Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang hàng năm, được tổ chức vào thời điểm Lễ hội Oóc Om Bók khi vừa kết thúc vụ mùa, nhằm tỏ lòng biết ơn đối với Thần Mặt trăng - vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ người dân bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi và sự no ấm cho người dân.
Các hoạt động Ngày hội diễn ra trong không khí trang trọng, vui tươi, tạo ra không gian văn hóa để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, qua đó vừa nhân thêm tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm của đồng bào đối với việc giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh nhà; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” và hưởng ứng tốt Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Thông qua các hoạt động của Ngày hội góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân cư, duy trì và gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer đến đồng bào cả nước, là dịp để các đồng bào dân tộc được gặp gỡ, giao lưu, đoàn kết, gắn bó với nhau trong và ngoài tỉnh; Góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, quảng bá du lịch và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Phát biểu khai mạc Ngày hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào DTTS với 3 dân tộc chủ yếu là Kinh, Khmer, Hoa cùng chung sống, phát triển nên đã hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng. Là tỉnh có tỷ lệ dân tộc Khmer đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL, chiếm trên 12% dân số toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Lưu Trung cho rằng, ngoài những đặc điểm chung của cộng đồng các dân tộc thuộc Vùng ĐBSCL, người Khmer Kiên Giang còn giữ gìn những loại hình nghệ thuật đặc sắc như: Nghệ thuật sân khấu Dù Kê, nghệ thuật sân khấu Rô Băm, nhạc Ngũ Âm, múa Rom Vong… Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể với những ngôi chùa Khmer to đẹp, lộng lẫy, khang trang, đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung và Kiên Giang nói riêng còn đang lưu giữ một kho tàng văn hóa phi vật thể rất quý báu chiếm một vị trí quan trọng và chi phối sâu sắc trong đời sống sinh hoạt - xã hội của đồng bào dân tộc Khmer từ trước tới nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết thêm, trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó xác định nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng mục tiêu bảo tồn văn hóa đặc trưng và phát huy giá trị văn hóa lễ hội gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ 15 năm 2023 được diễn ra từ ngày 25 - 28/11, với nhiều hoạt động thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống với hiện đại, phong phú trên các lĩnh vực như: Lễ Cúng Trăng truyền thống, Hội thi Giàn Thủy lục đẹp, Trưng bày hình ảnh, hiện vật xưa của đồng bào Khmer, Triển lãm, trưng bày giới thiệu sách, Hội chợ thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, hàng tiêu dùng và các hoạt động thi đấu thể thao như: Giải vô địch Taekwondo tỉnh Kiên Giang, giải bóng đá, bóng chuyền huyện Gò Quao mở rộng…
Sau Lễ khai mạc đã diễn ra các phần thi Giải đua Ghe ngo với 2 nội dung thi đấu là nam và nam, nữ phối hợp.