Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nậm Củm bây giờ có khác xưa?

Sỹ Hào - 15:30, 19/03/2021

Sau 7 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại Nậm Củm, một trong 5 bản có đồng bào dân tộc Mảng sinh sống tập trung của huyện Mường Tè (Lai Châu), nơi đã từng có việc: "nhà khá nhất bản chỉ có cây đu đủ". Diện mạo Nậm Củm bây giờ đã mang sắc màu nông thôn mới, nhưng đời sống người dân cơ bản vẫn nghèo, nhiều tệ nạn vẫn còn âm ỉ …

Bản Nậm Củm nép mình bên dòng suối Nậm Sì Lường (Ảnh chụp ngày 1/3/2021)
Bản Nậm Củm nép mình bên dòng suối Nậm Sì Lường (Ảnh chụp ngày 1/3/2021)

Hộ nghèo vẫn chiếm đa số

Năm 2014, trong chuyến công tác ở Mường Tè, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã thực sự trăn trở, trước tương lai mịt mờ của 28 hộ đồng bào dân tộc Mảng ở bản Nậm Củm, xã Bum Nưa. Thuộc một trong 16 DTTS rất ít người của nước ta, đồng bào dân tộc Mảng ở Nậm Củm đã được thụ hưởng rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, nhưng cuộc sống của 28 hộ ở Nậm Củm cứ lay lắt đến nao lòng.

Thời điểm ấy, 28 gia đình ở Nậm Củm đều thuộc hộ nghèo; nhà khá nhất bản cũng chỉ có 2 con gà nuôi nhốt và cây đu đủ đang ra hoa. Nghèo thì đã đành, nhưng đau đáu hơn cả là nạn uống rượu, dùng thuốc phiện đã bào mòn thể xác lẫn tinh thần của người dân nơi đây. Lúc đó, tình trạng nghiện rượu và thuốc phiện vốn dĩ là những việc không bình thường, nhưng lại trở nên bình thường ở Nậm Củm.

Trung tâm bản Nậm Củm trước đây là bãi đất lô nhô đá, với những con người ngồi vật vờ vì nghiện (Ảnh chụp năm 2014)
Trung tâm bản Nậm Củm trước đây là bãi đất lô nhô đá, với những con người ngồi vật vờ vì nghiện (Ảnh chụp năm 2014)

Thực tế tại bản Nậm Củm mà phóng viên ghi nhận, phản ánh đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trực tiếp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an vào cuộc để “vực dậy” Nậm Củm; đồng thời chỉ đạo tỉnh Lai Châu đẩy mạnh hơn nữa việc điều trị Methadone cho người nghiện chất dạng thuốc phiện ở Nậm Củm nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Sau 7 năm, chúng tôi trở lại Nậm Củm. Vào bản vẫn là tuyến đường cũ dài khoảng 7 cây số, nhưng nay khó đi hơn gấp nhiều lần vì đường bị “cày nát”, bởi các phương tiện trọng tải lớn chuyển chở thiết bị cho các dự án thủy điện “siêu nhỏ” trên dòng suối Nậm Sì Lường.

Nhìn tổng thể, Nậm Củm nay mang dáng vẻ khang trang hơn. Trước đây, khu vực trung tâm bản là bãi đất trống lô nhô đá, nhưng nay được thay thế bằng hệ thống đường nội bản bê tông hóa; nhiều căn nhà mới, kiên cố đã được dựng lên. Điểm trường cấp mầm non và cấp tiểu học ở Nậm Củm đã được xây dựng kiên cố…

Trung tâm bản Nậm Củm nay khang trang hơn, đường nội bản được bê tông kiên cố (Ảnh chụp ngày 1/3/2021)
Trung tâm bản Nậm Củm nay khang trang hơn, đường nội bản được bê tông kiên cố (Ảnh chụp ngày 1/3/2021)

Hơn 4ha ruộng bậc thang của bản đang vào mùa đổ nước. Nậm Củm đã mang sắc xanh hơn từ những vườn chuối xung quanh và cả trong ánh mắt, nụ cười của những chàng trai, cô gái của bản mà chúng tôi tiếp xúc.

