Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Khánh Hòa: Trách nhiệm với văn hóa các dân tộc thiểu số

Phương Lê - 14:54, 29/10/2019

Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VH-TT&DL) Khánh Hòa đã có nhiều giải pháp, việc làm cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các DTTS. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Đàn đá là loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào Raglai được tỉnh Khánh Hòa quan tâm, sưu tầm và bảo tồn.
Đàn đá là loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào Raglai được tỉnh Khánh Hòa quan tâm, sưu tầm và bảo tồn.

Nỗ lực đáng ghi nhận

Để các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh không bị biến mất theo thời gian, ngành Văn hóa và các địa phương đã triển khai thực hiện hàng loạt đề án, kế hoạch, dự án, mô hình về bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS, nhất là đối với dân tộc Raglai, Ê-đê, Cơ-ho. Nhờ đó đến nay, hàng trăm bộ mã la, cồng chiêng, trống, ché, đồ dùng sinh hoạt… của đồng bào đã được gìn giữ trong nhà dân hoặc ở các nhà truyền thống.

Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL đã trang bị 81 bộ mã la cho 81 thôn, tổ dân phố trong tỉnh. Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được hơn 300 hiện vật có giá trị của đồng bào DTTS ở Khánh Hòa. Riêng tại huyện Khánh Sơn, hiện đang có 92 bộ mã la với 622 chiếc thuộc sở hữu của các gia đình, thôn xóm.

Toàn tỉnh cũng đã thực hiện việc kiểm kê, lập được 5.298 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh; lựa chọn 5 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó Lễ bỏ mả của người Raglai đã được công nhận. Đã có hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức được tham gia các lớp học dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Raglai. Có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Các lễ hội lớn của đồng bào DTTS đều được tổ chức trang trọng, đúng với nghi lễ dân gian truyền thống. Các địa phương đều đã thành lập được những đội văn nghệ để biểu diễn các loại hình nghệ thuật của dân tộc mình.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Khánh Hòa chia sẻ: “Sự quan tâm của Nhà nước giúp cho những giá trị văn hóa của đồng bào được trình diễn và đó cũng là cơ hội để mọi người giao lưu, học hỏi những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.

Nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTS ở Khánh Hòa đang được khôi phục.
Nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTS ở Khánh Hòa đang được khôi phục.

Cần có chiến lược dài hơi

Có thể nói, việc Khánh Hòa ban hành những chính sách để bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS là một việc làm cần thiết và đáng khích lệ. Tuy nhiên, để các giá trị văn hóa thực sự “sống lại” trong đời sống cộng đồng, cần có một chiến lược dài hơi hơn. Theo ông Mấu Văn Phi, Phó Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh, việc sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng, công tác nghiên cứu còn mang tính dàn trải, chưa chuyên sâu. Nhiều tín ngưỡng văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào đã phần nào bị pha tạp. Một số lễ hội mang tính cộng đồng ít được đồng bào các dân tộc quan tâm và nếu có tổ chức thì nghi thức, các món ăn cũng đã không còn giữ được nguyên bản. 

Còn theo bà Bo Bo Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, huyện cũng đã có chủ trương phát huy văn hóa truyền thống, ngành nghề thủ công truyền thống gắn với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, những kết quả đó vẫn chưa vững chắc. Việc tổ chức các lễ hội của đồng bào Raglai đạt hiệu quả chưa cao, chưa khai thác được đầy đủ nét độc đáo, bản sắc riêng, giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Tham gia các lễ hội đó, chúng ta chưa thấy hết vai trò của người dân, tính chủ động của quần chúng với vai trò là chủ thể của lễ hội.

Đã đến lúc cần có sự xem xét, rà soát và có hướng điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các tập tục, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS một cách có hệ thống; gắn việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế với đặc điểm văn hóa, tập quán của người dân”.

Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Khánh Hòa


Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.