Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Huyện Tây Sơn (Bình Định): Cần siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản

Tiếng Dân - 17:38, 01/07/2021

Những năm gần đây, tình trạng khai thác đất, cát trái phép trên địa bàn tỉnh Bình định diễn ra phức tạp và có dấu hiệu ngày càng gia tăng, gây thất thoát nguồn tài nguyên, bức xúc trong Nhân dân. Tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài, nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn.

Việc quản lý hoạt động khai thác cát trên địa bàn huyện Tây Sơn còn tồn tại nhiều bất cập
Việc quản lý hoạt động khai thác cát trên địa bàn huyện Tây Sơn còn tồn tại nhiều bất cập

Ngang nhiên hoạt động trái phép

Huyện Tây Sơn là địa phương có nhiều mỏ khoáng sản được cấp phép, trong đó có 12 mỏ cát, 5 mỏ đất san lấp, 2 mỏ đất sét và 1 mỏ đá cấp phối, tập trung tại thị trấn Phú Phong và các xã: Tây Thuận, Tây Xuân, Bình Nghi, Tây Phú, Tây Bình. Mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện Tây Sơn cũng đã tăng cường các giải pháp lãnh đạo, quản lý tài nguyên khoáng sản (TNKS), nhưng đến nay, công tác này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Từ đầu năm đến nay, tình hình khai thác đất trái phép, nhất là đất sét, diễn biến phức tạp ở các xã: Bình Nghi, Tây Giang, Tây An và Tây Xuân. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Tây Sơn xác nhận: Thời gian qua, UBND huyện đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TNKS, phạt một số cá nhân và DN có hành vi khai thác TNKS trái phép, với số tiền phạt hàng trăm triệu đồng. 

Tuy nhiên, áp lực về nhu cầu nguyên liệu đất sét để sản xuất gạch ngói; phục vụ thi công các cơ sở hạ tầng, công trình giao thông trên địa bàn; việc buông lỏng quản lý khoáng sản ở chính quyền cấp cơ sở; chế tài xử phạt còn bất cập..., khiến hoạt động khai thác đất trên địa bàn vẫn còn xảy ra sai phạm. 

Đơn cử vụ việc tại thôn Đồng Quy, xã Tây An. Theo quy hoạch, mỏ đất này có diện tích 4,2ha, được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy phép khai thác khoáng sản (đất làm vật liệu san lấp) cho Công ty TNHH Vận tải - Thương mại Thanh Tâm, trong thời gian 3 năm, từ năm 2019, khối lượng khai thác khoảng 80.000m3/năm. Mục đích khai thác mỏ đất được quy định rõ, là phục vụ cho các công trình thi công tại địa bàn xã Tây An. 

Tuy nhiên, gần đây, qua phản ánh của người dân và báo chí, cơ quan chức năng huyện Tây Sơn xác minh, Công ty Thanh Tâm có bán đất san lấp cho các cá nhân khác vận chuyển ra khỏi địa bàn xã Tây An, là vi phạm quy định của giấy phép.

 "UBND huyện Tây Sơn đã chỉ đạo UBND xã Tây An tạm dừng các hoạt động tại mỏ đất này và tiến hành xác lập hồ sơ vi phạm hành chính đối với Công ty Thanh Tâm về hành vi sử dụng khoáng sản không đúng quy định trong giấy phép”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Tây Sơn cho hay.

Đối với hoạt động khai thác cát, hiện cũng còn một số đơn vị được cấp phép không tuân thủ các quy định về khai thác, vận chuyển cát, gây ra nhiều hệ lụy về vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông và thủy lợi.

 Cá biệt, theo phản ánh của người dân xã Bình Nghi, gần đây, một số doanh nghiệp có mỏ cát trên sông Côn, đoạn giáp ranh giữa xã Bình Nghi và xã Tây Bình đã bất chấp quy định, tổ chức khai thác cát vào ban đêm. Cụ thể, là Công ty TNHH Đắc Tài, Công ty Tuấn Phong... gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 

“Đêm nào máy móc, xe cộ cũng ầm ầm nhưng chẳng có ai đến xử lý. Chúng tôi thấy rất lạ là, có những đêm xe chở cát chạy nối đuôi nhau tấp nập thành từng đoàn, nhưng không bị các ngành chức năng kiểm tra, xử lý”, một người dân sống ở xã Bình Nghi cho hay.

Theo phản ánh của người dân, nhiều doanh nghiệp bất chấp quy định vẫn ngang nhiên khai thác trái phép cát
Theo phản ánh của người dân, nhiều doanh nghiệp bất chấp quy định vẫn ngang nhiên khai thác trái phép cát

Tăng cường kiểm tra, xử lý 

Được biết, UBND huyện Tây Sơn đã ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý và kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động khai thác TNKS trái phép. 

Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: Chúng tôi xác định, việc tăng cường công tác quản lý TNKS trên địa bàn, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải được thực hiện tốt trong thời gian tới. Trong đó, huyện yêu cầu, các tổ chức, cá nhân trước khi tham gia hoạt động khai thác TNKS trên địa bàn, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, được cấp thẩm quyền phê duyệt, cấp phép theo quy định và thực hiện theo đúng giấy phép được cấp. Đồng thời, các tổ công tác liên ngành của huyện sẽ tổ chức nhiều đợt giám sát, kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh những thiếu sót cũng như xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Huyện cũng quán triệt, chỉ đạo cụ thể, UBND các xã, thị trấn phải tăng cường và thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả công tác quản lý TNKS trên địa bàn quản lý đã được phân cấp. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về hoạt động khai thác TNKS trái phép trên địa bàn mình. Địa phương nào để xảy ra vi phạm kéo dài, thì lãnh đạo địa phương và tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của địa phương đó sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục
Y Nghen đã về nước và đoàn tụ với gia đình

Y Nghen đã về nước và đoàn tụ với gia đình

Sau khi Báo Dân tộc và Phát triển có loạt bài phản ánh “Y Nghen và những giọt nước mắt nơi xứ người”, đến nay, chị Y Nghen (thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã được về nước trong niềm vui mừng của các thành viên trong gia đình.