Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Hương mắc cọp

Thùy Giang - 16:46, 08/07/2024

Mắc cọp – cái tên thật lạ với người miền xuôi nhưng lại rất đỗi thân quen với người dân Tây Bắc. “Mắc” trong tiếng Thái nghĩa là “quả”. Mắc cọp là quả lê rừng, thường mọc hoang trên núi cao. Hợp với những vùng rẻo cao có khí hậu lạnh, mát mẻ.

Mùa thu hoạch mắc cọp. (Ảnh Tuấn Anh)
Mùa thu hoạch mắc cọp. (Ảnh Tuấn Anh)

Do cùng họ nên nhìn bề ngoài từ gốc, thân, lá và hoa mắc cọp đều rất giống với cây lê. Phải là người đi rừng có kinh nghiệm mới nhận ra cây mắc cọp có lá nhỏ và dày hơn lá cây lê. Người phố núi thường chỉ biết tới quả của loài cây này, do được bày bán ở chợ phiên mỗi mùa quả chín. Nhưng ít ai thấy hoa mắc cọp. Chỉ có người Mông trên núi cao, sống gần với những rặng cây mắc cọp mới có dịp đi qua mà nhìn thấy loài hoa đẹp và có sức lôi cuốn kì lạ.

Mùa hè là mùa quả mắc cọp chín, vì vậy hoa mắc cọp vào thời điểm mãn xuân. Ban đầu là những cánh hoa lấm tấm nở như những ngôi sao sáng lấp lánh một vùng rẻo cao sau đó hoa bung nở thành từng chùm. Hoa mắc cọp trắng muốt như hình ảnh của những gì thanh khiết, lặng yên và xa xôi. Cây càng già, càng cổ thụ, thân cành càng khô mộc, mốc meo thì hoa mắc cọp lại càng trắng, như ánh lên màu nắng. Hoa mắc cọp nhìn sơ rất giống hoa lê, nhưng nhỏ hơn, tươi bền lâu hơn. Hoa mắc cọp thường kết thành chùm từ ba đến năm bông, như biểu tượng của sự kết đoàn, chống chọi lại sự lạnh giá trên núi cao.

Mắc cọp gắn bó với đời sống đồng bào Mông trên vùng núi cao Tây Bắc. (Ảnh Tuấn Anh)
Mắc cọp gắn bó với đời sống đồng bào Mông trên vùng núi cao Tây Bắc. (Ảnh Tuấn Anh)

Người miền xuôi thường biết tới những trái lê to nhập khẩu từ vùng ôn đới, to, tròn bóng bẩy bày trong các siêu thị hay các sạp hàng quả cao cấp, hương cũng thơm, vị cũng mát. Nhưng các sản vật từ rừng núi Tây Bắc luôn cho người ta cái cảm giác an lành. Mắc cọp khác với trái lê thường ở chỗ, mắc cọp mang trong mình hương vị của núi rừng. Mắc cọp tự sinh trưởng, không cần chăm sóc trong điều kiện khí hậu quanh năm lạnh lẽo, sương mù trên các dãy núi cao. Quả mắc cọp bé hơn quả lê, năng suất cũng thấp hơn, phần thịt quả cũng không dày như lê. Vỏ mắc cọp thường dày, cứng, có cảm giác thô rám. 

Khi mắc cọp còn non thì vị chát, khi ương thì có vị chua và hơi chát. Chỉ khi chín hẳn thì mới có vị ngọt mát, pha lẫn một chút thanh thanh nhè nhẹ, dễ chịu. Cho nên những ai từng thưởng thức mắc cọp một lần lại muốn thêm lần nữa. Ăn mắc cọp một mùa lại đợi tới mùa sau. Hương vị mắc cọp đậm đà và trong lành như chính nơi mà nó được sinh ra. Cái vị thanh mát, an lành không chỉ giúp người miền núi giải khát trên đường đi làm nương hay đỡ cơn đói trong những ngày tháng cơ cực mà còn gợi về một cội nguồn trong trẻo.

