Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ thuật "kết tinh" trong những điệu Xòe: Nhạc cụ nâng bước điệu Xòe (Bài 3)

Văn Hoa - 06:53, 09/11/2022

Đối với người Thái, điệu Xòe gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, đời sống văn hóa, là sợi dây kết nối cộng đồng. Để thực hành Xòe, người Thái có nhiều loại nhạc cụ bổ trợ, chính những nhạc cụ này đã tạo nên sự sôi động, hấp dẫn, độc đáo, nâng bước những điệu Xòe.

Tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã thu hút du khách gần xa cùng chung vui vòng Xòe
Tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã thu hút du khách gần xa cùng chung vui vòng Xòe

Điệu Xòe tạo nên những "nghệ sĩ"

Có dịp về Điện Biên tham dự Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, tại TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên) vừa qua, chúng tôi đã được trải nghiệm một không gian văn hóa dân tộc Thái, vô cùng độc đáo ngay tại Quảng trường 7-5 của Câu lạc bộ (CLB) văn hóa Thái, tỉnh Điện Biên.

Được biết, để tạo điểm nhấn cho Ngày hội, tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ lập một nhà sàn truyền thống dân tộc Thái tại vị trí đẹp nhất, để các hội viên CLB văn hóa Thái tỉnh Điện Biên sinh hoạt, giao lưu văn hóa  với các dân tộc khác trong tỉnh, với du khách đến từ các tỉnh thành khác, đặc biệt là các đại biểu nước bạn Lào đến tham dự Ngày hội.

Cách xa Quảng trường 7-5, những âm thanh rộn rã của tiếng trống, tiếng chiêng, chập choèng… và những vòng Xòe Thái vui nhộn, thu hút đông đảo du khách tham gia. Không phân biệt gái trai, lứa tuổi, dân tộc, người Việt hay người Lào, tất cả đều hòa vào nhau, nắm tay nhau say trong những vòng Xòe.

Tiếng trống rộn rã tạo không khí sôi động nâng bước những vòng Xòe
Tiếng trống rộn rã tạo không khí sôi động nâng bước những vòng Xòe

Để cho những điệu Xòe thêm sôi động, đội nhạc cụ đã hoạt động hết công suất có thể. Qua quan sát và cảm nhận của chúng tôi, đội nhạc cụ chính là những nghệ sĩ thực thụ, dẫn dắt, nâng bước những điệu Xòe. Điều đặc biệt, ai cũng có thể là nghệ sĩ, người này mệt thì người kia sẽ vào thay, cứ thế không khí càng thêm sôi động hơn bao giờ hết.

Tôi tiến đến khu vực nhạc cụ, như hiểu ý của một người khách phương xa, các anh, các chị, các cô đã lần lượt hướng dẫn tôi thử từng loạt nhạc cụ. Với tôi, khó nhất là gõ chiêng, dễ nhất là đánh trống và chập choèng. Theo hướng dẫn của ông Tòng Trung Tiến, khi sử dụng nhạc cụ chủ yếu đánh theo nhịp 2/4 là nhiều, gõ chiêng, gõ trống thì nhịp 123. Và chỉ sau vài tiếng lạc nhịp, tôi đã có thể gõ được và cản thấy rất hạnh phúc khi được là người góp một phần nhỏ khiến vòng Xòe thêm vui nhộn hơn.

Ai cũng có thể trở thành những nghệ sĩ (Trong ảnh, nghệ nhân người Thái hướng dẫn cách sử dụng chập choèng tới khách du lịch
Ai cũng có thể trở thành những nghệ sĩ (Trong ảnh, nghệ nhân người Thái hướng dẫn cách sử dụng chập choèng tới khách du lịch )

Nâng bước những điệu Xòe

Nhạc cụ thường sử dụng trong Xòe gồm: bộ gõ và bộ hơi, có thể thêm bộ dây. Người Thái ở Mường Lò chủ yếu dùng trống, chiêng, khèn bè, tăng bẳng, mák hính, pí ló, pí pặp.

