Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Kĩ thuật nuôi và chăm sóc vịt trời hiệu quả nhất

Như Ý - 16:00, 22/08/2022

Nuôi vịt trời là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian nuôi ngắn, cách chăm sóc đơn giản, lại ít bệnh tật, dễ nuôi và nhu cầu thị trường đang ngày càng cao. Tuy nhiên, để nuôi vịt trời thành công, mang lại lợi ích kinh tế cao thì không phải ai cũng làm được. Sau đây là kỹ thuật nuôi và chăm sóc vịt trời hiệu quả nhất mời bà con tham khảo.

Kĩ thuật nuôi và chăm sóc vịt trời hiệu quả nhất. Ảnh minh họa
Kĩ thuật nuôi và chăm sóc vịt trời hiệu quả nhất. Ảnh minh họa

Chọn giống

Vịt giống phải lựa chọn những con có bố mẹ to lớn, khả năng tăng trọng cao, phẩm chất tốt để vịt con thừa hưởng được những đặc tính di truyền tốt.

Lựa chọn những con vịt mới nở có các đặc điểm: lông mượt, rốn khô, chân mỏ đều, cơ thể cân đối, nhanh nhẹn và nặng từ 45g trở lên để làm giống nuôi thương phẩm. Loại bỏ những con bị dị tật, 2 chân không cân đối, lông bết, ủ rũ hoặc chậm chạp.

Nên chọn mua vịt từ đàn vịt bố mẹ rõ nguồn gốc, sạch bệnh và nên mua ở các cơ sở cung cấp giống uy tín để tránh mua phải vịt giống cận huyết, vịt kém chất lượng.

Chuẩn bị chuồng trại

Tùy vào điều kiện cụ thể để làm chuồng trại nuôi vịt trời cho phù hợp. Tuy nhiên vị trí chuồng nuôi tốt nhất là gần bờ ao, thuận tiện cho vịt tắm, có nhiều cây cối. Không xây chuồng chung với các loại gia súc khác và cách ly khu nhà ở. Chuồng nuôi phải đảm bảo các yếu tố: Thoáng mát vào mùa hè, ấm và kín vào mùa đông. Chuồng có thể chia làm nhiều ô để phân chia đàn theo lứa tuổi nhằm thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc. Có thể xây gạch hoặc làm bằng tre, gỗ. Mái chuồng lợp ngói, lá cọ, lá xi măng. Nền chuồng phải cao, bằng phẳng được lát bằng gạch hoặc xi măng nhám, chất độn chuồng đảm bảo phải khô sạch.

Chuồng cần có sân chơi rộng rãi cho vịt, diện tích sân chơi phải gấp 2 - 3 lần diện tích chuồng và xây dựng sát ngay phía trước chuồng nuôi. Sân chơi không quá dốc nhưng phải đảm bảo thoát nước vào mùa mưa. Xung quanh chuồng quây bằng lưới B40 để tránh thất thoát.

Phát quang cây cối quanh khu vực chăn nuôi để hạn chế sự tập trung chim hoang dã, vệ sinh cỏ, rác, khơi thông cống rãnh. Diệt chuột và các loại côn trùng khu vực xung quanh và chuồng nuôi, rắc vôi bột.

Tiến hành vệ sinh khử trùng chuồng trại, sát trùng kỹ các dụng cụ máng ăn, máng uống và để trống chuồng 7 - 14 ngày trước khi bắt vịt về. Kiểm tra các trang thiết bị chăn nuôi để đảm bảo chúng không bị hư hỏng trong quá trình nuôi.

Ðiều kiện nuôi

Cần bật bóng khoảng 3 - 5 tiếng trước khi bắt vịt về úm. Do vịt mới nở có sức đề kháng yếu. Vì vậy, cần nhiệt độ cao, nhiệt độ trong quây úm là 35 - 360C đối với vịt 1 ngày tuổi. Nhiệt độ giảm dần theo ngày, đến ngày thứ 5, nhiệt độ trong quây úm đảm bảo khoảng 32 - 330C. Sau đó giảm dần nhiệt độ thích hợp bằng cách quan sát hoạt động của vịt, nếu thấy vịt đứng tụm lại, co ro là nhiệt độ thấp; nếu vịt đứng tản ra thì do nhiệt độ cao. Nên duy trì độ ẩm trong quây úm khoảng 70% là thích hợp.

Thông thường, diện tích nhà úm khoảng 50 - 100 m2/vạn vịt. Căn cứ vào từng giai đoạn mà có mật độ thả vịt khác nhau, cụ thể: Trong tuần 1, úm vịt với mật độ 20 con/m2; tuần 2 là 5 con/m2; từ tuần thứ 3 trở đi tiến hành thả vịt ra ngoài.

Máng ăn phải rộng để vịt có thể tiếp xúc với thức ăn, chiều dài của máng đảm bảo 10 - 14 cm/con. Máng uống phải rửa hàng ngày, đảm bảo đủ chỗ cho vịt đứng, độ dài máng bình quân là 3 cm/con, máng phải luôn có nước. Bố trí máng ăn, máng uống ở khu vực riêng, để chỗ nghỉ ngơi của vịt luôn được khô ráo.

