Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

“Lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm”

Nguyễn Thanh - 08:26, 14/12/2021

Về bờ mới an toàn! Bao người phụ nữ làng biển đã thốt lên như vậy khi nói về cái nghề truyền nối bao đời, mưu sinh nơi biển cả...

Anh Vũ Văn Hà ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu kể về những kỷ niệm khó quên của nghề đi biển. (Ảnh TH)
Anh Vũ Văn Hà ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu kể về những kỷ niệm khó quên của nghề đi biển. (Ảnh TH)

Cho đến tận bây giờ, mỗi khi ai đó nhắc lại thời khắc hay tin chồng gặp nạn trên biển, chị Ngô Thị Đức, vợ của  ngư phủ Vũ Văn Hà ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn thảng thốt. Dẫu thế, gia đình anh chị Hà Đức vẫn hạnh phúc xiết bao, khi anh Hà đã may mắn vượt qua kiếp nạn.

Anh Hà kể lại, đó là ngày cuối tháng 11/2013, sau khi đánh bắt 1 tuần ở Vịnh Bắc bộ, con tàu mang số hiệu NA 90249TS gặp sóng to gió lớn. Sau mấy phút nước tràn vào khoang thì con tàu chìm hẳn. 10 anh em trên tàu bám vào 2 chiếc áo phao và tấm xốp chừng mấy m2. Nhưng đói, lạnh, mệt, sóng lớn… lần lượt từng người buông tay, chìm vào biển cả. Rồi anh Hà rùng mình: Tôi đã có hơn 30 giờ lênh đênh trên biển, chỉ có tôi và 1 đồng nghiệp sống sót và những hình ảnh, ký ức đó nhiều năm sau tôi vẫn ám ảnh.

Ngồi kế bên, chị Ngô Thị Đức góp chuyện, đọc lên câu ví von dân gian: "Lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm". Chị giải thích, cứ mỗi lần chồng giong buồm vươn khơi là vợ ở nhà thấp thỏm, ngóng tin chồng cho mãi đến lúc thuyền về mới thôi. Nhưng vì cuộc mưu sinh, nên cũng chỉ biết cầu nguyện, không còn cách nào khác.

Bà Trần Thị Xứ chưa thể quên câu chuyện về người con trai gặp nạn. (Ảnh TH)
Bà Trần Thị Xứ chưa thể quên câu chuyện về người con trai gặp nạn. (Ảnh TH)

Có dịp tìm hiểu về cuộc sống ở một số làng chài, mới thấy được hầu hết phụ nữ làng biển, luôn phải sống trong những tháng ngày thiếu vắng hơi ấm người trụ cột trong gia đình. Sáng sáng, các chị cầu mong và hy vọng khi chồng, cha, con vươn khơi quay trở về cập bến với khoang cá, tôm nuôi sống gia đình. 

Và trong mỗi chuyến hải trình của người trụ cột, những người phụ nữ bất an, lo lắng khôn nguôi. Không ít chị em phụ nữ làng biển phút chốc thành góa phụ, những đứa trẻ sớm vội mồ côi vì những ngư phủ đã hòa vào biển cả.

Kể từ ngày đứa con trai Nguyễn Văn Lam mất tích trên biển, ông Nguyễn Văn Nhương ở thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu chưa lúc nào ngủ yên. Vợ anh Lam, bỗng chốc thành góa phụ. “Nó mất tích để lại đứa cháu sinh năm 2017 cho ông bà nuôi. Còn con dâu, sau đó cũng bỏ nhà mà đi. Mỗi lần cháu hỏi, tôi lại nói dối là bố đi đánh cá chưa về”, ông Nhương buồn bã.

Cũng ở thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu,  chị Bùi Thị Lý, vợ thuyền viên Bùi Văn Hoài vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi đau mất chồng. Rạng sáng ngày 17/12/2013, cả thôn Minh Thành như chết lặng, khi thi thể anh Hoài được di chuyển về đến nhà. 

8 năm trôi qua, người vợ trẻ đã phải thay chồng nuôi 3 đứa con thơ dại trong thiếu thốn đủ bề. Chị Lý sụt sùi: "Chẳng có mất mát nào, đau đớn nào bằng việc mất người thân. Thương chồng, thương mình, tôi chỉ biết cố gắng làm lụng kiếm tiền nuôi các con ăn học, trưởng thành".

Vá lưới chuẩn bị vươn khơi. (Ảnh ĐA)
Ngư dân kiểm tra lưới, dụng cụ đi biển chuẩn bị cho tàu vươn khơi. (Ảnh ĐA)

Nhớ lại vụ chìm tàu khiến người con trai Vũ Văn Biên tử nạn cách đây 7 năm, bà Trần Thị Xứ ở thôn Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu vẫn chưa nguôi đau xót, ám ảnh. Bà kể, sau khi vợ sinh được hơn 1 tháng, nó (anh Biên-PV), vay mượn khắp nơi để góp vốn đóng tàu lớn vươn khơi dài ngày. Thế nhưng, tàu vừa ra khơi được 1 chuyến thì gặp nạn. Sau 28 tiếng lênh đênh trên biển, anh thoát nạn nhờ được ngư dân người Quảng Trị cứu vớt. 

Sau đấy, anh Biên tiếp tục góp vốn để đóng tàu NA 93240TS do anh Bùi Hoàng Hiệp (SN 1984) làm thuyền trưởng. Nhưng chuyến thứ 3, anh Biên gặp nạn. Bà Xứ xót xa: "Vợ nó sau đó ôm con bỏ đi. Cũng may mà còn tìm thấy thi thể nó, không thì còn day dứt cả đời".

Nghề đi biển đầy mệt nhọc, lắm rủi ro… nhưng với những ngư dân, họ chưa bao giờ từ bỏ ý định chuyển sang nghề khác, mà vẫn kiên trì bám biển. Như ngư dân Vũ Văn Hà, trở về từ cõi chết, nhưng anh vẫn rành rẽ nói rằng: "Biển đã là một phần hồn cốt của cuộc đời, không thể dứt được. Mình đã chọn cuộc đời gắn với biển, thì phải chấp nhận hiểm nguy. Cái chết mình đã vượt qua, thì còn gì đáng sợ hơn thế".

Còn với ngư dân Ngô Trí Đông ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, thì tàu cá là nhà, biển cả là quê hương. Có lẽ, chỉ những ngư dân dành cả đời mình cho biển, mới hiểu được vì sao họ cứ phải dấn thân vào cái nghề vốn đầy hiểm nguy, mệt nhọc này. 

Ngư dân Đông kể: có người thấy nghề đi biển cực nhọc đã bỏ ngang một thời gian, nhưng sau lại quay về nghề cũ. Kể thế đã đủ hiểu biển là một phần của cuộc đời đến không dứt ra được.

Cảng Lạch Vạn huyện Diễn Châu - ảnh ĐA
Cảng Lạch Vạn huyện Diễn Châu - ảnh ĐA

Tôi bất giác nhớ đến mấy câu thơ trong bài Quê hương của Tế Hanh: “Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ/ Khắp dân làng tấp nập đón ghe về/ Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”… Đúng vậy, những ngày trời yên, biển lặng, chỉ cần ra khơi một chuyến, ngư dân đã mang về cả trăm triệu đồng. Nguồn thu nhập ấy đã nuôi sống bao gia đình làng chài, thắp sáng bao ước mơ con trẻ vùng miệt biển. 

Và còn điều đặc biệt khác, đó là ngoài nghiệp mưu sinh, ngư dân đều hiểu được một đạo lý, bám biển là góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.