Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ nhân của những đêm khan trong buôn làng người Ê Đê

Hoàng Thùy - 10:25, 24/11/2022

Trong khi sử thi và nghệ nhân kể sử thi đang vắng dần trong đời sống cộng đồng, thì ở xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, nghệ nhân Y Wuang Hwing vẫn thường xuyên hát kể sử thi. Ông là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn có thể hát kể nhiều sử thi của người Ê Đê. Đối với ông tiếng chiêng, bài khan như miếng cơm, hạt muối phải dùng hàng ngày.

Nghệ nhân Y Wang hát kể sử thi cho con cháu nghe
Nghệ nhân Y Wuang luôn đau đáu nỗi niềm về bảo tồn sử thi, ông đã tích cực truyền dạy cho con cháu và thế hệ trẻ

“Viên ngọc quý” của buôn làng

Không chỉ giỏi đánh cồng chiêng, sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống, nghệ nhân Y Wuang là người hiếm hoi ở Đắk Lắk, còn thuộc 4 bài sử thi của người Ê Đê “ÊĐăm Bhu - Đăm Bha”, “ÊĐăm San”, “Êbõng Hiu Knuh” và “YBũng HĐăng” và vẫn hát cho con cháu nghe mỗi dịp gia đình đoàn viên.

Nghệ nhân Y Wuang bảo: “Sử thi là một trong những điều bí ẩn nhất của văn hóa Tây Nguyên. Không gian thiêng liêng để kể khan, là bên bếp lửa bập bùng, ché rượu cần và bà con trong buôn quây tụ”.

Đối với đồng bào Ê Đê, hát kể sử thi là sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, được truyền miệng từ đời trước đến đời sau. Ngày xưa, hầu như buôn làng nào cũng có nghệ nhân kể khan, nhiều buôn có đến 2 - 3 người. Nhưng nay, bà con các buôn làng hòa nhập nếp sống mới, không gian diễn xướng sử thi Tây Nguyên bị thu hẹp, thậm chí mất đi, trong khi số lượng nghệ nhân biết kể sử thi dần về với ông bà.

Từ nhỏ, nghệ nhân Y Wuang đã theo ông ngoại đi dự các lễ hội của buôn làng, xem đánh cồng chiêng, nghe kể khan. Các điệu khan ngấm vào ông quen thuộc, tự nhiên như hơi thở mà suốt mấy chục năm qua, ông vẫn say mê hát kể cho con cháu, mọi người trong buôn nghe. Không chỉ biểu diễn trong nước, nghệ nhân từng được Viện nghiên cứu văn hoá dân gian, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đưa đi biểu diễn kể khan trong lễ hội dân gian ở Phần Lan.

Nghệ nhân Y Wuang kể: Mấy năm trước, sau thời gian lao động, tối đến ông lại hồ hởi đến nhà văn hóa cộng đồng xã truyền dạy kể khan cho thanh niên trên địa bàn. Cái khó nhất để học kể khan là giọng điệu. Người kể khan phải luyện tập đạt đến mức giọng uyển chuyển, lúc oai hùng, khi trầm lắng, lúc êm dịu. 

“Già bây giờ đã lớn tuổi rồi, không thể hát kể khan lâu được nữa nên càng muốn truyền dạy lại cho lớp trẻ. Nếu không trong tương lai kho báu sử thi cũng theo người già về với tổ tiên”, Nghệ nhân Y Wuang nói.

Không chỉ nặng lòng với kể khan, nghệ nhân Y Wang còn là người say mê nhạc cụ truyền thống bằng tre nứa của dân tộc. Ông sưu tầm nhiều nhạc cụ của đồng bào Ê Đê như đing năm, đing tak tar, sáo, đàn goong… mỗi dịp có khách xa đến chơi nhà, tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào Ê đê, nghệ nhân Y Wuang lại mang nhạc cụ ra vừa giới thiệu vừa diễn tấu cho mọi người cùng nghe.