Đem những thay đổi ở Nậm Củm tâm sự với lãnh đạo xã Bum Nưa, chúng tôi có thêm những thông tin mới; vui có, lo cũng có. Ấy là, theo Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nữa, ông Lò Văn Trung, những năm qua, từ sự quan tâm của tỉnh, huyện, bản Nậm Củm đã được đầu tư mạnh, nhờ đó góp phần cùng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng bào dân tộc Mảng ở Nậm Củm đã được hỗ trợ cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật để phát triển sản xuất, vươn lên. Từ năm 2014 đến nay, bản đã tăng thêm 11 hộ, nâng tổng số hộ của bản lên thành 39 gia đình; có nhiều con em của bản đang học THCS tại xã…

“Nhưng cơ bản Nậm Củm vẫn nghèo, vẫn phải thường xuyên cấp gạo cứu đói. Bản có 39 hộ thì có 28 hộ nghèo, các hộ còn lại có mức sống trung bình thôi”, Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa trăn trở nói.

Tệ nạn vẫn dai dẳng

Nhưng đau đáu hơn cả là ở Nậm Củm vẫn còn dai dẳng tình trạng nghiện rượu; số người nghiện thuốc phiện có giảm nhưng vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.

Theo đại diện lãnh đạo xã Bum Nưa, sau phản ánh của báo chí, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Tổ công tác của huyện Mường Tè do ông Trần Đức Hiển - lúc đó là Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, làm Tổ trưởng, đã quyết liệt tiến hành nhiệm vụ cai nghiện cho 28 người ở Nậm Củm bằng Methadone.

Nhưng sau chừng ấy năm, cũng chỉ mới có 15 người cai thành công; còn 13 người vẫn dùng cùng lúc cả Methadone lẫn … thuốc phiện!. Còn tình trạng nghiện rượu thì rất khó chấm dứt, dường như là nhiệm vụ “bất khả thi”.

Trước đây, nhà khá nhất bản Nậm Củm chỉ có cây đu đủ. Khi nào cây đu đủ ra quả thì đều có người ở nhà để trông vì sợ bị hái trộm (Ảnh chụp năm 2014)
Trước đây, nhà khá nhất bản Nậm Củm chỉ có cây đu đủ. Khi nào cây đu đủ ra quả thì đều có người ở nhà để trông vì sợ bị hái trộm (Ảnh chụp năm 2014)

Một ám ảnh khác cũng đang vảng vất ở Nậm Củm là nạn trộm vặt. Tình trạng đường ống bằng sắt của công trình nước sinh hoạt tự chảy được Nhà nước đầu tư tiền tỷ bị đào lên, cắt nhỏ đem bán sắt vụn… vẫn còn.

Trong ngày trở lại Nậm Củm (ngày 1/3/2021), chúng tôi ghé thăm giáo viên, học sinh điểm Trường Mầm non Nậm Củm. Hơn 20 trẻ được các cô giáo chăm sóc chu đáo tại điểm trường này, với kỳ vọng mở hướng tương lai cho đồng bào dân tộc Mảng ở Nậm Củm.

Nhưng ngay đầu câu chuyện, giáo viên điểm Trường Mầm non Nậm Củm đã “tố”: Sáng nay (tức 1/3/2021 – Pv) lại bị mất các sợi xích đu bằng sắt để các trẻ vui chơi anh ạ. Giờ các cháu không có xích đu để chơi nữa. Cây chuối bên cạnh trường chuẩn bị ra hoa cũng bị ai đó chặt mất đem bán rồi.

Khi nghe phóng viên chia sẻ thông tin này, lãnh đạo xã Bum Nưa không mấy ngạc nhiên; chỉ duy nhất họ không biết vì sao cây chuối của trường lại bị chặt. Đành dẫn lời của giáo viên điểm Trường Nậm Củm, rằng, cây chuối bị chặt ở trường sáng nay cũng bán được mười nghìn đồng!.

