Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ hội Lồng tồng trên cao nguyên Cư M'gar

Lê Hường - 09:55, 06/02/2023

Cư M’gar là tên gọi của một ngọn núi lửa đã tắt hàng triệu năm ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Người trong vùng còn quen gọi bằng cái tên rất đẹp-Núi Hoa. Đây là vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống với không gian văn hóa, lễ hội phong phú, đa dạng và độc đáo của các dân tộc thiểu số, trong đó, có Lễ hội Lồng tồng mang đặc trưng riêng của người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc đã định cư ổn định ở xã Cư M’gar.

Các đại biểu và du khách đến tham dự Lễ hội Lồng tồng
Các đại biểu và du khách đến tham dự Lễ hội Lồng tồng

Lễ hội Lồng tồng hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng, là lễ hội dân gian được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây cũng được xem là hoạt động tín ngưỡng cúng thần nông – vị thần cai quản đồng ruộng, các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, người Tày, Nùng thường chọn thửa ruộng đất tốt nhất, địa điểm thuận lợi nhất để tổ chức lễ hội quan trọng này.

Xã Cư M’gar có 4 dân tộc anh em sinh sống, với trên 10.000 dân. Trong đó, các dân tộc Tày, Nùng chiếm khoảng 36%. Hằng năm, chính quyền địa phương đều phối hợp với các ngành chức năng và người dân tổ chức Lễ hội Lồng tồng.

Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại Lễ hội
Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại Lễ hội Lồng tồng

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Lồng tồng cho biết: Lễ hội Lồng tồng là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng, mong ước, niềm tin thiêng liêng, cháy bỏng của mỗi người dân trong sự hoà hợp trời đất, âm dương; cầu mong cho cuộc sống khỏe mạnh, no đủ, vạn vật sinh sôi. Với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Lễ hội Lồng tồng chính là tài sản văn hóa tinh thần vô giá. 

Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Lễ hội Lồng tồng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng diễn ra ngày càng sôi nổi, phong phú hơn, đảm bảo các yếu tố văn hóa dân gian. Từ đó, đã thu hút du khách đến tham dự lễ hội ngày một đông, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Trung bình mỗi năm Lễ hội Lồng tồng thu hút khoảng 10.000 lượt du khách đến tham dự.

Người dân địa phương tham gia trò chơi dân gian bịt mắt đánh trống
Người dân địa phương tham gia trò chơi dân gian bịt mắt đánh trống

Theo thông lệ, vào ngày mùng 6 tháng Giêng đồng bào dân tộc Tày, Nùng xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, lại cùng nhau Lễ hội Lồng tồng để cầu mong một năm mới mùa màng bội thu, mọi người ấm no.

Cụ bà Hoàng Thị Ngãi (80 tuổi), trú thôn 3 chia sẻ: gia đình bà từ tỉnh Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1991 đến nay. Mấy chục năm qua, cộng đồng người Tày, Nùng ở đây vẫn chăm chỉ lao động, sản xuất và bảo ban nhau gìn giữ, bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có Lễ hội Lồng tồng. Bà con đến đây, không chỉ để tạ ơn trời đất, thần linh mà còn giao lưu văn nghệ, nghe hát then, nhịp đàn tính và tham gia các trò chơi dân gian tung còn, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt vịt, đi câu kiều, lấy cỏ...

Các nghệ nhân dân gian biểu diễn đàn tính, hát then-một nét văn hóa đặc trưng của người Tày, Nùng
Các nghệ nhân dân gian biểu diễn đàn tính, hát then-một nét văn hóa đặc trưng của người Tày, Nùng

Ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết: Huyện rất quan tâm đến bảo tồn văn hóa dân gian các dân tộc, trên địa bàn huyện đã có nhiều lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức nhiều năm qua như, Lễ hội mừng lúa mới của người Xơ Đăng; Ăn cơm mới của người Thái; Cúng bến nước, cúng sức khỏe của người Ê Đê… Để tạo điều kiện thuận lợi cũng như thể hiện sự quan tâm của huyện, hàng năm UBND huyện hỗ trợ về kinh phí, trang thiết bị cho các địa phương tổ chức lễ hội truyền thống.

Lễ hội Lồng tồng nhằm mục đích giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tày, Nùng và tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Cư M’gar để gìn giữ văn hóa truyền thống. Đồng thời, góp phần động viên tinh thần bà con cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm lao động, sản xuất, để năm tới mùa màng bội thu. 

Thầy mo thay mặt bà con cúng tạ ơn trời đất, thần linh và câu năm mới nhà nhà ấm no
Thầy mo thay mặt bà con cúng tạ ơn trời đất, thần linh và cầu cho năm mới nhà nhà ấm no

Ngoài Lễ hội Lồng tồng, thời gian qua, các dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn đã gìn giữ rất tốt các nét văn hóa truyền thống từ trang phục, đàn tính, hát then rất đặc sắc. "Giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc có ý nghĩa sâu sắc trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là các lễ hội đã tạo sức thu hút khách du lịch thập phương. Qua đó, quảng bá hình ảnh du lịch của huyện Cư M’gar và bản sắc văn hóa đặc sắc và vô cùng phong phú của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện" , ông Y Wem Hwing nhấn mạnh.