Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Muốn thoát nghèo cần phải học chữ

Ngọc Hân - 15:36, 04/01/2021

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tại điểm thi THPT Lạc Long Quân (thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) nhiều người bất ngờ thấy có thí sinh lớn tuổi nhưng vẫn đi thi, đó là ông là Pi Năng Là Bê (sinh năm 1964), dân tộc Raglay, thôn Tà Gộc, xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh.

 Ông Pi Năng Là Bê (bên phải) tích cực vận động bà con trong xã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho năng xuất cao
Ông Pi Năng Là Bê (bên phải) tích cực vận động bà con trong xã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho năng xuất cao

Vượt suối, băng đèo để học chữ

Ông Pi Năng Là Bê cho biết: “Trước đây, cuộc sống rất khó khăn, không có điều kiện học hành nên tôi chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ học. Tuy nhiên, tôi luôn mong ước có một tấm bằng THPT. Tạm hoãn một thời gian dài, rồi tôi tiếp tục đăng ký học bổ túc văn hóa từ lớp 10 lên lớp 12”.

Ông Bê chia sẻ, khi thấy ông là người lớn tuổi đi học, một số người thôn, xã bàn tán cho rằng, ông lớn tuổi rồi học để làm gì. Bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị, sau những giờ làm việc ở cơ quan, ông Bê lại tới lớp để theo đuổi ước mơ của mình.

Để học chữ, ông Pi Năng Là Bê đã gặp không ít khó khăn. Con đường từ nhà ông đến Trung tâm huyện Khánh Vĩnh dài gần 20km, phải đi qua các con suối nhỏ và vượt 4 - 5 ngọn núi uốn lượn, đất đá lởm chởm rất nguy hiểm, chưa kể phải học vào buổi tối.

Ông Bê bộc bạch: “Thời điểm đi học, con cái trong nhà đông, kinh tế lại eo hẹp nên tôi phải chắt chiu từng đồng. Có những hôm đang đi chiếc xe cà tàng từ lớp học về nhà thì nó dở chứng hư hỏng giữa đường, vậy là phải nhờ người khác hỗ trợ đưa về. Khó khăn là thế, nhưng tôi có động lực lớn nhất là vợ và các con luôn động viên, ủng hộ việc đi học. Sau khi hoàn thành chương trình THPT thì tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tôi đã đỗ tốt nghiệp”.

Ông Bê cho rằng, là người cha trong gia đình phải gương mẫu trong mọi việc, từ đó mới có thể dạy bảo, hướng dẫn cho các con trong gia đình làm theo. Muốn thoát khỏi nghèo khó, cần phải học chữ.

Trong gia đình ông Bê hiện có 6 người con, 4 người con đầu đều có trình độ từ THPT đến cao đẳng, có việc làm ổn định. 2 đứa con còn lại đang học chương trình THPT. “Gia đình học tập” của ông Pi Năng Là Bê là trường hợp hiếm có ở xã miền núi huyện Khánh Vĩnh.

Chủ tịch của bà con nông dân

Là Người có uy tín của thôn Tà Gộc, với tinh  gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương, năm 2014 ông Pi Năng Là Bê được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thượng. Khi tiếp nhận công việc, ông nhận thấy bà con nơi đây chủ yếu chỉ mới trồng lúa nước theo phương pháp truyền thống, sản xuất luôn phụ thuộc vào thời tiết. Chính vì thế nên năng suất rất bấp bênh, thu nhập không cao.

Trước thực trang trên, ông đã tham mưu cho lãnh đạo địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng đưa các cây trồng, vật nuôi có năng suất cao về địa phương. Ông tận tình hướng dẫn bà con nông dân cách bón phân, phun thuốc cho cây đúng cách, đúng liều và tỉa cây, tỉa nhánh cho phù hợp. Hiện nay, trên địa bàn xã đã xây dựng mô hình trồng bưởi da xanh áp dụng theo công nghệ VietGAP, trồng mít nghệ, chuối già hương, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo thịt, gà thả vườn, giống bắp chất lượng cao VN10…

Bà Đặng Thị Thanh Sương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Vĩnh cho biết, ông Bê là người dân tộc Raglai, lại là người lớn tuổi nhưng rất tích cực và tâm huyết trong các phong trào nông dân, cũng như công tác Hội. Ông đã vận động các hội viên, nông dân tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng các mô hình  kinh tế hiệu quả để giúp cho người dân địa phương có thu nhập ổn định và tạo việc làm cho hội viên, nông dân.

Tin cùng chuyên mục