Một cây chuối bị chặt mất, xét về giá trị không lớn; nhưng về mặt xã hội lại là một vấn đề đáng suy ngẫm. Nó cho thấy, những vấn nạn ở Nậm Củm vẫn cứ âm ỉ. Và hơn nữa, màu xanh của cây chuối là biểu tượng cho hy vọng về một tương lai khác ở Nậm Củm; nhưng hy vọng đó cứ leo lét như đèn dầu trước gió.

“Đừng chờ sung rụng”!

Căn nguyên sâu xa nhất cho những ám ảnh ở Nậm Củm vẫn là do nghèo. Đồng bào dân tộc Mảng ở Nậm Củm nói riêng, ở toàn huyện Mường Tè nói chung, dù hiện không lâm vào thiếu đói, nhưng nghèo đang là thực tế hiện hữu.

Theo số liệu của Phòng Dân tộc huyện, toàn huyện có 235 hộ, với 1.210 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mảng, chiếm 2,58% dân số toàn huyện. Nhưng đến thời điểm này, số hộ nghèo dân tộc Mảng vẫn là 153 hộ (766 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ hơn 64,47%; riêng ở bản Nậm Củm, tỷ lệ hộ nghèo là hơn 71,79% (28/39 hộ).

Nậm Củm đã mang thêm màu xanh hy vọng trong ánh mắt, nụ cười của những chàng trai, cô gái của bản (Ảnh chụp ngày 1/3/2021)
Nậm Củm đã mang thêm màu xanh hy vọng trong ánh mắt, nụ cười của những chàng trai, cô gái của bản (Ảnh chụp ngày 1/3/2021)

Trao đổi thực trạng này với ông Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè, chúng tôi nhận được những chia sẻ rất thật của người đứng đầu cấp ủy của huyện nghèo 30a này. Ông bảo, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực, nhưng đời sống của đồng bào dân tộc Mảng vẫn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Mảng là cao nhất trong 10 thành phần dân tộc anh em trên địa bàn huyện.

“Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc Mảng quá cao khiến việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo chung của huyện gặp rất nhiều khó khăn, cứ mãi là huyện nghèo”, ông Hừ nói, giọng có phần ấm ức.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, trong 8 năm (2013 - 2020), tỉnh được giao 328,589 tỷ đồng để thực hiện Quyết định 1672/QĐ-TTg hỗ trợ đồng bào dân tộc Mảng, dân tộc La Hủ. Đồng thời, thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg, trong 2 năm (2019 - 2020), tỉnh cũng được giao 37,817 tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các DTTS rất ít người.

Có thể chia sẻ được với nỗi phiền muộn của ông Lý Anh Hừ. Đã qua hai nhiệm kỳ làm Bí thư Huyện ủy Mường Tè, chắc hẳn ông Hừ đã thấm được áp lực của việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo tỉnh giao. Trong giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù đã giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 6,0%/năm (giảm từ 61,55% xuống còn 31,4%), nhưng Mường Tè vẫn là huyện quá nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Mảng là cao ngất ngưởng (hơn 64,47%).

Điều này có thể đặt câu hỏi: Liệu cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Mường Tè đã thực sự rốt ráo, chú trọng đầu tư, hỗ trợ trúng và đúng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mảng? 

Là một trong 16 DTTS rất ít người của nước ta, bên cạnh các chính sách chung triển khai ở vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, thì đồng bào dân tộc Mảng ở Mường Tè còn được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án đặc thù khác.

Đó là chính sách theo Quyết định 2086/QĐ-TTg nhằm phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người; là chính sách trong Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” theo Quyết định 1672/QĐ-TTg;… Học sinh dân tộc Mảng ở Mường Tè còn được thụ hưởng chế độ hỗ trợ học tập theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ; được hỗ trợ phụ cấp ăn trưa theo Nghị quyết 35/2016/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu;…

Rõ ràng, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc Mảng ở Mường Tè là không thiếu, nguồn kinh phí thực hiện cũng không hề nhỏ. Nhưng vì sao đồng bào dân tộc Mảng ở đây vẫn nghèo đến vậy ? Câu hỏi này xin gửi chính quyền các cấp của huyện Mường Tè cũng như của tỉnh Lai Châu.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.