“Áo dài của chúng ta" là chương trình nằm trong khuôn khổ chiến dịch Áo dài di sản Việt Nam của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhằm tôn vinh giá trị, vẻ đẹp áo dài truyền thống và vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.
Chương trình giới thiệu hơn 600 mẫu thiết kế áo dài khai thác những nét đẹp văn hóa đặc trưng của nhiều quốc gia trên thế giới nhưng được may bằng những chất liệu truyền thống, thân thiện với môi trường của Việt Nam, như: Tơ, lụa, đũi, gai...
Với sự tham gia của 15 nhà thiết kế Việt Nam và quốc tế công chúng như được trải nghiệm một cuộc du lịch vòng quanh thế giới với những tà áo dài truyền thống Việt: nhà thiết kế Cao Minh Tiến chọn vẻ đẹp của ngôn ngữ Pháp, Phương Thanh chọn hoa tulip đại diện cho đất nước Hà Lan, bộ sưu tập với những câu chuyện thần thoại đất nước Hi Lạp của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy, nhà thiết kế Hà Duy chọn Nhật Bản với sự sâu lắng trong kiến trúc…
Nhà thiết kế Minh Hạnh, tổng đạo diễn chương trình, cho biết: "Đây chỉ là 15 bộ sưu tập áo dài đầu tiên trong 100 bộ sưu tập lấy cảm hứng từ bản sắc văn hóa của 100 nước mà các nhà thiết kế Việt Nam và quốc tế sẽ đưa ra trong năm nay, để thể hiện "thâm ý" rằng áo dài của người Việt cực kỳ dễ thích nghi, kể cả với những nền văn hóa rất khác biệt, và áo dài không chỉ được yêu thích trong nước mà có thể lan tỏa mạnh hơn ở nước ngoài".
Ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Bộ đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của áo dài truyền thống, tạo thành chuỗi hoạt động có chiều sâu và sức lan tỏa lớn.
“Các cơ quan, đơn vị có liên quan đang xem xét, công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO; đồng thời, nghiên cứu một cách thấu đáo về trang phục áo dài, để tìm ra những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, bảo đảm sức sống của di sản...”, ông Bùi Hoài Sơn cho biết thêm./.