Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nâng cao trình độ cho lao động người DTTS: Mức sống tỷ lệ thuận với chuyên môn kỹ thuật (Bài 1)

Sỹ Hào - 09:52, 18/03/2020

Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) được xem là “chìa khóa” để giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi. Trong thời đại cách mạng 4.0, khi cơ cấu, thị trường, việc làm… đang thay đổi mạnh mẽ thì việc nâng cao trình độ CMKT cho lao động DTTS càng trở nên cấp bách.

Đa số những người lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ tham gia sản xuất nông nghiệp nên có mức sống thuộc nhóm “nghèo nhất”. (Ảnh minh họa)
Đa số những người lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ tham gia sản xuất nông nghiệp nên có mức sống thuộc nhóm “nghèo nhất”. (Ảnh minh họa)

Chưa qua đào tạo CMKT, thậm chí chưa bao giờ đi học nhưng vẫn phải tham gia thị trường lao động… đây là thực trạng đáng lo ngại của lực lượng lao động người DTTS.

Đi làm khi chưa được đi học

Năm nay 60 tuổi, bà Pỉ Hòa, dân tộc Bru - Vân Kiều, ở thôn Mới, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) mới biết chữ phổ thông. Ấy là nhờ Trường TH&THCS xã Hướng Linh mở lớp xóa mù chữ cho phụ nữ trên địa bàn. Tối tối, sau một ngày trên nương rẫy, bà Hòa và hơn 40 phụ nữ, tuổi đời 15 - 60, ở xã Hướng Linh, lại cùng nhau lên lớp học chữ.

Bà Hòa bảo, bao năm làm nương rẫy đều theo kinh nghiệm “gia truyền”; lúc trẻ phụ giúp bố mẹ, lấy chồng thì trở thành lao động chính trong nhà, dù không biết tính nhưng bà biết rõ, trong làm nông, được mùa thì đỡ, mất mùa là túng quẫn ngay.

Bà Hòa là một trong rất nhiều lao động DTTS là lao động chính trong gia đình khi chưa bao giờ đi học. Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố tháng 12/2019 cho thấy, số lao động “chưa bao giờ đi học” ở các địa phương có đông đồng bào DTTS rất cao. Như khu vực Trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB), cứ 100 lao động thì có 9,1 người chưa bao giờ đi học; khu vực Tây Nguyên thì có 6,6/100 người…

Cùng với đó, số lao động chưa tốt nghiệp tiểu học ở các địa phương có đông đồng bào DTTS hiện cũng rất nhiều. Theo thống kê, ở khu vực TDMNPB, trong 100 lao động, thì có 8 người; khu vực Tây Nguyên là 10,2 người. Đặc biệt, ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), trong 100 lao động thì có 17,8 người chưa tốt nghiệp tiểu học.

Thu nhập thấp

Ngoài giáo dục phổ thông, TCTK cũng đưa ra chỉ số phản ánh khá rõ nét trình độ CMKT thấp của lực lượng lao động DTTS. Ở khu vực TDMNPB; bình quân trong 100 lao động chỉ có 19 người đã qua đào tạo (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học ); khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL còn thấp hơn, chỉ có 13 - 16/100 lao động đã qua đào tạo.

Đại đa số chưa qua đào tạo nên lao động DTTS chủ yếu làm việc đơn giản, thu nhập thấp. Từ năm 2015, kết quả điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS đã cho thấy, thu nhập bình quân của lao động DTTS chỉ 1,16 triệu đồng/người/tháng, bằng 45% bình quân chung của cả nước.

Sau 5 năm, đến nay thu nhập của lao động DTTS vẫn thuộc nhóm thấp nhất do chủ yếu làm việc đơn giản, chưa được đào tạo CMKT. Phân tích tỷ trọng lao động có việc làm theo mức sống ngũ vị phân (chia theo nhóm: Nghèo nhất, nghèo, trung bình, giàu, giàu nhất) từ kết quả điều tra dân số và nhà ở do TCTK công bố tháng 12/2019 có thể thấy rõ điều này.

Cụ thể, trong 100 lao động sản xuất nông nghiệp, nghề đơn giản chưa có CMKT chỉ có 4 người thuộc nhóm có mức sống “giàu nhất”, 13 người “giàu”, 22 người thuộc nhóm “trung bình”. Lao động thuộc nhóm “nghèo nhất” có 31 người, thuộc nhóm “nghèo” có 30 người.

Nhưng nếu lao động chỉ cần được đào tạo trình độ sơ cấp, mức sống đã có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể với 100 lao động có trình độ CMKT sơ cấp, nhóm “giàu nhất” có 15 - 17 người; nhóm “giàu” có 22 - 24 người; nhóm “trung bình” có 26 người; trong khi chỉ có 24 người “nghèo” và 9 - 12 người “nghèo nhất”.

Số liệu điều tra của TCTK cũng cho thấy, mức sống của lao động tăng tỷ lệ thuận với trình độ CMKT. Như với lao động có trình độ CMKT bậc cao, trong 100 lao động thì 56 người thuộc nhóm “giàu nhất”, chỉ có 3 người thuộc nhóm “nghèo nhất”.

Với lao động DTTS, ngoài số lượng lao động chưa biết chữ phổ thông còn nhiều, thì tỷ lệ lao động được đào tạo CMKT rất thấp. Điều này đòi hỏi phải nhìn lại công tác giáo dục, đào tạo cho lao động người DTTS. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.