Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Một mô hình tạo việc làm cho đồng bào DTTS hiệu quả ở Long Tân

Lê Vũ – Bảo Trần - 10:08, 08/04/2021

Thông qua mô hình phối hợp đào tạo nghề, đồng thời giới thiệu việc làm cụ thể giữa chính quyền xã với công ty may công nghiệp đóng trên địa bàn, thời gian qua, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động người DTTS, giúp đời sống của bà con ngày càng được ổn định.

Chị Đào Thị Hà, người dân tộc Châu Ro, Công nhân của công ty Dong In Entech VN đã có thu nhập ổn định từ khi vào làm việc
Chị Đào Thị Hà, người dân tộc Châu Ro đã có thu nhập ổn định từ khi làm công nhân cho công ty Dong In Entech VN

Trách nhiệm với lao động DTTS

Xã Long Tân là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống từ lâu đời của huyện Đất Đỏ. Nơi đây xưa kia là vùng đồi rừng, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, cuộc sống nghèo khó và không ổn định. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hầu hết đồng bào DTTS trên địa bàn đã chuyển sang định canh, định cư, phát triển trồng trọt và chăn nuôi, đời sống dần được cải thiện.

Tuy nhiên, không phải hộ gia đình nào ở Long Tân, cũng có điều kiện đất đai để canh tác hoặc chăn nuôi. Không ít thanh niên DTTS trong độ tuổi lao động ở đây phải đi làm thuê, làm mướn đủ nghề để sinh nhai. Nhưng do hạn chế về trình độ học vấn cũng như trình độ chuyên môn tay nghề, nên công việc thường cũng chỉ là là phụ giúp làm nông, làm các nghề thủ công, thu nhập thấp, lại không thường xuyên.

Trước tình hình đó, chính quyền xã Long Tân xác định, công tác đào tạo nghề, giới thiệu, tạo việc làm bền vững cho lao động nông thôn,lao động người DTTS, là giải pháp quan trọng để giúp người dân thoát nghèo. Vì thế, nhiều năm qua, xã Long Tân đã chú trọng, tìm tòi, đổi mới trong công tác đào tạo nghề cho đồng bào DTTS, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Một trong những mô hình khá thành công và mang lại kết quả thiết thực nhất thời gian gần đây, chính là việc chính quyền xã đã phối kết hợp với công ty TNHH Dong In Entech VN - một doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% của Hàn Quốc chuyên về sản xuất, gia công vali, túi xách có nhà máy đặt tại xã Tân Long để tổ chức đào tạo tay nghề và thu nhận lao động là người DTTS vào làm việc.

Theo đại diện UBND xã Long Tân, bước đầu thực hiện mục tiêu này có khá nhiều khó khăn, nhất là làm sao để thuyết phục các chủ đầu tư người nước ngoài nhận lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, làm sao để thay đổi tư duy cũng như kỹ năng làm việc của các lao động người DTTS vốn đã quen với các công việc tự do… 

Tuy nhiên, sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Công ty Dong In Entech VN. Đến nay, công ty đã đào tạo và nhận vào làm việc 33 lao động là đồng bào dân tộc Châu Ro, và 13 người là đồng bào các DTTS khác. Tất cả họ đều là người đang sinh sống tại địa phương.

Bà Trương Thị Hà, Trưởng phòng nhân sự - Công ty Dong In Entech VN, cho biết, ban đầu nhiều lao động bỡ ngỡ và chưa quen với môi trường lao động công nghiệp. Nhưng nhìn chung, đa phần mọi người đều học nghề nhanh và rất chăm chỉ; nhiều lao động DTTS hiện nay đang đảm nhận vị trí may ở công đoạn chính để ra thành phẩm. 

"Chính sách của công ty hiện nay là luôn khuyến khích và chào đón các nguồn lao động tại địa phương, chúng tôi sẽ luôn hết mình để đào tạo và tuyển dụng; đặc biệt là đồng bào DTTS, họ rất là có trách nhiệm trong công việc”, bà Hà khẳng định.

Hiện nay tại Công ty Dong In Entech VN đang có 46 lao động là người DTTS đang làm việc ổn định tại các bộ phận
Hiện nay tại Công ty Dong In Entech VN đang có 46 lao động là người DTTS đang làm việc ổn định tại các bộ phận

Hướng đi đúng để gải quyết việc làm

Chị Đào Thị Hà, người dân tộc Châu Ro, sinh sống tại xã Long Tân, hiện đang làm việc tại Công ty Dong In Entech VN cho biết: Trước đây, chị ở nhà nuôi bò, rồi ai thuê gì làm nấy, nắng nôi cực khổ mà thu nhập bấp bênh lắm. 

"Được giới thiệu và vận động tôi đã xin vào công ty để làm thử, ban đầu không biết gì hết nên được công ty đào tạo, bây giờ công việc đã tốt rồi, thu nhập ổn định, đủ sống. Tôi đã giới thiệu và có nhiều con cháu vô đây cùng làm việc”, chị Hà chia sẻ.

Tương tự, chị Lý Thị Diệu, dân tộc Châu Ro, hiện đang làm việc ở công đoạn may chia sẻ: “Vô đây làm, mình được đào tạo tay nghề, rồi có việc làm ổn định cho tới bây giờ, không phải lo cái ăn cái mặc như trước. Đã vậy còn có nhiều chế độ, phúc lợi đầy đủ. Mình thấy mọi thứ hiện rất tốt“

Hướng đi đúng trong việc phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn, để đào tạo và giới thiệu việc làm tại xã Long Tân, đã tạo nên những thay đổi tích cực trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở địa phương. Điều này, không chỉ góp phần quan trọng nâng cao đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS, mà hơn hết còn tạo sự thay đổi về tư duy, nhận thức liên quan đến lao động, việc làm đối với bà con, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết, từ những kết quả bước đầu đạt được, thời gian tới xã sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động song song như mở lớp tập huấn, chuyển giao các công nghệ về cây trồng và chăn nuôi, tích cực mở thêm các lớp dạy nghề thủ công khác để bà con có thêm nhiều sự lựa chọn về công ăn việc làm. 

"Đồng thời như thông tin phía Công ty Dong In Entech VN, trong năm nay Công ty vẫn đang thiếu lao động và tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng, do đó chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp, vận động giới thiệu cho bà con có nhu cầu”, ông Long thông tin.