Nghi lễ, lễ hội của người Ê đê tạo không gian diễn xướng cho sử thi
Nghi lễ, lễ hội của người Ê đê tạo không gian diễn xướng cho sử thi

Trăn trở chuyện bảo tồn

Sử thi của các dân tộc Tây Nguyên, là những áng văn chương truyền miệng bằng văn vần và bằng hình thức hát kể rất độc đáo. Hiện nay nghệ nhân hát kể sử thi còn rất ít, một số nghệ nhân nổi tiếng qua đời, số khác thì tuổi đã cao nên chỉ còn thuộc vài đoạn sử thi, hoặc chỉ nhớ tên mà quên mất nội dung nên việc hát kể cũng như truyền dạy đều rất khó. 

Phần khác do nếp sinh hoạt văn hoá, lao động ở buôn làng thay đổi, không gian diễn xướng sử thi mất dần, thời gian dài không được hát kể sử thi khiến các nghệ nhân quên luôn những bài sử thi từng thuộc.

Nghệ nhân Y Wuang chia sẻ: Điều khiến ông trăn trở nhất là người kế tục hát kể sử thi. Người trẻ bây giờ không mấy thích thú và có học thuộc được bài thì cũng khó diễn xướng vì hát kể sử thi được hát - kể bằng các làn điệu âm nhạc, có ngữ điệu, cường độ, tốc độ và phải đổi giọng từng đoạn. 

Ý thức được những điệu khan của dân tộc mình đang dần mai một, lo sợ một ngày giá trị văn hóa thiêng liêng này sẽ mất đi, ông sẵn sàng truyền dạy cho những ai muốn học. Ông kể khan giữa ban ngày, lúc nghỉ giải lao khi làm rẫy và hát cho bất kỳ ai muốn nghe.

Nghệ nhân Y Wang biểu diễn nhạc cụ dân tộc
Nghệ nhân Y Wuang biểu diễn nhạc cụ dân tộc

Theo Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Cư M’gar, sử thi bây giờ không còn kể trong cộng đồng như ngày xưa nữa. Hiện trên địa bàn Cư M’gar còn 5 - 6 người biết kể sử thi. Ngành Văn hóa cũng có tổ chức những lớp truyền dạy hát kể sử thi, địa phương cũng tổ chức diễn xướng sử thi trong những ngày lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn. Nhưng để bảo tồn được sử thi thật sự rất khó, bởi cũng một cốt truyện nhưng mỗi nghệ nhân hát kể sử thi sẽ có cách hát kể theo vần điệu khác nhau.

Ông Y Kô Niê, Phó Trưởng đoàn ca múa dân tộc thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết: Ngày nay, rất nhiều buôn làng không còn giữ nếp nhà dài, không còn bến nước và những đêm khan huyền thoại. Diễn xướng sử thi Tây Nguyên phải có không gian, thì lời diễn xướng mới có hồn, mới đi vào lòng người. Nhưng thực tế, rừng thiêng bị tàn phá, bến nước, nhà dài cũng mất dần thì không gian diễn xướng của kể khan cũng không còn nữa. 

Ông Y Kô Niê trăn trở, cái khó hiện nay không chỉ ở chỗ đào tạo người kế tục hát kể khan, mà còn làm sao tạo ra lượng người nghe, bởi không có người nghe thì nghệ nhân không thể hát kể. Thế hệ trẻ ngày nay, không đam mê nghe khan một phần do ngay từ nhỏ, họ đã không có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu và buôn làng bây giờ đã không còn những đêm lễ hội tràn ngập lời kể khan như trước

"Chúng tôi đang hy vọng, thông qua những chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước; các Chương trình MTQG đã và đang tiếp tục được triển khai, với những mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung hỗ trợ đầu tư cụ thể, toàn diện cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; có chính sách hỗ trợ động viên kịp thời những nghệ nhân dân gian... sẽ tạo ra nhiều cơ hội để các địa phương giữ gìn, lan tỏa được bản sắc văn hóa truyền thống", ông Y Kô Niê, Phó Trưởng đoàn ca múa dân tộc chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.