Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Khởi sắc ở vùng đồng bào Pa Cô

Khánh Ngân - 11:50, 07/08/2021

Nhờ những chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của địa phương, đời sống của đồng bào Pa Cô ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị… đã có nhiều đổi mới.

Khởi sắc ở vùng đồng bào Pa Cô

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Chúng tôi có dịp về xã nông thôn mới (NTM) Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những ngày đầu Thu. Con đường từ trung tâm xã về thôn Phú Thượng đã được bê tông phẳng lỳ. Phú Thượng là thôn có 100% người Pa Cô sinh sống và chiếm khoảng 30% dân số của toàn xã.

Những năm qua, nhờ những chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống người Pa Cô có nhiều thay đổi. Người dân đã biết trồng rừng kinh tế, xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.... Điển hình như gia đình ông Hồ Văn Năng, là một trong những hộ làm kinh tế tiêu biểu ở xã Phú Vinh. Hiện nay, gia đình ông có hơn 30 con bò, một đàn dê hàng chục con, ngoài ra gia đình ông còn trồng rừng kinh tế mang lại hiệu quả rất cao.

Ông Hồ Văn Năng chia sẻ: “Ngoài chính sách được hỗ trợ về vốn, con giống, đồng bào còn được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên chúng tôi ý thức được việc phải nỗ lực lao động để vươn lên thoát nghèo”.

Ở xã Phú Vinh còn có rất nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình được hình thành và phát triển. Chẳng hạn như, hộ gia đình ông Hồ Chí Mạnh cũng là người Pa Cô, với mô hình VAC cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hay nhắc đến gia đình ông Phạm Viết Mình thì ai cũng biết, bởi đây là một gia đình người Pa Cô hiếu học. Gia đình ông Mình có 6 người con thì cả 6 đều tốt nghiệp đại học, hiện đã có công ăn việc làm ổn định, có người là giảng viên đại học.

Không dừng lại ở mục tiêu đạt chuẩn NTM, xã Phú Vinh và người Pa Cô ở phía Đông Trường Sơn còn thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người ở xã phú Vinh, huyện A Lưới là 32 triệu đồng/người/năm, một con số ấn tượng.

Sau nhiều năm bền bỉ vươn lên, cuối năm 2018, xã Phú Vinh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành mục tiêu về xây dựng NTM, được nhận Giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện A Lưới.

Xây dựng bản, làng no ấm

Trên con đường Hồ Chí Minh phẳng lỳ như một dải lụa trên đỉnh Trường Sơn, chúng tôi ngược ra hướng Bắc để đến với đồng bào Pa Cô ở bản Tà Đủ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Cách đây 8 năm, tôi có dịp về thăm người Pa Cô ở bản Tà Đủ, hình ảnh những ngôi nhà sàn còn xiêu vẹo, nhưng nay Tà Đủ như đã khoát lên mình chiếc áo mới, khang trang hơn. Những ngôi nhà xây, ngói đỏ mọc lên dọc những con đường đã được rải nhựa vào tận bản. Không chỉ là trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, người Pa Cô còn đẩy mạnh phát triển kinh tế từ du lịch. Nhờ có dòng suối Tà Đủ đẹp mê hồn, với bản sắc văn hóa, người Pa Cô đã phát triển thêm một số dịch vụ ăn uống đặc sắc phục vụ du khách đến tham quan. Nhiều hộ gia đình trước đây là hộ nghèo, giờ thoát nghèo, nhiều hộ khá giả, điều mà trước đây người Pa Cô có lẽ không dám mơ.

Điển hình như hộ gia đình ông Hồ Văn Chình phát triển chăn nuôi 30 con bò, 1 đàn dê cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ chăn nuôi, gia đình ông Chình và nhiều hộ gia đình khác còn trồng thêm rừng kinh tế. Có điều kiện về kinh tế, những hộ đồng bào Pa Cô ở bản Tà Đủ đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp, con cái được đi học đầy đủ. Đồng bào đã thoát ra khỏi vòng xoáy nghèo đói, thất học, tảo hôn...

Ông Trần Vinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hợp vui mừng chia sẻ: “bản Tà Đủ có 100% dân số là người Pa Cô, đời sống người dân khấm khá, nhiều hộ có nhà xây khang trang. Đồng bào Pa Cô luôn tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng quê hương ấm no, giàu mạnh”.

Tân Hợp là xã đầu tiên của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị về đích NTM và đang phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2021.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào DTTS.