Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người giữ hồn nhạc lễ dân gian Chăm

SƠN NGỌC - 11:47, 27/09/2019

Tháng 3/2019, ông Thành Văn Lũy vinh dự được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực hoạt động tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước dành cho những người đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Nghệ nhân Ưu tú Thành Văn Lũy.
Nghệ nhân Ưu tú Thành Văn Lũy.

Dịp Lễ hội Katê 2019, chúng tôi về làng Bỉnh Nghĩa tìm gặp ông Thành Văn Lũy, nghệ nhân tiêu biểu trong việc gìn giữ và phát huy lễ nhạc dân tộc Chăm ở xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận).

Tròn 60 tuổi đời, ông Lũy có 40 năm dày công theo đuổi học nghề kéo đàn ka nhi (đàn nhị mai rùa) và hát khoản đãi thần linh ở đền tháp, làng xóm, gia đình theo truyền thống tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Ở địa phương, ông còn là thầy Kò ke (Ôn Kà thành) giữ vai trò chủ lễ trong nghi thức tế lễ, hát ngợi ca công đức các vị thần linh ở đền tháp, làng xóm.

Nghệ nhân tiêu biểu làng Bỉnh Nghĩa vừa đàn ka nhi vừa hát những bài ngợi ca công lao của các bậc tiền nhân trong công cuộc khẩn hoang lập ấp, dạy dân làng cày cấy, đắp đập dẫn thủy nhập điền, dệt vải, làm gốm, xây dựng đền tháp… Giọng ông trầm ấm tha thiết, hòa quyện cùng tiếng đàn ka nhi, phảng phất hương trầm lễ cúng… gợi cho người nghe cảm giác thiêng liêng, nhớ về công ơn tổ tiên đối với cuộc sống no ấm của con cháu ngày nay.


Được biết 15 tuổi ông Lũy theo học chữ Chăm do người bác họ là ông Hứa Trí nhiệt tâm truyền dạy. Qua 5 năm kiên trì học chữ, ông đọc thông viết thạo các văn bản do ông bà xưa truyền lại. Ông sáng dạ, học thuộc nhiều bài cúng kính đất đai, cầu mong mưa thuận gió hòa khi xuống vụ cày cấy cho bà con thôn xóm.

Lễ hội Katê, lễ hội văn hóa đặc sắc của người Chăm. (Ảnh minh họa)
Lễ hội Katê, lễ hội văn hóa đặc sắc của người Chăm. (Ảnh minh họa)

Nhờ có vốn liếng chữ Chăm, bước vào tuổi 20, sau khi lập gia đình với cô gái Dương Thị Mẽ, chàng trai Thành Văn Lũy được ông Thành Phú ở làng Bỉnh Nghĩa thu nhận làm môn đệ, truyền dạy nghề làm thầy Kò ke. Suốt 20 năm ròng rã, ông “khăn gói theo thầy” học nghi thức cúng kính với hàng ngàn câu hát viết bằng chữ Chăm. Đồng thời, được thầy truyền dạy cách chế tác và biểu diễn đàn ka nhi, gồm 30 bài bản đàn ca ngợi công lao thần linh.

Đến năm 2000, vừa tròn 40 tuổi, ông Thành Văn Lũy được thầy Thành Phú làm lễ công bố với cộng đồng cho phép ông độc lập thực hiện các nghi thức cúng kính theo truyền thống dân tộc Chăm.

Cuối năm 2010, ông Thành Văn Lũy cùng các Nghệ nhân dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời ra Hà Nội biểu diễn chào mừng khánh thành Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Tại đây, ông biểu diễn đàn ka nhi và thực hiện nghi thức lễ cúng mở cửa tháp Chăm tại Đồng Mô. Trong chuyến đi này, ông đã thực hiện được ước mơ của người con dân tộc Chăm từ làng Bỉnh Nghĩa ra Thủ đô Hà Nội là vào Lăng viếng Bác Hồ kính yêu. Ông cũng đã tham gia Liên hoan dân ca Việt Nam tổ chức tại tỉnh Phú Yên năm 2011, với tiết mục “Hát lễ khoản đãi vua Pokong Garai”, được Ban Tổ chức tặng giải A.

“Gia đình và bà con thôn xóm rất vui mừng khi thấy tôi là người dân đầu tiên ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đây là phần thưởng cao quý và niềm tự hào lớn lao của bản thân tôi, động viên tôi tiếp tục nghiên cứu, gìn giữ và phát huy truyền thống nhạc lễ phục vụ tốt nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng dân cư. Tôi tham gia cùng các vị chức sắc Chăm Bàlamôn, tích cực động viên bà con đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa”, Nghệ nhân Ưu tú Thành Văn Lũy chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).