Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Kết quả từ nỗ lực giảm nghèo bền vững ở Chư Păh

Ngọc Thu - 07:37, 25/11/2023

Với phương châm “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp giúp người dân thay đổi tư duy, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp giúp người dân thay đổi tư duy, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo
Huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp giúp người dân thay đổi tư duy, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo

Làng Ngó 4 là một trong những làng khó khăn của xã Ia Ka. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chính là cà phê, lúa nước. Tuy nhiên, do dân số ngày càng tăng, trong khi đất sản xuất có hạn nên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để giúp các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo, xã Ia Ka đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án để trao sinh kế, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề nhằm giúp bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất.

Trước đây, gia đình ông Rơ Châm Im (làng Ngó 4, xã Ia Ka) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, gia đình ông được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản để đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế. Đến nay, gia đình ông đã có đàn bò gồm 4 con, cùng với 3 sào cà phê tái canh. Vì vậy, năm 2023, gia đình ông Im đã thoát nghèo.

Ông Im vui vẻ nói: “Gia đình có 4 người, vợ chồng cũng đã lớn tuổi, không đủ sức đi làm thuê kiếm tiền nuôi con, cháu. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, gia đình tôi đã biết cách sản xuất, tiết kiệm chi tiêu hợp lý. Tôi sẽ nỗ lực chăm sóc đàn bò và diện tích cây trồng để nâng cao thu nhập”.

Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ bò sinh sản, cùng với sự nỗ lực của bản thân, gia đình ông Im ở xã Ia Ka đã thoát nghèo
Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ bò sinh sản, cùng với sự nỗ lực của bản thân, gia đình ông Im ở xã Ia Ka đã thoát nghèo

Ông Phan Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Ka cho hay: “UBND xã đã triển khai công tác giảm nghèo theo đúng chỉ đạo của cấp trên. Theo kế hoạch, trong năm 2023, có 21 hộ được hỗ trợ thoát nghèo. Theo đó, xã hướng dẫn cụ thể các tiêu chí, tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm hỗ trợ họ tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, tiền điện, phát triển sản xuất... Những việc làm này tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, từ đó tự lực vươn lên”.

Tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đó là câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Văn Bích (thôn 2, xã Hòa Phú). Là một trong những hộ nghèo của xã, gia đình ông Bích có 6 nhân khẩu sống trong căn nhà tạm bợ “mưa tạt, gió lùa”, không có vốn liếng lại không có đất sản xuất nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. 

Năm 2018, anh Bích được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố và vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Từ đó, anh Bích đầu tư trồng hơn 2 sào cà phê, chăn nuôi thêm vài chục con gà. “An cư lạc nghiệp”, anh Bích yên tâm làm ăn, kinh tế ngày càng ổn định. 

Năm 2021, anh Bích đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Anh Bích chia sẻ: “Nhờ được Nhà nước quan tâm nên gia đình tôi đã có nơi ở, việc làm ổn định. Tôi còn có sức lao động nên bàn với vợ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường cho những hộ khó khăn hơn”.

Chư Păh là huyện có nhiều xã thuộc diện khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự thay đổi trong tư duy, nhận thức và hành động của người dân. Từ đó, khơi dậy tinh thần chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo cũng như tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Huyện Chư Păh đã triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Huyện Chư Păh đã triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Theo báo cáo, trong 3 năm (2021 - 2023), tổng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đầu tư tại huyện Chư Păh là 14,969 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương phân bổ 13,609 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 1,66 tỷ đồng. Theo đó, huyện giao cho các xã, thị trấn hỗ trợ bò sinh sản, phân bón, cây giống và dụng cụ phục vụ sản xuất... cho hộ nghèo.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chư Păh cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hàng năm, Phòng đã tham mưu giúp UBND huyện xây dựng kế hoạch về thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và hướng dẫn cho các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, trong đó đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và giải pháp tổ chức thực hiện.

 Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp người nghèo có ý thức vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội; đề cao vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội nhằm chung tay giúp đỡ người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, công tác giảm nghèo đã đạt kết qủa khả quan, năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn huyện còn 1.488 hộ chiếm tỷ lệ 7,16% (giảm 3,82% so với năm 2021).

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường giám sát để có kết quả điều tra chính xác nhất

Tăng cường giám sát để có kết quả điều tra chính xác nhất

Là một trong những huyện có địa bàn rộng nhất tỉnh Lào Cai với 21 xã thị trấn; tuy nhiên, huyện Bát Xát là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành việc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Để có kết quả chính xác nhất, ngành Dân tộc địa phương đã tăng cường giám sát đối với các tổ điều tra trong quá trình triển khai thu thập thông tin.