Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Mùa vàng từ những cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Thuận

T.Nhân-H.Trường - 18:27, 02/10/2024

Qua 3 năm tổ chức sản xuất, mô hình cánh đồng lớn ở Bác Ái (Ninh Thuận) đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân ở huyện nghèo từng bước thay đổi. Một trong những ưu điểm của mô hình này, là rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, và đồng bộ được cơ sở hạ tầng của địa phương.

Phát triển sản xuất nông nghiệp từ mô hình cánh đồng lớn ở Ninh Thuận đạt hiệu quả
Phát triển sản xuất nông nghiệp từ mô hình cánh đồng lớn ở Ninh Thuận đạt hiệu quả

Bác Ái là một huyện nghèo, miền núi của tỉnh Ninh Thuận, với hơn 90% lao động gắn liền với nông nghiệp. Đây cũng là địa phương với đa số là đồng bào DTTS, chủ yếu Raglai và Chăm. Mặc dù huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhưng phần lớn là cằn cỗi, đất bị bỏ hoang lâu năm, thậm chí hệ thống kênh mương thủy lợi, đường sá vận chuyển nông sản và chất lượng sản xuất nông nghiệp kém. Từ đó, dẫn đến việc diện tích đất sản xuất ít được đầu tư thâm canh nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm nông nghiệp không đồng đều, chuyển dịch cơ cấu cây trồng chưa thật sự bền vững.

Trước thực tế đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã có những tham mưu, đề xuất và phối hợp với UBND huyện để tiến hành việc dồn điền, đổi thửa, lên kế hoạch và triển khai chỉnh trang đồng ruộng, đảm bảo cơ giới hóa để vừa tăng năng suất cho người dân, vừa đồng bộ hiệu quả hạ tầng nông nghiệp như kênh mương thủy lợi, đường xá phục vụ cho việc vận chuyển vật tư, nông sản cho bà con.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình cánh đồng lớn ở Suối Khô và Suối Rớ (xã Phước Chính), bà Ngô Thị Cúc – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, cho biết: Hiện nay huyện Bác Ái đang triển khai cánh đồng lớn với diện tích 100ha. Giai đoạn đầu, huyện đã triển khai ở xã Phước Chính với cánh đồng hơn 20ha. Trong quá trình triển khai, huyện đã cho thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và tổng hợp Phước Chính (HTX), có vai trò liên kết với bà con trong xã để sản xuất lúa gạo đạt chất lượng cao. HTX sẽ cung cấp giống, kỹ thuật sản xuất và thu mua nông sản cho bà con, tạo điều kiện nâng cao sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Nông dân phấn khởi với mô hình sản xuất mới, năng suất cao, ít tốn công.
Nông dân phấn khởi với mô hình sản xuất mới, năng suất cao, ít tốn công

Cũng theo bà Cúc, sau hơn 2 năm triển khai, cánh đồng lớn ở Phước Chính đã phát huy hiệu quả tốt, thời gian cơ giới hóa làm đất và thu hoạch giảm 60%, năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế tăng 25%. Năng suất lúa từ mô hình cánh đồng lớn đạt khoảng 5,5-6 tấn/ha, hơn so với sản xuất truyền thống rất nhiều. Đặc biệt, sản phẩm lúa, gạo ở Phước Chính đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Hiện nay, bà con đang mở rộng mô hình, liên kết với HTX để phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Theo người dân địa phương, mô hình cánh đồng lớn góp phần tăng năng suất, giảm bớt công làm đáng kể. Bên cạnh đó, lúa được HTX thu mua nên không bị chèn ép giá. Hệ thống kênh mương thủy lợi cũng dễ dàng hơn trước, đường giao thông nội đồng tương đối thuận tiện, bà con rất phấn khởi. 

“Trước đây mình sản xuất theo kiểu truyền thống năng suất lúa chỉ từ 3-4 tạ/sào. Từ ngày chuyển sang mô hình cánh đồng lớn, bà con áp dụng một giống lúa, cùng quy trình canh tác và được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật bón phân, phun thuốc nên năng suất lúa trung bình từ 5-6 tạ/sào, cao hơn từ 1-2 tạ/sào so với trước”, ông Kadá Tý (thôn Suối Khô) chia sẻ.

Ninh Thuận đang nhân rộng mô hình cánh đồng lớn ra nhiều huyện, xã trên địa bàn.
Ninh Thuận đang nhân rộng mô hình cánh đồng lớn ra nhiều huyện, xã trên địa bàn

Còn bà Chamaléa Thị Phượng, người dân ở thôn Suối Khô, cũng phấn khởi vì từ khi chuyển đổi sang mô hình cánh đồng lớn, gia đình bà liên kết với HTX để sản xuất lúa chất lượng cao. Khi tham gia liên kết, nông dân được HTX đầu tư phân bón, giống, hỗ trợ kỹ thuật. Lúa sau khi thu hoạch được HTX thu mua, nông dân không sợ bị thương lái ép giá nên bà con rất yên tâm sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. “Vụ này giá lúa khô từ 9.000-9.200 đồng/kg, đây là giá cao nhất từ trước đến nay nên bà con rất phấn khởi, có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống”, bà Chamaléa Thị Phượng vui vẻ nói.

Cũng theo bà Ngô Thị Cúc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái, từ hiệu quả của mô hình cánh đồng lớn ở Phước Chính, hiện nay huyện Bác Ái đang xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình cánh đồng lớn đối với nhiều xã khác. Theo dự kiến, quy mô mỗi cánh đồng khoảng 50ha. Huyện đang triển khai ở xã Phước Hòa, Phước Đại, đã trình cấp trên thẩm định, phê duyệt. Còn đối với 8 xã còn lại sẽ triển khai trong năm 2025.

Cánh đồng lớn đang góp phần mở hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào Raglai ở Ninh Thuận.
Cánh đồng lớn đang góp phần mở hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào Raglai ở Ninh Thuận

“Mô hình này có sự hỗ trợ từ nguồn vốn đặc thù của UBND tỉnh Ninh Thuận, với 35 triệu/ha; tương đương khoảng 1,7 tỷ đồng với một cánh đồng lớn 50ha. Ngoài ra, kết hợp với vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện Bác Ái, sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống đường giao thông và hệ thống kênh nội đồng. Địa phương xác định mô hình cánh đồng lớn là cơ hội để các địa phương vùng đồng bào DTTS Raglai thoát nghèo bền vững, từng bước ổn định cuộc sống”, bà Cúc thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục
Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Sau 7 tháng thi công, công trình cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Mục tiêu kết nối giao thông - “mở lối” thoát nghèo cho đồng bào các DTTS vùng biên huyện Lệ Thủy đang dần trở thành hiện thực.