Mắc cọp thức quà an lành từ núi. (Ảnh Tuấn Anh)
Mắc cọp thức quà an lành từ núi. (Ảnh Tuấn Anh)

Cây mắc cọp ở đó, lấy dinh dưỡng từ đất mẹ đại ngàn, rễ tìm mạch nước từ những khe sâu. Cây cố vươn mình lên khỏi những sỏi đá, những tán cây rừng rậm rạp để đón cái nắng, cái gió cho hoa thêm dày cánh, cho quả thêm chút hương vị đậm đà. Thì ra, người ta cũng không hẳn là đòi hỏi một thứ quả to đẹp nhưng vị nhạt nhẽo. Người ta vẫn cần thực chất, đậm đà, thơm ngon, riêng khác và an toàn. Thứ quả mới hái từ rừng còn giòn tươi, chứa đựng trong đó cả sự ngọt, lành và cảm giác thân quen, gần gũi cũng khiến cho việc thưởng thức mắc cọp ngon hơn. Cắn một miếng mắc cọp xôm xốp, giòn giòn, thấy vị thanh mát tan trong miệng, thấy cả vị ngọt ngào thấm vào tận tâm can. Mắc cọp giúp người ta nhớ về những năm tháng đồng cam cộng khổ, sẻ chia những khó khăn, vất vả của miền non cao Tây Bắc. Phải là người thật hiểu, thật gắn bó với mảnh đất ấy sẽ càng trân quý giá trị của thứ quả rừng xa ngái mà thân thương - mắc cọp.

Tôi sinh ra và lớn lên ở núi. Từ nhỏ đã biết theo mẹ ra chợ để tròn xoe mắt ngạc nhiên về các thứ quả rừng bày bán đầy trên mặt đất giữa chợ phiên. Những quả mắc cọp, nhiều thì đựng trong lu cở, ít thì đựng trong túi vải nhuộm chàm. Quả chỉ to quá nắm tay trẻ con. Tôi đã sớm biết quả nào mà trên má ít những “đốm tàn nhang”, những chấm “chát” thưa thưa, quả căng tròn thì ngọt và ngược lại. Ấy vậy mà sau này trưởng thành, tôi lại hay chọn mua cho bà cụ ngồi lặng yên trong góc chợ những quả mắc cọp vỏ còn dày dít những chấm li ti, vị còn chát. Đó là khi tôi nghĩ, nếu mẹ tôi cũng là người phụ nữ ấy - những nếp nhăn trên khuôn mặt xô vào nhau, tay khẳng khiu, run rẩy… mà vẫn phải mưu sinh. Nếu như mẹ già của tôi cũng có khi ra ngoài, gặp lúc khó khăn và biết đâu cũng cần ai đó giúp đỡ mà chúng tôi không ở bên cạnh.

Mắc cọp bày bán ở chợ phiên. (Ảnh Hoàng Vân)
Mắc cọp bày bán ở chợ phiên. (Ảnh Hoàng Vân)

Lớn lên, chúng tôi đi học, đi làm ở những thành phố phồn hoa. Dễ đến vài năm tôi không được thưởng thức vị mắc cọp. Lần này trở về, tôi mang theo những đứa trẻ của tôi, vào đúng dịp hè mới gặp lại thứ quả này. Với tôi, từng miếng mắc cọp đều gợi về bao kí ức tuổi thơ, bao tình cảm với mảnh đất cho tôi tình yêu, nhựa sống để lớn lên. Các con tôi chưa thể hiểu hết. Nhưng mỗi lần về quê mẹ, lại thêm một lần trải nghiệm quả rừng. Có thể chúng thích hoặc chưa thích, nhưng mọi trải nghiệm đều trở thành kỉ niệm, đều làm giàu có các giác quan, làm giàu tâm hồn…

Tôi tin, cái miền đất trong veo có hàng trăm nghìn thứ thú vị không lẫn với đâu được ấy sẽ trở thành cội gốc cho rất nhiều những thương mến, cống hiến về sau ở thế hệ trẻ. Nhất là khi, bản sắc dân tộc đang chính là yếu tố làm nên sự khác biệt của quốc gia, dân tộc trong một thế giới phẳng. Mắc cọp – cái tên cùng hương sắc của mình đã góp phần tạo nên bản sắc đậm đà cho đất và người Tây Bắc quê tôi. 

Tin cùng chuyên mục
Hồi sinh thổ cẩm Cơ Tu ở Hòa Bắc

Hồi sinh thổ cẩm Cơ Tu ở Hòa Bắc

Sau một thời gian dài tưởng như đã “ngủ quên” trong các bản làng vùng cao, thổ cẩm của người Cơ Tu trên mảnh đất đầu nguồn sông Cu Đê đã được đánh thức bởi những bàn tay tài hoa của chị em phụ nữ ở Tà Lang - Giàn Bí, mang lại thu nhập cho người dân, đồng thời gìn giữ nét đẹp văn hóa cho thế hệ mai sau.