Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Mong muốn của những người làm công tác dân tộc

Ngọc Thu - 07:27, 02/05/2022

Nhiều năm qua, những người làm công tác dân tộc luôn nỗ lực đưa các chương trình chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi giúp bà con DTTS thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, giám sát, phát hiện từ thực tiễn, không ít cán bộ làm công tác dân tộc đang trăn trở với một số khó khăn, hạn chế... mong muốn sự điều chỉnh sớm, phù hợp với công tác dân tộc trong tình hình mới.

Xóa bỏ khoảng cách giữa vùng DTTS với các vùng khác một trong những sự trăn trở của người làm công tác dân tộc
Rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác là một trong những sự trăn trở của người làm công tác dân tộc

Làm công tác dân tộc hơn 10 năm nay, anh Pui Hríu, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai không thể nhớ hết được những thôn làng ở Gia Lai mà anh đã đi qua. Vì vậy, anh rất hiểu những khó khăn đối với việc thay đổi nếp nghĩ cách làm cua bà con; cũng như để chính sách dân tộc đến đúng người, đúng thời điểm. 

Anh Hríu cho biết, tỉnh Gia Lai có đến hơn 46% dân số là DTTS, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Những năm qua, Ban Dân tộc đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể quyết tâm vận động, thuyết phục đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Hiện nay, tỉnh đã tổng hợp xong nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo anh Hríu, là người tiếp xúc trực tiếp với đồng bào, đặc thù địa phương nên khi triển khai chính sách dân tộc cho thấy, còn nhiều khó khăn như: Nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách dân tộc còn hạn chế. Công tác dân tộc là lĩnh vực đa ngành, đa lĩnh vực và cần có sự tham gia của nhiều ngành trong hệ thống chính trị.

Chính vì vậy, đòi hỏi cán bộ phải hiểu biết chuyên môn đa ngành, có tâm huyết, hiểu rõ đặc điểm dân tộc, ngôn ngữ, phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của đồng bào, phải gần dân, hiểu dân, trọng dân và có kỹ năng vận động quần chúng. "Do đó, chúng tôi mong muốn có nhiều lớp tập huấn để nâng cao năng lực hơn trong công tác, hoàn thành nhiệm vụ",  anh Hríu chia đề đạt.

Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước mong muốn có thêm biên chế để kiện toàn bộ máy làm việc (Trong ảnh: Các cán bộ Ban Dân tộc Bình Phước tham dự Hội thao chào mừng Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc lần thứ IX, năm 2022, tại Gia Lai))
Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước mong muốn, có thêm biên chế để kiện toàn bộ máy làm việc (Trong ảnh: Các cán bộ Ban Dân tộc Bình Phước tham dự Hội thao chào mừng Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc lần thứ IX, năm 2022, tại Gia Lai)

Đối với tỉnh Bình Định, những người làm công tác dân tộc cũng có những trăn trở, nỗi niềm riêng. Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, bộc bạch, ông rất trăn trở khi đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là một số tập quán còn lạc hậu, khoảng cách chênh lệch về kinh tế, văn hóa - xã hội giữa vùng DTTS với vùng đồng bằng.

"Mới đây khi thực hiện Quyết định 861/QĐ - TTg, một số chính sách trên địa bàn các xã không còn được thụ hưởng như cấp BHYT, miễn giảm học phí, trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội…; nhiều hộ dân ỷ lại, không muốn vươn lên thoát nghèo, gây khó khăn cho cán bộ làm công tác dân tộc khi tuyên truyền, triển khai chính sách dân tộc mới về vùng cao, vùng DTTS", Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định chia sẻ.

Nhờ có các chính sách phát triển kinh tế dành cho đồng bào DTTS của Đảng và Nhà nước, nhiều mô hình kinh tế đã triển khai đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào thoát nghèo và phát triển bền vững
Nhờ có các chính sách phát triển kinh tế dành cho đồng bào DTTS của Đảng và Nhà nước, nhiều mô hình kinh tế đã triển khai đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào thoát nghèo và phát triển bền vững

Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn, tỉnh Gia Lai quan tâm phối hợp, lồng ghép các nguồn lực thực hiện các Chương trình MTQG; tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Dân tộc với các sở, ngành trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự tham gia của người dân trong triển khai các chương trình, dự án; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đội ngũ Người có uy tín trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc… Về những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã giải đáp và cho biết sẽ tiếp thu, tham mưu, phối hợp giải quyết theo thẩm quyền.

Thời gian qua, các địa phương đang tập trung việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng đang tác động đến cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc. 

Theo bà Hồ Thị Hồng Hảo, Trưởng Phòng Dân Tộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, muốn nâng cao hoạt động của bộ máy Ban Dân tộc,  thì cấp trên cần ưu tiên xem xét, sắp xếp thêm biên chế cho cơ quan làm công tác dân tộc. Ví như như, Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn hiện nay mới chỉ có 3 cán bộ. Trong khi đó, huyện Phước Sơn có đến 10 xã vùng 3 (trong đó có 5 xã cùng cao), có khoảng 90% dân số là DTTS. Cùng với, địa bàn rộng, đồi núi. 

"Ngoài ra, chúng ta cần xem xét có chính sách hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách làm công tác dân tộc ở các xã để động viên, khuyến khích đội ngũ tích cực tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách đến với đồng bào"

Tại Bình Phước, hiện nay, khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế-xã hội và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản giữa vùng DTTS và đô thị còn khá lớn và xu hướng ngày này càng giãn rộng ra.

Ông Điểu Nen, Phó Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết, với hơn 20% dân số là DTTS, hàng năm, ngoài các chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói giảm nghèo, trong 3 năm nay, tỉnh Bình Phước có Đề án riêng giảm 1.000 hộ nghèo đã giúp các hộ DTTS giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, khó khăn đối với cơ quan Ban Dân tộc, hiện tại về biên chế, việc nhiều nhưng con người lại ít nên không thể quán xuyến hết công việc.

Theo ông Điểu Nen, trong giai đoạn hiện nay, để công tác dân tộc đạt được hiệu quả cao, đòi hỏi không chỉ có quyết tâm, nhận thức đúng mà còn phải xây dựng được những cách làm có hiệu quả, các hình thức và bước đi thích hợp với từng địa phương, từng dân tộc, cách áp dụng chương trình, chính sách dân tộc…Và muốn thực hiện điều đó, thì vai trò của người làm công tác dân tộc là vô cùng quan trọng; cán bộ làm công tác dân tộc sẽ luôn phải quan tâm, sâu sát thực tiễn cơ sở hơn nữa để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đời sống đồng bào DTTS.

"Và hơn ai hết, những người làm công tác dân tộc luôn mong muốn những chương trình, chính sách dân tộc, sẽ đến được với đồng bào DTTS, mang lại lợi ích thiết thực, tốt nhất cho đồng bào DTTS", ông Điểu Nen tâm tư.