Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS từ Chương trình MTQG 1719

Minh Thu - 7 giờ trước

Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I; từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) tại các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 Dự án 7 đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Ảnh minh họa).
Dự án 7 đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Ảnh minh họa).

Quan tâm nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS

Theo thông tin từ Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Quảng Trị, từ năm 2022 – tháng 2/2025, vốn ngân sách trung ương và HĐND tỉnh phân bổ để thực hiện 3 nội dung chính của Dự án 7 là 9.635 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, tỉnh đã tổ chức các hoạt động xây dựng và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS. Đến nay, kết quả giải ngân đạt 87%.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Trị, qua thực hiện Dự án 7, Chương trình MTQG 1719, nhìn chung, các chỉ tiêu kế hoạch của giai đoạn hầu như đều đạt. Tỉ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong thai kỳ) tăng. Tỉ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế tăng. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm. 

Hoạt động truyền thông, tư vấn và vận động người dân thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã tác động mạnh mẽ đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc dinh dưỡng, thông qua can thiệp trực tiếp từ khi bà mẹ mang thai, nuôi con trong 1.000 ngày đầu đời.

Tương tự, tại tỉnh Nghệ An, triển khai đồng bộ các hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân, thời gian qua, toàn tỉnh Nghệ An đã tuyển dụng được 15 bác sĩ về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa. 

Đặc biệt, với nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG 1719, tỉnh đã triển khai tổ chức 15 đợt đào tạo chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ 1.442 điểm tiêm chủng ngoại trạm; tổ chức được 1.285 cuộc tư vấn khám sức khỏe và tầm soát trước sinh, 10 hoạt động góp phần nâng cao sức khỏe người cao tuổi, 480 hoạt động truyền thông về ổn định và phát triển dân số, 10 cuộc đào tạo nâng cao năng lực quản lý dân số thu hút 1.211 người tham gia; cấp phát 794 tài liệu và tổ chức 1 cuộc phòng chống bệnh Thalassemia; 19 lớp tập huấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, với 1.834 người tham gia; hỗ trợ xây dựng được 23 mô hình chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ đầu đời, 9 gói dịch vụ và 7 mô hình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em…

Cùng với đó, tại nhiều huyện vùng cao của tỉnh đã thành lập được Câu lạc bộ “không sinh con thứ 3”, Câu lạc bộ “nam giới với sức khỏe sinh sản”…; Đồng thời, cùng với hình thức tuyên truyền miệng, truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp, ngành, đoàn thể còn tổ chức nhiều hội thi, hội diễn với các nội dung phong phú, đa dạng, dễ hiểu… xoay quanh vấn đề về chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe vị thành niên; các biện pháp tránh thai; xây dựng hạnh phúc gia đình, thu hút sự quan tâm và góp phần nâng cao nhận thức của nhiều người dân...

Từ các hoạt động truyền thông, người dân đã thay đổi nhận thức trong việc quan tâm chăm sóc sức khỏe. (Ảnh minh họa).
Từ các hoạt động truyền thông, người dân đã thay đổi nhận thức trong việc quan tâm chăm sóc sức khỏe. (Ảnh minh họa).

Đẩy mạnh hoạt động nâng cao chất lượng dân số

Theo Lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An: Qua các năm thực hiện Dự án 7, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó, tập trung vào những đối tượng đặc thù; ưu tiên vùng sâu, vùng xa; đa dạng hóa các nội dung hoạt động như, chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh, phòng chống hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh. Từ đó, góp phần giúp đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ với việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngành y tế - dân số các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Dự án 7, Chương trình MTQG 1719, trong đó chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản. Tổ chức các hoạt động phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Bên cạnh đó, tổ chức các đợt chiến dịch, hội nghị tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Tập huấn cung cấp kiến thức và kỹ năng truyền thông cho y tế thôn, bản để triển khai hiệu quả các can thiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và dinh dưỡng...

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Nam: Với Dự án 7, Chương trình MTQG 1719, chúng tôi mong muốn, cán bộ y tế địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, các hướng dẫn, khuyến cáo về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; tích cực truyền thông về chăm sóc sức khỏe và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ… Qua đó, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại cộng đồng, đặc biệt là trẻ em DTTS.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngành y tế - dân số các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Dự án 7, Chương trình MTQG 1719 trong đó chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản. Tổ chức các hoạt động phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Tin cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động từ Chương trình MTQG 1719

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động từ Chương trình MTQG 1719

Với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ đó tạo động lực để đồng bào DTTS thi đua lao động, sản xuất, xây dựng bản, làng ấm no, phát triển.