Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Làng kiểu mẫu dưới đỉnh núi U Sầu: “Làng nghiện rượu” đổi đời (Bài 1)

Minh Ngọc - Phạm Nữ - 07:39, 30/09/2022

Dưới đỉnh núi Kà Rá U Sầu có một ngôi làng nhỏ, tuy ở vùng sâu, vùng xa, nhưng lại có nhiều hộ gia đình tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh, là những tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, tiên phong, sáng tạo trong phát triển kinh tế.

Một góc xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi
Một góc xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi

Dưới đỉnh núi U Sầu

Chẳng biết ai đã đặt tên cho ngọn núi ấy, cái tên tưởng chừng rất buồn bên con suối Nước Tang. Đứng từ ngang triền núi, ngôi làng hiện ra trong chùng chình sương sớm, con đường bê tông phẳng lỳ ngoằn nghèo nối từ cung đường Đông Trường Sơn vào tới Ra Manh như dải lụa vắt vẻo trên núi đồi trùng điệp.

Thôn Ra Manh (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) với 2 xóm là Ra Manh và Ra Mun có 100 hộ đồng bào Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) sinh sống lâu đời bằng lúa rẫy, cá suối, ốc đá, rau rừng... một bên tựa vào núi cao, một bên là hồ nước trong xanh. Cảnh đẹp như vậy, nhưng lại được đặt bên ngọn núi với cái tên khá lạ là núi Kà Rá U Sầu. Nhưng tất cả cũng đều có nguyên do, ấy là do rượu. Xã Sơn Long, huyện Sơn Tây nhiều năm trước từng được xem là một trong những "điểm nóng" về tệ nghiện rượu. Từng có nhiều vụ gây rối, thậm chí là cả án mạng đã xảy ra tại địa phương này do ảnh hưởng của rượu. Như trường hợp người con Đinh Văn Triệu đã xông vào đánh cha ruột sau khi uống rượu cùng nhau, rồi sau đó người cha tử vong, cùng với đó là nhiều vụ việc đánh nhau gây mất an ninh trật tự địa phương.

Theo ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long chia sẻ, đã từng có một thời gian dài người dân nơi đây thường xuyên uống rượu. Có những người đàn ông ngày nào cũng uống, bất kể sáng hay tối. Khi cơn thèm rượu nổi lên, họ vào rừng chặt củi, mỗi bó bán được khoảng 30 ngàn đồng và lại đổ hết vào rượu. Người dân nơi này đã quá quen với hình ảnh những người đàn ông loạng choạng với bọc rượu bên mình, rồi ngã nhào xuống vệ đường ngủ bất chấp mưa nắng hay gió lạnh.

Đồng bào Ca Dong mừng lễ hội (ảnh minh hoạ)
Đồng bào Ca Dong mừng lễ hội (ảnh minh hoạ)

Đổi đời nhờ vươn lên làm kinh tế

Nhưng rồi, tất cả đã đi vào dĩ vãng, khi chính quyền địa phương phối hợp cùng các cơ quan chức năng không ngừng tuyên truyền vận động, đồng thời xây dựng những mô hình kinh tế để người dân học theo và làm theo, phát triển kinh tế gia đình. 

Trưởng thôn, bí thư chi bộ Đinh Quang Trú mang nụ cười hào sảng của đất trời đông Trường Sơn với nước gia rám nắng, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm hy vọng phát triển cho cộng đồng người Ca Dong nơi đây. Anh Trú kể, Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh làm việc bán chuyên trách tại địa phương rồi được bầu làm Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Ra Manh. Sinh sống trên mảnh đất xa xôi, đường giao thông thường xuyên ách tắc trong mùa mưa bão, đời sống của gia đình anh và người dân trong thôn còn gặp vô vàn khó khăn, anh luôn trăn trở làm sao để nâng cao thu nhập cho gia đình và cho cả người trong làng. 

Bằng nguồn vốn hỗ trợ của các ngân hàng và các quỹ hoạt động, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp. Từ 1 con trâu hiện gia đình anh đang sở hữu đàn trâu, bò lên đến 9 con, chăn nuôi thêm 100 con gà, vịt; trồng, chăm sóc 5 sào keo, 1.500 cây cau và 5 sào lúa nước. Gia đình anh đã xây dựng được ngôi nhà xây kết hợp nhà sàn khang trang hơn 300 triệu đồng, mua sắm đầy đủ các vật dụng trong gia đình. Và gia đình anh là gia đình duy nhất đại diện cho huyện Sơn Tây tham dự Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017 – 2021 được tổ chức vào ngày 30/6/2022 vừa qua.

