Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nét đẹp trong đám cưới của người Pu Péo

PV - 15:14, 05/08/2020

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, trong tổng số 22 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thì Pu Péo là dân tộc có ít người hơn cả. Toàn tỉnh chỉ có khoảng 20 nóc nhà của người Pu Péo, sống rải rác ở vùng sâu, vùng xa của các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa. Mặc dù vậy, người Pu Péo vẫn giữ gìn những nét văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán độc đáo, trong đó nổi bật là nét đẹp trong đám cưới.

Nam, nữ dân tộc Pu Péo được tự do tìm hiểu, yêu đương rồi đi đến kết hôn
Nam, nữ dân tộc Pu Péo được tự do tìm hiểu, yêu đương rồi đi đến kết hôn

Trai gái các họ kết hôn với nhau theo tập tục: Nếu con trai họ này đã lấy con gái họ kia, thì mãi mãi con trai họ kia không được lấy vợ người họ này. Khi người con gái về làm dâu, bất kể cô gái là người dân tộc nào, thì cô gái sẽ lấy họ của chồng mình thay cho họ của bố mẹ đẻ trước đây.

Mặc dù có quy định riêng bắt buộc các gia đình phải tuân theo, song từ xa xưa, nam nữ dân tộc Pu Péo đã được tự do tìm hiểu, yêu nhau và cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Có lẽ vì vậy mà những thủ tục từ lúc hai gia đình đặt vấn đề cưới xin cho đến lúc cô dâu về nhà chồng luôn gọn nhẹ, đơn giản nhưng không kém phần trang trọng và mang bản sắc riêng của dân tộc mình.

Lễ cưới xin có nhiều bước. Hôm đón dâu, phù dâu phải cõng cô dâu ra khỏi cổng để theo đoàn nhà trai về. Trong bữa cơm cúng tổ tiên, thức ăn để trên nong, cả nhà cùng dâu rể phải ăn bốc. Lễ lại mặt tiến hành nhiều lần, sau ngày cưới 3,7, 13, 30 ngày.

Khi đã chọn ngày lành tháng tốt để cử hành hôn lễ, nhà trai và nhà gái bắt đầu chuẩn bị cho đám cưới. Với đồng bào Pu Péo, trong đám cưới, từ cô dâu, chú rể, gia đình đều mặc những bộ quần áo truyền thống của dân tộc. Vì vậy, đối với nhà gái, mẹ và các chị cùng cô dâu trước đó đã may và chuẩn bị trang phục cho cô dâu khi về nhà chồng.

Ngày cưới, đoàn đón dâu của nhà trai đi theo số lẻ, để khi đón cô dâu về sẽ là số chẵn cho có đôi, có cặp. Tất cả những lễ vật nhà trai mang đến phải được gói trong giấy đỏ. Khi đến đoàn nhà trai đến, nhà gái kê một chiếc bàn con, trên bày rượu và nước chè, ngay cửa chính… Lúc này, hai gia đình cử đại diện hát đối đáp và mời rượu, mời nước. Sau đó nhà trai làm các thủ tục cúng tổ tiên họ nhà gái, trao lễ vật...

Lễ cưới diễn ra ở nhà gái trong một ngày. Sáng hôm sau một người bạn của cô dâu (phù dâu) cõng cô dâu ra khỏi cổng để về nhà chồng. Khi về đến nhà trai cô dâu chú rể khấn vái để tổ tiên chính thức nhận cô dâu là người nhà mình. Kể từ khi cô dâu được nhà trai đón về, khi quay trở lại gia đình, cô dâu được đối xử như khách và không còn là con của bố mẹ đẻ mình nữa. Người Pu Péo có quan niệm đặc biệt là khi cưới xong, người con gái trở về nhà mẹ đẻ thì không được quét nhà, rửa bát và lên trên gác.

Hiện nay, nét đẹp trong đám cưới của người Pu Péo vẫn được gìn giữ góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.