Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Huổi Min ngày mới

Hoàng Quý - 18:14, 30/04/2024

Huổi Min là bản vùng cao duy nhất của phường Sông Đà, thị xã Mường Lay, tỉnh Điên Biên với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Người dân nơi đây đã cùng chính quyền địa phương vượt bao gian khó, quyết tâm để Huổi Min dần chuyển mình.

Đường giao thông nối bản Huổi Min đến trung tâm phường Sông Đà giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn.
Đường giao thông nối bản Huổi Min đến trung tâm phường Sông Đà giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn.

Trong chuyến công tác tại Điện Biên, chúng tôi có dịp đến với Huổi Min, bản vùng cao đặc biệt khó khăn duy nhất của phường Sông Đà, thị xã Mường Lay. Dẫn chúng tôi lên Huổi Min, chị Lò Thị Nga, cán bộ văn hóa phường Sông Đà kể lại, bà con ở Huổi Min vốn trước đây ở tận bên bản Nậm Pồ, xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Do cuộc sống khó khăn quá, mọi người quyết định di cư đến gần phường Sông Đà để sinh sống.

Tuy nhiên, thời điểm đó, khu vực người dân sinh sống lại không có tên trong danh sách quản lý hành chính của bất kỳ xã, phường nào trên địa bàn. Chính điều này khiến cho người dân Huổi Min không thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.

Chị Lò Thị Nga cho biết, phải đến tận năm 2006, với mong muốn nhận được sự quan tâm, chúng tôi đã dành nửa ngày đi bộ, băng rừng xuống phường Sông Đà xin bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Cũng từ đó, bản Huổi Min mới được mọi người chú ý đến. Vui mừng thay, vào năm 2008, bản Huổi Min chính thức được ghi danh thuộc phường Sông Đà.

Mừng là vậy, nhưng Huổi Min vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Khi được sát nhập, cả bản cũng chỉ có vỏn vẹn 10 hộ dân với 61 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, mọi thứ về hạ tầng, y tế, giáo dục... đều bằng không. Cùng với đó, việc tạo sinh kế, phát triển kinh tế ở Huổi Min là một trong những trăn trở rất lớn của chính quyền địa phương. Bà con ở đây không biết trồng lúa nước, chỉ làm nương, rẫy theo tập quán cũ.

Được sự vận động của phường Sông Đà, nhiều hộ dân đã bắt đầu học hỏi, khai hoang, gieo trồng ruộng nước. Chị Lò Thị Nga cho biết, đến nay, mỗi hộ trong bản đều canh tác lúa nước, diện tích canh tác lên tới hơn 8ha, mỗi năm hai vụ, đây là nguồn thu chính, cung cấp lương thực cho cả bản.

Một góc bản Huổi Min, sự thay da, đổi thịt thể hiện từ những ngôi nhà kiên cố, khang trang, vững chắc của người dân.
Một góc bản Huổi Min, sự thay da, đổi thịt thể hiện từ những ngôi nhà kiên cố, khang trang, vững chắc của người dân.

Dạo một vòng quanh bản, chúng tôi có thể nhận thấy ngay rằng, Huổi Min giờ khang trang, đầy đủ hơn trước nhiều, đời sống của bà con cũng được nâng cao, trẻ con đến trường, phụ nữ ngoài giờ đi làm thì có thể tham gia đội văn nghệ tập luyện ở nhà văn hoá.

Đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Lầu A Hờ, Bí thư Chi bộ bản Huổi Min. Được biết, anh Lầu A Hờ là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng tại Huổi Min.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh đồi và giới thiệu về khu chuồng trại nuôi lợn, gia cầm và ruộng lúa bậc thang, anh Lầu A Hờ chia sẻ: Ruộng của gia đình mới xuống giống, chỉ cần thu hoạch đủ thóc là không lo đói rồi, thừa thì để chăn nuôi thêm gà, ngan cải thiện bữa ăn.

Nhìn mô hình VAC khép kín của gia đình, tôi hỏi vui: “Mô hình phát triển thế này hộ nhà anh không phải hộ nghèo đâu chứ?”. Anh Lầu A Hờ vui vẻ đáp: “Cũng không muốn làm hộ nghèo nữa rồi, muốn xin thoát nghèo mà năm nay chưa đủ tiêu chí bình xét. Nhà nước hỗ trợ nhiều thì mình phải cố gắng vươn lên thoát nghèo chứ”.

Được biết, hiện tại cả bản Huổi Min có 22 hộ, 133 nhân khẩu. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp nên đời sống của bà con khấm khá hơn, các hộ đều có ruộng, nhiều hộ tận dụng đất đai rộng rãi phát triển thêm các mô hình như cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, để khuyến khích, tận dụng các thế mạnh sẵn có phát triển kinh tế, chính quyền địa phương còn thường xuyên phổ biến kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để tạo phong trào cả bản cùng làm, cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Sông Đà cho biết: Từ khi Huổi Min thành lập, cấp uỷ Đảng, chính quyền luôn đồng hành, sát cánh cùng bà con trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua bản Huổi Min được quan tâm, đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, điện, nước… cuộc sống của người dân tốt hơn, khởi sắc hơn. “Hết năm 2023, đã có 4 hộ thoát nghèo, đây là một trong những tín hiệu đầu tiên, đáng mừng ở Huổi Min, bản vùng cao duy nhất của phường Sông Đà”.

Có thể thấy sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của người dân đã góp phần làm nên một Huổi Min như hiện tại. Tin rằng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực của người dân, bản Huổi Min một ngày không xa sẽ không còn là bản vùng cao đặc biệt khó khăn, thay vào đó là một cuộc sống đủ đầy, sung túc.

Tin cùng chuyên mục
Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh

Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh

Sông Kôn và sông Hà Thanh là 02 con sông lớn của tỉnh Bình Định; lưu vực của 02 con sông là vùng tập trung các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của tỉnh. Ngoài các yếu tố tự nhiên, khách quan (địa hình, thảm phủ, mưa lũ lớn, diện tích rừng phòng hộ bị suy giảm...), thì các hoạt động trên lưu vực với mục đích phát triển kinh tế cũng đã tạo ra sức cản lớn cho việc thoát lũ. Vì thế, tình trạng sạt lở, lũ ở vùng núi, ngập lụt ở đồng bằng, ven biển thường xuyên xảy ra, đe dọa cuộc sống của người dân, trong đó có người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.