Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Nghị lực chàng trai dân tộc Nùng bị bệnh xương thủy tinh

Thu Hằng-Thúy Hồng - 06:06, 12/01/2025

Lý Văn Quang, dân tộc Nùng, ở tại khối phố Yên Bình, thị trấn Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, sinh ra không may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Ngay từ nhỏ, Quang đã mắc bệnh xương thuỷ tinh nên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vượt qua những biến cố, bi quan về bệnh tật, Lý Văn Quang đã tìm được một chân lý sống tích cực, đó là duy trì và phát huy giá trị nghề thêu may trang phục phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng dân tộc Tày, Nùng.

Anh Lý Văn Quang đang thêu hoa văn trên trang phục thầy then, thầy mo
Anh Lý Văn Quang đang thêu hoa văn trên trang phục thầy Then, thầy Mo

Sinh năm 1991 trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân lại không may mắn khi mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh, nhưng Lý Văn Quang vẫn miệt mài, đam mê với việc cắt may trang phục tín ngưỡng, góp phần lưu giữ giá trị truyền thống dân tộc Tày, Nùng.

Chúng tôi tìm gặp anh Quang, đúng lúc anh đang miệt mài với từng đường kim, mũi chỉ, tỉ mỉ để thêu nên chiếc áo dài thầy Mo, thầy Then mặc khi thực hành các nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Với vóc dáng người nhỏ, yếu ớt nhưng anh Quang lại sở hữu đôi tay rất nhanh nhẹn và đôi mắt luôn ngời sáng.

Anh Lý Văn Quang cho biết: Từ nhỏ đã bị mắc bệnh xương thủy tinh nhưng vẫn có thể đi lại và học tập như các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, đến năm lớp 9, bệnh tình trở nặng hơn, Quang ngày một yếu đi, đôi chân không thể đi lại được nữa.

"Mặc dù, thời điểm đó cũng trải qua những lúc bi quan, chán nản. Tuy nhiên, tôi nghĩ, còn đôi tay lành lặn là còn khả năng lao động thì mình phải tìm một cái nghề để có thể tự nuôi bản thân và phụ giúp gia đình", anh Quang cho hay.

Năm 2016, Lý Văn Quang bắt đầu “bén duyên” với nghề cắt may y phục hành lễ thầy Then, thầy Mo.

Lý Văn Quang vẫn miệt mài, đam mê với việc cắt may trang phục tín ngưỡng, góp phần lưu giữ giá trị truyền thống dân tộc Tày, Nùng
Lý Văn Quang vẫn miệt mài, đam mê với việc cắt may trang phục tín ngưỡng, góp phần lưu giữ giá trị truyền thống dân tộc Tày, Nùng

Theo nghi thức thực hành các nghi lễ then, mo, ngoài các đạo cụ cần thiết thì một bộ lễ phục thầy cúng sẽ gồm áo, mũ hoặc khăn đội đầu. Trang phục thầy Then, thầy Mo của người Tày, Nùng nhìn chung có sự đơn giản về kiểu dáng, nhưng lại khá cầu kỳ về cách trang trí.

Để cắt may, thêu các bộ trang phục đặc biệt này, hằng ngày, anh Quang tự lên mạng mày mò học cách vẽ, cắt, thêu các mẫu trang phục. Ngoài ra, anh cũng được sự giúp đỡ của các thầy Mo, thầy Then trong vùng hướng dẫn thêm về ý nghĩa, cách bài trí hoa văn… trên trang phục. Sau một thời gian kiên trì, từ những nét vẽ, mũi kim đầu tiên, dần dần những bộ y phục đẹp mắt ra đời.

Theo anh Quang, để có được những bộ y phục trang trọng trong hành lễ của các thầy Then, Mo, mỗi bộ y phục anh đã phải thực hiện thêu, may trong gần 2 tháng... Đặc biệt là cái mũ của thầy Mo, có hình bán cầu, có 2 nửa dưới màu đen, trên màu đỏ. Chóp mũ có 1 chiếc khuy bọc vải, vành mũ lượn sóng 2 mặt, vành mũ thêu tay hình rồng, phượng chầu biểu tượng mặt trời có viết các chữ Nho là kỳ công nhất, vì các bộ y phục truyền tải những giá trị văn hóa của dân tộc.

Khi mới vào nghề, khách hàng của anh chủ yếu là do bạn bè, người quen giới thiệu. Sau này anh đăng các mẫu sản phẩm của mình lên mạng xã hội facebook và zalo để quảng cáo và chia sẻ kinh nghiệm may vá với những người ở xa, không có điều kiện đến trực tiếp…

Để làm được một bộ trang phục, thường phải mất từ 2 – 3 tháng liên tục, nhưng hễ anh Quang làm ra được bộ nào là có ngay khách mua. Tiếng lành đồn xa, không chỉ khách trong tỉnh, mà có khách ở tận Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk… cũng đặt hàng. Từ ngày gắn bó với nghề, anh cũng có thêm khoản thu nhập để trang trải việc thuốc men và phụ giúp gia đình.

Những sản phẩm được Lý Văn Quang thêu cầu kì, tỉ mỉ
Những sản phẩm được Lý Văn Quang thêu cầu kì, tỉ mỉ

Chị Hoàng Thị Na, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Anh Quang là một trong những tấm gương sáng của người khuyết tật trên địa bàn thị trấn chúng tôi. Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền thị trấn luôn quan tâm, động viên khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong phát triển các ngành nghề, dịch vụ để phát triển kinh tế. Trong đó, mô hình thêu may y phục hành lễ của các thầy Mo, Then trong sinh hoạt tín ngưỡng của anh Quang rất đáng trân trọng, đã đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Gia.

Bằng sự kiên trì và đam mê, câu chuyện của anh Quang là minh chứng cho nghị lực sống và khát khao cống hiến, sẽ lan tỏa truyền cảm hứng cho những bạn cùng hoàn cảnh thêm mạnh mẽ để vươn lên trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở của Nghệ nhân ưu tú Y Ber

Trăn trở của Nghệ nhân ưu tú Y Ber

Tuổi cao, sức yếu, đôi chân đã mỏi, đôi tay không còn nhanh nhẹn, nhưng Nghệ nhân ưu tú Y Ber (dân tộc Ba Na – nhánh Jơ Lơng) ở làng Kon Săm Lũ, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) vẫn đang miệt mài giữ nghề làm gốm. Trăn trở lớn nhất của bà hiện nay là, nghề làm gốm truyền thống của người Ba Na đứng trước nguy cơ thất truyền.