Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Mường Khương (Lào Cai): Thoát nghèo và làm giàu từ cây trồng chủ lực

Hà Anh - 17:57, 13/11/2023

Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện Mường Khương đã đặt trọng điểm vào việc mở rộng diện tích một số cây trồng chủ lực. Sau một thời gian triển khai Nghị quyết 10, lĩnh vực nông nghiệp địa phương đã có những sự thay đổi đáng kể và tích cực.

Anh Sền Pờ Diu đã thoát nghèo và làm giàu nhờ cây quýt
Anh Sền Pờ Diu đã thoát nghèo và làm giàu nhờ cây quýt

Làm giàu nhờ cây quýt ngọt

Là người con của người Pa Dí (một nhóm của dân tộc Tày), Sền Pờ Diu (sinh năm 1981), nhiều năm qua là nông dân điển hình ở thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Nhờ chịu khó và có tính toán đúng đắn, anh Sền Pờ Diu đã gặt hái thành công trong việc làm giàu nhờ trồng quýt sen - một loại quả đặc sản.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất biên giới thuộc thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương, anh Sền Pờ Diu đã trải qua những khó khăn từ thời thơ ấu. Là một người nông dân, anh đã bỏ công sức vào việc canh tác đủ loại cây trồng, thậm chí cả nấu rượu và nuôi lợn để kiếm sống, tuy nhiên, thu nhập không đáng kể.

“Tôi ra đời và lớn lên trong một gia đình nông dân thuần túy. Với hoàn cảnh khó khăn, tôi chỉ học đến lớp 7 và sau đó nghỉ học để hỗ trợ gia đình, cùng bố mẹ làm nương rẫy. Trước đây, thu nhập của gia đình chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào việc trồng ngô và sắn, nhưng do năng suất thấp, thu nhập không đạt được mức cao", anh Dìu tâm sự.

Không chấp nhận sống trong nghèo đói, vào năm 2004, gia đình anh Dìu quyết định mạnh dạn đầu tư vào việc trồng cây quýt. Sau 3 năm nỗ lực chăm sóc, cây quýt đầu tiên của gia đình đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Từ đó, mỗi năm, anh Dìu tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây quýt. Sau một thời chăm sóc vườn quýt và tích lũy kinh nghiệm, hiện tại diện tích cây quýt của gia đình anh Diu đã phát triển đến 5 hecta, với 6.000 cây. Mỗi vụ thu hoạch khoảng 30 tấn quýt, mang lại thu nhập ổn định từ 300 đến 400 triệu đồng mỗi năm.

Ngoài cây quýt, gia đình anh Diu còn trồng cây ổi và cây sa nhân, giúp tăng tổng thu nhập lên gần 500 triệu đồng mỗi năm. Đồng thời, gia đình anh cũng tạo cơ hội việc làm thời vụ cho gần 10 lao động mỗi năm. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, gia đình anh Diu đã tuân thủ một cách nghiêm ngặt quy trình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGap. Do đó, quả quýt của gia đình anh đang rất được ưa chuộng từ khách hàng ở nhiều khu vực. Mỗi khi đến mùa vụ, chị Pờ Thị Sen, vợ anh Diu thường chia sẻ, tiếp thị sản phẩm trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook để thông tin lan tỏa và tiếp cận khách hàng mới.

Qua nhiều năm trồng quýt, gia đình anh Diu đã xây dựng được uy tín vững chắc trong lòng khách hàng. Hiện nay, trong thời kỳ này, gia đình anh chủ yếu cắt quýt để gửi cho những khách hàng thân thiết đã nhiều năm duy trì mối quan hệ đặc biệt với gia đình anh. Trong những ngày cao điểm, gia đình anh có thể bán được đến 1 tấn quả, là minh chứng cho sự thành công và sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm của gia đình anh.

Chè là một trong những cây chủ lực phát triển kinh tế ở huyện Mường Khương
Chè là một trong những cây chủ lực phát triển kinh tế ở huyện Mường Khương

Nâng cao thu nhập nhờ vào cây chè

Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, diện tích đất sản xuất ít, nhưng trong những năm qua, Mường Khương được đánh giá là địa phương điển hình trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Lào Cai. Khác với nhiều nông dân làm giàu từ cây quýt như ở thị trấn Mường Khương, nhiều người dân ở xã Lùng Vai cũng có nhiều đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng dứa, vùng chè, vùng chuối… với diện tích lớn nhất nhì tỉnh.

Với địa hình, thời tiết, khí hậu ở xã Lùng Vai rất phù hợp và thuận lợi để phát triển cây chè và được cho là cây công nghiệp lâu dài có thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Những năm gần đây, cây chè là một trong những cây trồng mũi nhọn góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân Lùng Vai.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Giàng Seo Chu, trú tại thôn Cốc Lầy cho biết: Khoảng 5 năm trước, sau khi được hỗ trợ về cây giống và phân bón từ chính quyền địa phương, gia đình ông đã quyết định chuyển đổi hơn 2 hecta đất trồng lúa nương và ngô để trồng chè. Theo ông Chu, đây là hai loại cây trồng truyền thống của địa phương nhiều năm qua không mang lại hiệu quả cao. Khi chuyển đổi cây trồng, bằng cách thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc, hiện tại diện tích trồng chè của ông Chu đã cho thu hoạch, tạo nguồn thu ổn định hằng tháng với số tiền hơn 10 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí liên quan.

Hiện tại, cây dứa cũng là một trong những cây trồng chủ lực, thúc đẩy giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện Mường Khương
Hiện tại, cây dứa cũng là một trong những cây trồng chủ lực, thúc đẩy giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện Mường Khương

Kèm theo việc trồng cây chè, ở Lùng Vai duy trì diện tích trồng chuối khoảng 300 ha, vùng trồng dứa 200 ha và khu vực canh tác lúa Séng cù với diện tích 27 ha. Nhờ vào hướng đi chiến lược và phương pháp sản xuất hiệu quả, giá trị sản xuất trên mỗi hecta đất nông nghiệp của Lùng Vai đã đạt hơn 80 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Lùng Vai, ông Nguyễn Tiến Lượng cho biết: Trong thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ tập trung lãnh đạo cộng đồng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung vào nhóm cây trồng và vật nuôi chủ lực, theo đúng hướng dẫn của Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai. Trong kế hoạch này, cây chè được xác định là loại cây chủ lực, vì đã có hơn 40 năm kinh nghiệm, cho thấy cây chè là nguồn thu nhập ổn định và bền vững đối với nhiều hộ gia đình trong xã. Hiện nay, diện tích chè tại xã Lùng Vai là hơn 940 hecta, trong đó có khoảng 800 hecta đang trong giai đoạn thu hoạch, với sản lượng trung bình đạt gần 1.000 tấn búp tươi mỗi tháng, mang lại doanh thu gần 5 tỷ đồng.

Theo những hộ nông dân ở xã Lùng Vai, việc trồng chè trong nhiều năm qua đã giúp các hộ có thu nhập cả chục triệu đồng mỗi lứa hái chè. Tại thời điểm này, các doanh nghiệp cũng đã đưa ra giá thu mua từ 6 – 9.000 đồng/kg tùy vào tiêu chuẩn chè búp mà nông dân thu hái. Những diện tích chè được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp vùng chè Lùng Vai tăng năng suất chè từ 10 – 15%.

Có thể thấy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục phát triển những cây trồng chủ lực, hiệu quả kinh tế cao đã giúp đời sống kinh tế của người dân ngày càng nâng lên.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.