Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sử thi - bản tình ca gắn kết cộng đồng: Giá trị vượt thời gian (Bài 1)

Lê Hường-Thùy Dung - 11:17, 23/08/2022

Sử thi là một loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo, nhiều người đánh giá, nó như linh hồn của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Loại hình nghệ thuật này được sáng tạo, tích lũy lâu đời, nó ảnh hưởng đến lời ăn tiếng nói, luật tục, nghệ thuật, tín ngưỡng, nếp sống của con người và cộng đồng. Sử thi phản ánh mọi khía cạnh đời sống từ tạo lập buôn làng, sản xuất nương rẫy, chiến tranh giữa các bộ tộc, đến thực hành nghi lễ, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán. Tuy nhiên, nhiều năm qua người nghe sử thi vơi dần, người hát kể sử thi cũng hiếm dần. Những đêm khan huyền thoại cũng từng ngày vắng bóng, chẳng bao lâu nữa sử thi chỉ còn trong ký ức.

Cùng với cồng chiêng, sử thi là di sản đặc trưng của văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên. Năm 2022 là năm đặt dấu mốc 95 năm kể từ khi công sứ Pháp Sabachie phát hiện, sưu tầm công bố sử thi đầu tiên của người Ê Đê “Bài ca chàng Dam San – Klei khan Dam San” vào năm 1927. Sau sử thi này, hàng loạt sử thi khác của các DTTS ở Tây Nguyên được sưu tầm, xuất bản. Điều đó cho thấy, các DTTS ở Tây Nguyên đang sở hữu kho tàng sử thi đồ sộ.

Một cảnh trong ca kịch Khát vọng Dam Săn, tác phẩm được xây dựng trên nền sử thi Dam Săn của dân tộc Ê Đê
Một cảnh trong ca kịch Khát vọng Dam San, tác phẩm được xây dựng trên nền sử thi Dam San của dân tộc Ê Đê

Kho tàng sử thi đồ sộ

Nhiều năm nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tâm huyết gìn giữ những giá trị truyền thống các dân tộc trên cao nguyên đại ngàn. Bà Linh Nga Niê Kđăm nói rằng: Sử thi Tây Nguyên là những áng văn chương truyền miệng bằng văn vần và bằng hình thức hát kể rất độc đáo mà các dân tộc khác không có. Tôi gọi đó là văn minh nương rẫy khác hoàn toàn với văn minh lúa nước. Môi trường diễn xướng trường ca, sử thi có thể ở trên nhà rông, nhà dài của một gia đình, hay ở chính nhà nghệ nhân hoặc trong nhà chòi canh rẫy.

Sử thi ca ngợi cuộc sống, tình yêu, con người của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại. Mỗi dân tộc gọi sử thi theo những tên khác nhau, đồng bào Ê Đê gọi là khan, M’nông gọi là ot n’trong, người Ba Na gọi h’amon, Jrai gọi là hri, Xơ đăng gọi là tói kia rnghia… Nội dung của sử thi chứa đụng những biến cố của dân tộc, xoay quanh những chiến công của những anh hùng có công bảo vệ buôn làng, chống lại những thế lực đen tối. Nhân vật của sử thi đại diện cho ước vọng của cộng đồng, đấu tranh vì lý tưởng nhân văn cao cả.

Các nhà nghiên cứu đã sưu tầm, in thành sách nhiều tác phẩm sử thi của các dân tộc Tây Nguyên
Các nhà nghiên cứu đã sưu tầm, in thành sách nhiều tác phẩm sử thi của các dân tộc Tây Nguyên

Gần 1 thế kỷ kể từ khi nhà nghiên cứu người Pháp công bố sử thi đầu tiên của Tây Nguyên, các nhà khoa học dày công tìm hiểu, sưu tầm và có thể khẳng định rằng, vùng đất Tây Nguyên đã và đang lưu giữ kho tàng các tác phẩm sử thi khổng lồ, đồ sộ.

Theo báo cáo, giai đoạn 2001-2008, Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên. Kết quả đã sưu tầm được 801 tác phẩm với 5.679 băng ghi âm (90 phút/băng) khiến các nhà nghiên cứu văn hóa bất ngờ. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ít nhất có 3 bộ sử thi liên hoàn rất đồ sộ của dân tộc M’nông, Ba Na và Xơ đăng. Mỗi bộ sử thi liên hoàn gồm khoảng 100 tác phẩm có sự liên kết khá hoàn chỉnh.

Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm chia sẻ: Các tác phẩm văn chương truyền miệng bằng văn vần, và hình thức hát kể này là một sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính toàn cộng đồng, của đa số các DTTS Tây Nguyên. Được trình bày dưới dạng hát - kể bằng các làn điệu âm nhạc, có ngữ điệu, sắc thái, cường độ, tốc độ với sự đổi giọng, đổi âm vực của người diễn xướng.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã sư tầm hàng trăm bài sử thi, in thành hàng trăm cuối sách song ngữ. Riêng nhà văn hóa Linh Nga Niê Kđăm cũng đang sở hữu hàng chục cuốn sách song ngữ sử thi các dân tộc Tây Nguyên

Gía trị vượt thời gian

Sử thi gắn bó với đời sống cộng đồng, phản ánh sâu sắc mọi khía cạnh của đời sống xã hội Tây Nguyên, từ con người, thiên nhiên, đến những đấng tối cao chi phối mọi mặt hoạt động của cuộc sống cộng đồng. Vì thế mà người ta ví sử thi như cuốn “bách khoa toàn thư” của đồng bào Tây Nguyên. Bởi sử thi chứa đựng cả bề dày văn hóa, chiều dài lịch sử và kinh nghiệm sống được tích lũy lâu đởi của cộng đồng các dân tộc nơi đây.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng quản lý Văn hóa Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: sử thi của các dân tộc Tây Nguyên được tồn tại dưới dạng truyền khẩu, nguồn gốc từ dân gian với độ dài ngắn khác nhau. Có những tác phẩm sử thi chỉ hát trong 1 ngày, 1 đêm, nhưng cũng có những tác phẩm sử thi phải kéo dài đến cả 7 ngày- đêm. Tùy theo trí nhớ, trí tưởng tượng và cách truyền tải của người nghệ nhân thông qua hình thức hát, kể, diễn xướng mà người nghe sẽ hiểu được tác phẩm một cách trọn vẹn. Người nghệ nhân hát kể sử thi, phải hóa thân vào những nhân vật trong tác phẩm của mình, qua đó thể hiện được những trạng thái cảm xúc của nhân vật.

Hiện nay sử thi chỉ được kể trong các dịp lễ hội (Trong ảnh: Lễ cúng nhà mới của đồng bào Gia Rai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai)
Hiện nay sử thi chỉ được kể trong các dịp lễ hội (Trong ảnh: Lễ cúng nhà mới của đồng bào Gia Rai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai)

Sử thi thường mang yếu tố kỳ ảo và trong sử thi Tây Nguyên, nhân vật anh hùng là yếu tố trung tâm. Vẻ đẹp của nhân vật anh hùng được gắn liền với không gian của núi rừng, sông suối, cây cối, chim muông,… nơi vùng đất cộng đồng đang sống. Nhân vật anh hùng là đại diện tiêu biểu cho tinh thần, tài năng, lòng dũng cảm và trí tuệ của cộng đồng, tất cả được thể hiện qua những hành động và những chiến công hiển hách.

Ngoài ra, sử thi thường thể hiện rõ được sự hình thành của các buôn làng, cuộc chiến của các bộ lạc để bảo vệ cộng đồng, tình yêu đôi lứa. Phản ánh được cái thiện và cái ác trong một tác phẩm,… Một số sử thi thường được liên hệ với các địa danh, sự vật, hiện tượng cụ thể có thật trong thực tế để người nghe hiểu, hình dung và cảm nhận được tác phẩm mà người nghệ nhân muốn truyền tải.

Các dân tộc Tây Nguyên sở hữu kho tàng sử thi đồ sộ, phong phú, song việc trình diễn, lưu truyền trong dân gian đã không còn phổ biến. Sử thi đã mai một đi rất nhiều, bởi nghệ nhân biết hát kể sử thi đã về với ông bà, nếu còn thì cũng đã già yếu, trong khi đó môi trường hát kể sử thi cũng không còn. Những đêm khan huyền thoại đang dần vắng bóng trong các buôn làng.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.