Kĩ thuật nuôi và chăm sóc vịt trời hiệu quả nhất 1

Kỹ thuật nuôi vịt trời

Trong cách nuôi vịt trời nói riêng và các gia cầm khác nói chung, bà con cần đảm bảo cân đối đủ nhóm chất dinh dưỡng cần thiết trong thức ăn. Nguồn thức ăn cho vịt trời khá đa dạng có thể lấy từ tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn tổng hợp… và chia thành 4 nhóm chính như sau:

Nhóm năng lượng: Cung cấp nguồn năng lượng chính để vịt hoạt động và phát triển, bao gồm các loại ngũ cốc, tinh bột như: thóc, ngô, cám, tấm, khoai, sắn…

Nhóm chất đạm: Bà con có thể bổ sung đạm thực vật cho vịt trời ăn bằng các sản phẩm nông nghiệp như: đậu tương, vừng, lạc, khô dầu… hoặc đạm động vật như: tôm, cá, giun đất, cua, ốc,…

Nhóm chất khoáng: Sử dụng các khoáng chất có trong tự nhiên chủ yếu tới từ vỏ các loài giáp xác như: cua, trai, ốc, hến, tôm, trứng… được cho vào máy băm nghiền đa năng nghiền nát nhuyễn để tăng cường khả năng hấp thu và tránh làm hóc nếu vịt còn nhỏ, thúc đẩy quá trình phát triển xương, cơ, cho chất lượng thịt thơm ngon hơn.

Nhóm vitamin: Giúp tăng cường hệ miễn dịch và thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Bà con bổ sung thêm: rau xanh, cỏ, lá cây, quả quả… Nếu nguồn cung cấp từ tự nhiên khan hiếm, bà con có thể bổ sung vitamin công nghiệp vào thức ăn như: oremix vitamin, B- complex…

Kĩ thuật nuôi và chăm sóc vịt trời qua các giai đoạn ngày tuổi cụ thể:

Vịt con từ 1 - 3 ngày tuổi

Ngày đầu có thể cho vịt tập ăn bằng bột bắp hoặc tấm, cho vịt uống nước có pha Vime C Electrolyte, B.complex C, Vimevit Electrolyte. Nhu cầu về nước uống của vịt. Từ 1 - 7 ngày tuổi là 120 ml/con/ngày. Từ ngày thứ hai trở đi có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp dành cho vịt.

Vịt con từ 4 - 10 ngày tuổi

Nếu nuôi vịt thịt có thể tập thêm cho vịt ăn những thức ăn như rau xanh trộn lẫn với cơm. Thức ăn bổ sung đạm: Bột cá lạt, phân tôm. Chú ý phân tôm có hàm lượng muối rất cao, sử dụng quá nhiều trong khẩu phần vịt có thể ngộ độc muối. Những ngày đầu chỉ cho tắm 5-10 phút sau đó tăng dần lên và từ ngày thứ 10 trở đi cho vịt xuống nước tự do.

Vịt con từ 11 - 20 ngày tuổi

Nếu có điều kiện nên cho vịt ăn thức ăn hỗn hợp. Khi vịt được 15 ngày tuổi nên cho ăn hai lần kết hợp chăn thả ngoài đồng để cho vịt kiếm thêm thức ăn. Nếu cho vịt ăn đơn thuần là tấm, cám trong giai đoạn này cần bổ sung thêm chất đạm như tôm, cua, cá. Ngày thứ 20 trở đi có thể tập cho vịt ăn lúa.

Vịt từ 30 - 80 ngày tuổi

Sau 30 ngày tuổi vịt ăn lúa được và có khả năng tự kiếm mồi, lúc này vịt có thể cho chạy đồng. Ở các giống vịt thịt, ngày tuổi thứ 80 là thời điểm thích hợp nhất để bán thịt.

Kĩ thuật nuôi và chăm sóc vịt trời hiệu quả nhất 2

Phòng bệnh cho vịt trời

Để đảm bảo việc nuôi vịt trời thuận lợi và vịt không bị dịch bệnh thì bà con cần phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, máng ăn và đảm bảo nước uống cho vịt sạch sẽ. Trước khi thả vịt cần nạo vét sạch chất độn chuồng cũ, phun các thuốc sát trùng chuồng trại và dụng cụ như Vimekon (100gr Vimekon + 20 lít nước) hoặc Vime - Protex (1 lít Vime - Protex + 200 lít nước), sát trùng nước uống bằng Vime - Iodine (10ml Vime - Iodine + 20 lít nước).

Cách nuôi vịt trời hiệu quả là bà con phải thực hiện tiêm vac-xin đầy đủ theo định kỳ để có thể giúp cho vịt chống được các dịch bệnh nguy hiểm khác. Cần tiêm phòng đầy đủ cho vịt theo lịch sau:

7 ngày tuổi: Tiêm phòng dịch tả vịt lần 1.

17 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine cúm gia cầm lần 1.

21 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine dịch tả lần 2.

45 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine cúm gia cầm lần 2.

60 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng.

Vịt trời là giống vịt khá thuần tính. Vì thế, khi nuôi vịt trời để phát triển kinh tế thì bà con cần phải nắm rõ những điều quan trọng trong cách nuôi vịt trời để đảm bảo quá trình chăn nuôi vịt được hiệu quả nhất./.

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.