Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Kỹ sư người Khmer lập nghiệp từ dưa lưới

Lâm Á Rịa - 10:03, 05/10/2020

Từng là cán bộ tại Nông trường Cao su Đồng Phú-Kratie (thuộc xã ÔcaRiêng, huyện Sambo, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia) với mức thu nhập khá cao, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, anh Lâm Bao (SN 1979), kỹ sư nông nghiệp người dân tộc Khmer đã xin nghỉ việc để về quê ở xã Nha Bích, huyện Chơn Thành (Bình Phước) phát triển mô hình trồng dưa lưới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản phẩm dưa lưới của gia đình anh Lâm Bao
Sản phẩm dưa lưới của gia đình anh Lâm Bao

Trong thời gian công tác tại Công ty Cao su Đồng Phú – Kratie, anh luôn được lãnh đạo Công ty và đồng nghiệp tin cậy, giao phụ trách nhiều mảng công việc liên quan đến công tác tổ chức và quản lý cán bộ; công tác hướng dẫn, chăm sóc các kỹ thuật liên quan đến cây trồng, đặc biệt là cây cao su.

Mặc dù làm cán bộ tại Nông trường thuộc Công ty Cao su Đồng Phú - Kratie, mức lương cao nhưng đến tháng 10/2019, anh quyết định xin phép Ban lãnh đạo Công ty nghỉ làm để trở về quê hương làm kinh tế gia đình và có điều kiện chăm sóc mẹ già.

Thuận lợi lớn nhất là gia đình anh Lâm Bao có diện tích đất nông nghiệp rộng hơn 5.000m2, nguồn nước tưới dồi dào, bản thân anh là kỹ sư nông nghiệp nên dễ dàng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây trồng.

Anh Lâm Bao trong vườn trồng dưa lưới
Anh Lâm Bao trong vườn trồng dưa lưới

Sau thời gian nghiên cứu kỹ thuật trồng cây dưa lưới cũng như khảo sát nguồn nước, đất đai, khí hậu, anh Lâm Bao tiến hành xây dựng khu vực nhà lưới. Ban đầu, vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên anh thử nghiệm làm nhà lưới trong diện tích 1.000m2 đất để trồng hơn 2.000 cây dưa lưới. Tất cả các kỹ thuật, đường dây, ống dẫn tưới tiêu đều tự động hóa nên mô hình này không cần nhiều nhân công. Việc phun tưới đều áp dụng công nghệ, phân bón hay các chất dinh dưỡng đều hòa chung vào nước tưới để nuôi cây. 

Anh Lâm Bao cho biết, việc trồng, chăm sóc dưa lưới đòi hỏi phải đúng quy trình kỹ thuật, từ đó cây sẽ cho năng suất tốt. Ví dụ trong giai đoạn dưa lưới ra hoa mà sử dụng thừa đạm thì cây sẽ không ra hoa được, có khi nụ sẽ héo vàng, hoặc khó đậu trái. Ngoài ra, dưa lưới cũng rất nhiều bệnh nên người trồng cần phải quản lý tốt và kết hợp với chế độ dinh dưỡng cho cây. Nhằm bảo đảm chất lượng nên mỗi cây dưa lưới chỉ nuôi dưỡng duy nhất một quả thì mới cho chất lượng, ngon và ngọt. Tính từ thời gian bắt đầu trồng dưa lưới cho đến khi thu hoạch, thường dao động từ 2 tháng rưỡi đến 3 tháng, nếu làm tốt thì mỗi năm có thể trồng được 4 vụ.

Vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình anh Lâm Bao thu trên 3 tấn trái, với giá bán dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, trừ chi phí, công chăm sóc, phân bón… lợi nhuận thu về trên 30 triệu đồng. Đây là kết quả đáng mừng cho anh và cũng là niềm khích lệ để anh tiếp tục nhân rộng thêm diện tích, số lượng cây với quy mô lớn hơn. 

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Bao còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động là người DTTS tại địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình tại xã Nha Bích đến thăm quan, học tập mô hình trồng dưa lưới tại gia đình anh Lâm Bao, anh đều nhiệt tình tư vấn các kỹ thuật lắp đặt, xây dựng nhà lưới, đường ống tưới tiêu cho mọi người. 

Anh Lâm Bao mong muốn, trong thời gian tới có nhiều hộ dân tại xã Nha Bích nói chung và huyện Chơn Thành nói riêng phát triển thêm nhiều mô hình trồng dưa lưới để đủ điều kiện thành lập hợp tác xã dưa lưới tại địa bàn huyện Chơn Thành. Đây cũng là cơ sở, điều kiện để đăng ký thương hiệu, tên sản phẩm và có chỗ đứng trên thị trường.             

 

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Sóc Trăng: Xây dựng mô hình thí điểm “Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu”

Xã Tân Hưng (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là địa điểm được khảo sát và lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình Làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu “Phát triển mô hình làng nông nghiệp thuận thiên thích ứng với BĐKH vùng đồng bào DTTS và miền núi”, do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý.