Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Nghệ nhân Lương Long Vân và “túi khôn” người Tày

Giang Lam - 11:09, 02/06/2020

Qua thời gian tích lũy, người Tày ở Tuyên Quang đã ghi lại kiến thức kinh nghiệm vào những trang giấy bằng tiếng Nôm Tày. Đó là những bài thuốc dân gian, bài cúng, lời giáo huấn và sự tích xa xưa… mà người Tày gọi chung là “thoong khon” (nghĩa là túi khôn). Năm nay, Nghệ nhân Dân gian Lương Long Vân (dân tộc Tày) tròn 93 tuổi nhưng ông vẫn luôn miệt mài biên dịch cuốn sách cổ để thế hệ mai sau hiểu rõ ý nghĩa của câu chữ cha ông gửi gắm.

Nghệ nhân Lương Long Vân (bên trái) luôn say mê nghiên cứu biên dịch chữ Nôm Tày
Nghệ nhân Lương Long Vân (bên trái) luôn say mê nghiên cứu biên dịch chữ Nôm Tày

Chữ viết của “thánh hiền”

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lương Long Vân, thôn Yên Phú, phường An Tường (TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Trong căn nhà sàn rộng rãi, ông Vân say mê kể về chữ Nôm Tày và kho sách cổ.

Sinh ra và lớn lên ở xã Trùng Khánh (Na Hang), từ nhỏ, ông được cha mẹ rèn dũa việc học hành với quan niệm “Nhất slư tha, nhì gia giuốc” (Nhất chữ nghĩa, nhì thuốc thang). Do đó, để vừa có kiến thức phổ thông, lại không quên nguồn cội, ban ngày ông Vân đến lớp học chữ quốc ngữ, đêm về theo học chữ Nôm Tày. 

Đối với ông, việc học chữ Nôm Tày luôn mang đến một nguồn cảm hứng đặc biệt. Những con chữ như những bức tranh tượng hình thú vị để ông say mê khám phá. Ông chia sẻ, chữ Nôm Tày được viết trên giấy bản do người dân địa phương tự làm. Đây là chữ khối vuông, thuộc thể loại chữ tượng hình. Trong cách viết, Nôm Tày phải tuân thủ trình tự là viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới theo hàng dọc.

Muốn viết đẹp, phải khổ luyện sao cho tay vừa mềm mại, vừa rắn rỏi tạo thành nét thanh, nét đậm. Thế nên nhìn nét chữ người đọc có thể biết được phần nào tính cách của người viết. Đó chính là cái hay của chữ Nôm Tày.

Người Tày quan niệm, đây là chữ của “thánh hiền” nên khi viết phải cung kính, tư thế ngay ngắn. Sách vở bảo quản phải để trong rương, trong hòm như báu vật gia đình, dòng họ.

Giải mã “thoong khon”

Nghệ nhân Lương Long Vân đã từng trải qua các cương vị công tác như: Văn thư, Văn phòng, Thư ký Ủy ban, Trạm trưởng Trạm y tế, Phó Chủ tịch UBND xã Trùng Khánh.

Gia đình có truyền thống say mê học chữ Nôm Tày nên ông Lương Long Vân hiện sở hữu nhiều cuốn sách cổ có tuổi đời hơn 100 năm. Bộ sách cổ được ông Vân giữ như một báu vật. Tất cả như một kho tàng văn học và tri thức dân gian mà tiền nhân đã đúc kết, tinh gọn truyền cho thế hệ mai sau. Thế nên người Tày gọi đây là “thoong khon”, nghĩa là túi khôn người Tày.

Chữ Nôm Tày được viết trên giấy bản do người dân địa phương tự làm. Đây là chữ khối vuông, thuộc thể loại chữ tượng hình. Nhìn nét chữ người đọc có thể biết được phần nào tính cách của người viết. Chữ Nôm Tày dùng để ghi chép truyện thơ, hát lượn lại gần gũi với ngôn ngữ thường ngày của dân tộc Tày nên người nghe dễ hiểu”.

Ông Lương Long Vân, thôn Yên Phú, phường An Tường, TP. Tuyên Quang.


Chữ Nôm Tày được dùng để ghi chép nhiều nhất trong sách của các thầy Tào, thầy cúng. Điển hình như sách cúng đầy tháng, sách cúng cầu yên, giải hạn, sách cúng vào nhà mới... Ông giải thích, chữ Nôm Tày dùng trong các sách cúng có âm đọc riêng biệt, nhuốm màu tâm linh nên nếu không phải thầy cúng, thầy tào thì không thể đọc và giải nghĩa được. Ngược lại chữ Nôm Tày dùng để ghi chép truyện thơ, hát lượn, lại gần gũi với ngôn ngữ thường ngày của dân tộc Tày nên người nghe dễ hiểu. 

Ông chú trọng biên dịch những cuốn sách cổ ghi lại những lời khuyên răn dạy bảo, cách đối nhân xử thế, đạo làm con, đạo vợ chồng. Có nhiều cuốn sách ghi lại nhiều bài thuốc dân gian, mẹo vặt hay chữa bệnh… Bên cạnh đó, ông cùng nhà nghiên cứu văn hóa Tống Đại Hồng, Ma Văn Đức biên dịch những tích truyện xa xưa, văn hát quan làng, hát then...Các cuốn sách được xuất bản như “Văn Quan làng Tuyên Quang”, “Một số cung Then cổ chữ Nôm - Tày”… Trong đó, cuốn sách “Văn Quan làng Tuyên Quang” dày 410 trang là một tư liệu chuyên biệt về hát Văn Quan làng đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. Công trình nghiên cứu đoạt Giải thưởng Tân Trào năm 2019. 

Nay tuổi đã cao, Nghệ nhân Lương Long Vân vẫn không nguôi những trăn trở - đó là sự truyền dạy chữ Nôm Tày. Thế nên dù sức khỏe đã giảm sút nhưng Nghệ nhân Lương Long Vân vẫn tiếp tục cùng với các nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh biên soạn cuốn Từ điển Nôm Tày. Đó như là món quà đặc biệt, tâm huyết nhất ông muốn gửi gắm với mong muốn con cháu hiểu được “túi khôn” của cha ông để lại.

Tin cùng chuyên mục