau đó thấy dúi thích nghi và phát triển tốt, nguồn thức ăn cho chúng cũng đơn giản nên chị đã bàn với với chồng nuôi dúi làm hàng hoá. Tuy nhiên, thời gian đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên nhiều con bị thương, đuối sức và chết.

Dù thất bại những không vội nản lòng, chị Mỹ mày mò tự học các mô hình chăn nuôi trên báo chí và tham quan một số trang trại nuôi dúi. Chị còn lên mạng vào những hội nuôi dúi để học hỏi thêm.

Đến năm 2018, với số vốn tích lũy được, chị Mỹ mạnh dạn mua 30 đôi dúi giống tại tỉnh Hà Giang về nuôi thử nghiệm tại nhà. Chị đã cho xây dựng chuồng và chăm sóc kỹ lưỡng cho đàn dúi. Kết quả là sau một năm nuôi thử nghiệm, dúi nhà chị Mỹ đã sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đó, chị và chồng đã tiếp tục mua thêm 300 con về nuôi. Đến năm 2019, gia đình chị đã đăng kí giấy phép kinh doanh tại Chi cục Kiểm lâm Hoàng Liên Sơn.

Trong 4 năm tìm hiểu và nuôi dúi, tuy gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng chị vẫn kiên trì theo đuổi nghề này. Tính đến tháng 8/2021, trang trại dúi của chị đã có hơn 900 con. Tại trang trại, chị cho xây 10 gian nhà, mỗi gian có từ 65-70 chuồng; mỗi chuồng rộng khoảng 40-50cm được làm bằng tấm gỗ, gạch lát nuôi nhốt từ 1 - 2 con. Còn tại nhà, chị dựng thêm 300 chuồng để nuôi nhốt dúi.

Trong quá trình nuôi, chị nhận thấy dúi thích ăn cơm, ngô, bột tre, nứa. Những thứ này gia đình chị đều có sẵn nên tiết kiệm được nhiều chi phí chăn nuôi. Cứ 2 - 3 ngày một lần, vợ chồng chị lên nương, rừng để chặt tre, nứa chắc, khỏe, không bị sâu bệnh, chẻ thành từng thanh rồi cho vào máy nghiền thành bột.

 Mỗi ngày 2 lần, mỗi khi cho dúi ăn, chị đều tiến hành kiểm tra từng con một. Việc làm này giúp chị xem vật nuôi phát triển đến đâu và có bị dị tật không. Đến ngày dúi sinh sản, vợ chồng chị chăm lo chỗ ở, tăng chất dinh dưỡng để con mẹ và con non có thêm sức đề kháng.

Dúi sinh trưởng và phát triển tốt, có giá trị kinh tế cao. (Ảnh: Thuý Hạnh)
Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, đàn dúi sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình chị Mỹ (Ảnh: Thuý Hạnh)

Bên cạnh đó, việc phòng, chống dịch bệnh cho dúi luôn được chị quan tâm. Chuồng trại thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát, được phun thuốc khử khuẩn; dùng vỏ trấu, mùn cưa để rải lên mặt chuồng, tiện lợi trong việc vệ sinh. Đối với những con có dấu hiệu bệnh, chị cho nuôi nhốt tại nơi khác để hạn chế việc lây nhiễm.

Ngoài ra, chị còn tận dụng diện tích trang trại trồng thêm ngô, chuối, tre để làm thức ăn cho dúi. Vậy nên, đàn dúi luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm chị xuất bán 2 lần, mỗi lần từ 150-200 đôi với giá 1,6 - 2 triệu đồng/đôi, thu lãi hơn 150 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ của dúi của gia đình chị chủ yếu khách từ các tỉnh khác lên đặt mua như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Điện Biên...

Hiện nay, quy mô trại dúi của chị đã lên đến gần 1000 con dúi, thu nhập mỗi năm đạt gần 300 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình chị giờ đây không còn nghèo khó, cuộc sống khá giả hơn. Không chỉ tạo thêm việc làm cho người dân trong bản mà chị Mỹ còn giúp đỡ vốn, chia sẻ kinh nghiệm để người dân học hỏi, cùng nhau làm giàu. Ngoài ra, chị còn là một người vợ, người mẹ đảm đang, thương yêu chồng con hết mực.

Ông Tống Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Mường Tè cho biết, chị Mỹ là tấm gương tiêu biểu trong làm kinh tế, đi từ 2 bàn tay trắng, xây dựng lên cả một cơ ngơi khang trang. Với mô hình chăn nuôi mới của chị, xã đang khuyến khích bà con học hỏi và làm theo để xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, đây là nguồn cảm hứng để các bạn trẻ khởi nghiệp tại địa phương. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Yên (Quảng Ninh): Ưu tiên tạo điều kiện để người dân phục hồi nghề nuôi trồng thủy sản

Quảng Yên (Quảng Ninh): Ưu tiên tạo điều kiện để người dân phục hồi nghề nuôi trồng thủy sản

Nhằm khắc phục hậu quả sau bão số 3, UBND thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã từng bước thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại; tổng hợp nhu cầu, hỗ trợ thiệt hại kịp thời người nuôi trồng thủy sản, xây dựng kế hoạch và giải pháp khôi phục. Vượt lên khó khăn, mất mát, những người nuôi trồng thủy sản (NTTS) nơi đây đang nỗ lực khắc phục thiệt hại để tiếp tục tái sản xuất.