Đồng bào dân tộc Ca Dong nơi đây luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã tự hào khoe như thế khi chỉ về phía Ra Manh. Trong những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, trên địa bàn xã Sơn Long xuất hiện nhiều gương điển hình về mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ Ra Manh, những mô hình kinh tế hộ gia đình đã được phát triển mạnh ở các thôn làng khác, điển hình như chị Đinh Thị Hồng (sinh năm 1990, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Thôn Mang Hin, xã Sơn Long). Năm 2012, chị Hồng bàn với chồng phát triển kinh tế từ trồng trọt và chăn nuôi như trồng mỳ (sắn), trồng keo, trồng chuối kết hợp nuôi bò, gà, vịt, heo (lợn) ky… đồng thời trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn như sầu riêng, ổi, bưởi da xanh, sâm đương quy… kết hợp chăn nuôi. Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi, vợ chồng chị hiện có 5 ha keo, chuối đồng nai với hơn 2000 gốc (5 ha), 500 cây bưởi da xanh, 50 cây sầu riêng, 0,5 ha trồng sâm đương quy cùng đàn heo, bò, n gà, vịt sinh sản, phát triển tốt, được bán ra thị trường cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Chị Hồng đang chăm sóc vườn keo sắp đến kỳ thu hoạch
Chị Hồng đang chăm sóc vườn keo sắp đến kỳ thu hoạch

Hay như trường hợp chị Đinh Thị Bé - một trong những gương điển hình vượt lên hoàn cảnh khó khăn, chịu khó tìm tòi, học hỏi để làm giàu chính đáng và tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em khác tại địa phương. Xuất thân từ gia đình thuần nông, cuộc sống của gia đình chị Bé trước đây gặp không ít khó khăn, vất vả. Năm 2013, sau khi đã tìm hiểu, tích lũy được một số kinh nghiệm trong chăn nuôi gia trại, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi kết hợp làm kinh tế vườn. Đến nay, gia đình chị sở hữu đàn heo ky trên 40 con, đàn gà 30 con, đàn vịt 20 con. Ngoài ra chị còn trồng cây keo và một số loại cây ăn quả, cho thu nhập hàng năm trên 80 triệu đồng.

Sự nỗ lực trong phát triển kinh tế của những người Ca Dong, có ý chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình như gia đình anh Trú, chị Hồng, chị Bé cùng nhiều người khác đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Ra Manh, cũng như xã Sơn Long nói riêng và huyện Sơn Tây nói chung. Hiện nay, mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Trú, chị Hồng, chị Bé cùng nhiều người khác khác là một trong những địa chỉ tin cậy để chính quyền địa phương tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân học tập và noi theo để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Không chỉ làm kinh tế, nhiều hộ gia đình đã gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng mô hình nhà sạch, vườn đẹp, phong trào “5 không 3 sạch”… đồng thời giúp những hộ dân khác trong thôn, xã tích cực giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Người dân ở thôn Ra Manh tích cực trong những buổi tuyên truyền vận động xây dựng thôn làng kiểu mẫu ở địa phương
Người dân ở thôn Ra Manh tích cực tham gia các buổi tuyên truyền vận động xây dựng thôn làng kiểu mẫu ở địa phương

Người Ca Dong ở chốn này đã thôi không còn say rượu nữa, mà họ đã chuyên tâm làm kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình và hàng xóm. Theo ông Đỗ Thanh Vượt, ở Ra Manh và cả xã Sơn Long đều có nhiều tấm gương điển hình về cần cù, sáng tạo, ham học hỏi trong lao động sản xuất để vươn lên làm giàu chính đáng. Những thành quả đạt được hôm nay thật đáng trân trọng, góp phần tô thắm thêm hình ảnh vượt khó của đồng bào Ca dong ở vùng sâu vùng xa này. Có thể nói, mô hình phát triển kinh tế gia đình bằng trồng cây ăn quả, cây dược liệu kết hợp với chăn nuôi là một mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con nông dân ở xã miền núi Sơn Long.

Tin cùng chuyên mục
Trở lại Trà Leng

Trở lại Trà Leng

Sau biến cố kinh hoàng khiến hàng chục gia đình tang thương, từ nơi ấy dân làng Trà Leng đã trụ vững để đi tiếp hành trình sống bên rừng thiêng bao đời. Họ đã vững chãi tái thiết cuộc sống mới sau thảm họa.