Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khánh Hòa: Cần tiếp tục phát huy thành quả nghệ thuật bài chòi

Thành Nhân - 11:13, 24/12/2020

Sau gần 6 tháng triển khai Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi giai đoạn 2020-2023 ở Khánh Hòa, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Vấn đề đặt ra là, để phát huy được thành quả thực hiện Đề án, các ngành chức năng cần phải có chiến lược phát triển lâu dài để thực hiện các nội dung tiếp theo của Đề án.

Thực hiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi giai đoạn 2020 - 2023, các ngành chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động
Thực hiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi giai đoạn 2020 - 2023, các ngành chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn.

Phục hưng bài chòi

Thị xã Ninh Hòa, là 1 trong 6 địa phương triển khai Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi của UBND tỉnh Khánh Hòa (Đề án). Địa phương được chọn, để phục dựng thí điểm 1 điểm trò chơi dân gian "hô bài chòi giàn 9" vào những ngày cuối tuần và lễ Tết hàng năm.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa cho biết: Trước đây, hội chơi bài chòi thường diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng, vào những dịp lễ, Tết. Nhiều cụ lớn tuổi nắm được kỹ thuật biểu diễn, hô hát bài chòi. Tuy nhiên,vì nhiều lý do, sinh hoạt cộng đồng liên quan đến bài chòi không được tổ chức thường xuyên, các nghệ nhân cũng không còn nhớ được trọn vẹn các làn điệu, kỹ thuật hô hát bài chòi. Chúng tôi sẽ tiến hành củng cố, tổ chức lại các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật hô bài chòi và tiến hành nhân rộng các mô hình CLB này. Cùng với đó, sẽ đưa bộ môn nghệ thuật bài chòi vào các trường học để học sinh tiếp cận được loại hình nghệ thuật này.

Theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, thực hiện các nội dung công việc được giao, địa phương đã phối hợp với Sở Văn hóa ,Thể thao và Du Lịch, tổ chức tập huấn cho 18 nghệ nhân về kỹ năng, cách thức tổ chức, điều hành hoạt động hô bài chòi giàn. Thị xã cũng đã tiếp nhận trang thiết bị, dụng cụ phục vụ hoạt động hô bài chòi giàn.

Trên cơ sở nhân sự và phương tiện đã được chuẩn bị, Thị xã đã thành lập CLB bài chòi cổ Ninh Hòa. Từ đầu tháng 10/2020, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã đã diễn ra hoạt động trình diễn hô bài chòi phục vụ Nhân dân vào mỗi dịp cuối tuần. Ngoài ra, địa phương đã chọn được 3 địa điểm khác để các thành viên CLB đi lưu diễn gồm: Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Tiên Du 2 (xã Ninh Phú), Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Thanh Mỹ (xã Ninh Quang), Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Ninh Phụng.

Tính đến cuối tháng 11/2020, CLB đã trình diễn 15 đêm, bình quân mỗi đêm có từ 150 đến 200 lượt người đến xem và tham gia chơi. Địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền về nghệ thuật trình diễn bài chòi dân gian trên hệ thống đài truyền thanh địa phương. Thông qua đó, những giá trị, nét đặc sắc của nghệ thuật bài chòi dần được phổ biến đến đông đảo Nhân dân…

Các nghệ nhân ở Khánh Hòa biểu diễn bài chòi
Các nghệ nhân ở Khánh Hòa biểu diễn bài chòi

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Có thể nói, việc triển khai Đề án, bước đầu đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để phát huy được những thành quả này, đưa bài chòi trở lại đúng vị trí của nó, thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, trong năm 2021, tiếp nối những kết quả đã đạt được, thị xã Ninh Hòa sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động trình diễn hô bài chòi của CLB bài chòi cổ. Trong đó, sẽ ưu tiên tổ chức trình diễn tại các xã, phường, trường học; thành lập thêm 1 CLB bài chòi cho lứa tuổi thanh - thiếu niên; đưa nội dung thi hô bài chòi vào các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ của thị xã tổ chức.

Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa cũng đã triển khai hoạt động tuyên truyền sân khấu hóa học đường với nghệ thuật bài chòi trong trường học. Trung tâm đã đến 15 trường THCS, THPT ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh để thực hiện. 

Bà Nguyễn Duy Tường Vi, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa cho biết: Thông qua, hoạt động sân khấu hóa, với thời lượng 45 phút, học sinh sẽ được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về nghệ thuật bài chòi, xem trích đoạn dân ca bài chòi và tham gia hội chơi bài chòi.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cho rằng: Việc thực hiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi, là giải pháp để chúng ta thực hiện cam kết với UNESCO. Việc chọn thị xã Ninh Hòa là địa phương đầu tiên thực hiện nội dung đề án, bởi nơi đây vốn có sự hiện diện từ lâu của nghệ thuật bài chòi.Trong các làng xóm, tổ dân phố ở Ninh Hòa vẫn còn có những người, những mô hình mang tính cộng đồng nắm giữ các kỹ năng về nghệ thuật bài chòi.

Từ việc triển khai thí điểm ở thị xã Ninh Hòa, sẽ tiến hành nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh. Từ năm 2021, đơn vị sẽ sưu tầm, tư liệu hóa các tài liệu, hiện vật về kịch bản bài chòi, các lớp hô, tuồng, tích, nhạc cụ, trang phục của nghệ thuật bài chòi để bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh; nghiên cứu hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu về tư liệu, công trình nghiên cứu, nghệ nhân, CLB diễn xướng bài chòi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi. 

"Đơn vị sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu đưa nghệ thuật bài chòi thành dịch vụ để phục vụ du khách”, ông Hoa chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), thôn Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Đã từ rất lâu, không chỉ riêng người Mông, mà bất cứ ai muốn mua được một món đồ trang sức bằng bạc ưng ý, đều lên đường đến Lao Xa…