Ông Hà Trung, dân tộc Thái, người có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Thái, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và biểu diễn Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai cho rằng, trong số các loại nhạc cụ: dàn trống chiêng, tính tẩu, khèn bè, pí pặp, thì nhạc cụ quan trọng nhất trong thực hành Xòe, là dàn chiêng trống. Đó là nhạc cụ giữ nhịp và tạo không khí, tinh thần trong các bước chân. Hiện nay, việc sử dụng những loại nhạc cụ này vẫn được duy trì, mỗi khi tiếng trống chiêng nổi lên, không kể già trẻ gái trái đều hồ hởi nắm tay nhau chung vòng Xòe.

Dàn chiêng sử dụng trong múa Xòe
Dàn chiêng sử dụng trong múa Xòe

Cũng theo đặc điểm của các địa phương mà âm sắc của trống Xòe có khác nhau đôi chút, như trống chiêng Xòe vùng Mường Vạt (Yên Châu – Sơn La) có âm sắc trầm bổng, bởi sự hòa âm của dàn chiêng to bé khác nhau. Đối với trống chiêng vùng Mường Muổi (Thuận Châu – Sơn La), vùng Mường La – Sơn La, vùng Mường Thanh (Điện Biên), thì âm sắc trống Xòe nghe rộn ràng khí thế. 

Còn đối với các vùng Thái trắng như Mường Lay (Điện Biên), Mường So (Phong Thổ - Lai Châu), Mường Chiên (Quỳnh Nhai – Sơn La), thì nhạc cụ không thể thiếu chính là cây tính tẩu. Từ xưa tới nay, cây tính tẩu là nhạc cụ song hành trong Xòe Thái trắng, Xòe điệu nào thì có điệu tính tẩu đi kèm như Xòe nón, Xòe khăn, Xòe quạt...

Theo GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Xòe Thái có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và tâm linh đặc sắc. Trước hết, Xòe Thái thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của  người Thái, từ những điệu múa, âm nhạc, lời hát đến trang phục, nhạc cụ và các biểu đạt văn hóa đi kèm. 

Các điệu Xòe còn tôn lên chiếc áo cóm lấp lánh hàng khuy bạc, bộ váy nhung thướt tha bó sát đường cong mềm mại của các cô gái Thái. Nhạc cụ đệm cho Xòe khá phong phú bao gồm: Trống lớn, trống nhỏ, cồng, chiêng, đàn tính, quả nhạc, kèn loa, khèn bè, chũm chọe, thanh la, mõ (tằng bẳng)...

Dàn chiêng trống giúp giữ nhịp và tạo không khí, tinh thần trong mỗi vòng Xòe
Dàn chiêng trống giúp giữ nhịp và tạo không khí, tinh thần trong mỗi vòng Xòe

Đặc biệt, người Thái có các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo là khèn bè và 7 loại pí (sáo) như "pí tót" là cây sáo chỉ có một lỗ, "pí pặp" là sáo của tình yêu dùng để gọi nhau tâm tình, "pí rạ" dùng ống rạ để thổi... Một số nhạc cụ như trống, cồng chiêng, tính tẩu tuy cũng có ở các dân tộc khác, nhưng khi kết hợp với các nhạc cụ Thái và lời ca Thái chúng toát lên một âm điệu đặc trưng riêng của âm nhạc Xòe.

Những điệu múa mềm mại, uyển chuyển cộng hưởng với âm nhạc rộn ràng từ các loại nhạc cụ độc đáo, trang phục nhiều mầu sắc, không gian mang đậm bản sắc của các bản người Thái khiến sinh hoạt Xòe trở thành một hiện tượng chỉnh thể nguyên hợp rất sinh động, hấp dẫn.

Qua bao thăng trầm lịch sử, nhờ có những hạt nhân nòng cốt mà tiêu biểu là các già làng, Người có uy tín, Nghệ nhân ưu tú đang âm thầm gìn giữ, lan tỏa nên Xòe có một sức sống mãnh liệt, vượt qua không gian bản làng để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Xòe không chỉ là tài sản của riêng người Thái, mà chính là niềm tự hào chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và nhân loại.

Tin cùng chuyên mục
Sắc màu văn hóa dân tộc Mông ở Cao Bằng

Sắc màu văn hóa dân tộc Mông ở Cao Bằng

Dân tộc Mông ở Cao Bằng chiếm hơn 10% dân số toàn tỉnh, gồm 3 nhóm Mông trắng, Mông hoa và Mông đen. Hiện nay, đồng bào Mông ở Cao Bằng luôn có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc...