Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Người “ăn cơm nhà, vác tù và” ở bản Mùa Xuân

Quỳnh Trâm - 15:34, 17/11/2020

Chế độ của Trưởng bản ít ỏi, chỉ từ nguồn hỗ trợ của xã, số tiền không đủ để đổ xăng hàng tháng cho anh chạy công việc. Nhưng gần chục năm nay, anh Thao Văn Dia, 38 tuổi, Bí thư kiêm Trưởng bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) luôn tự nguyện tiên phong trong các hoạt động của cộng đồng. Anh nói, tất cả là vì lòng tin của bà con gửi gắm.

Trưởng bản Thao Văn Dia tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa năm 2020
Trưởng bản Thao Văn Dia tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa năm 2020

Bản Mùa Xuân cách trung tâm xã hơn 15km đường rừng, dốc đèo hiểm trở, đi lại khó khăn, nên bản gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Không đường, không điện khiến cho bà con quanh quẩn trong đói nghèo nhiều năm qua.

Từ khi được bầu làm Trưởng bản, anh Dia trở thành cầu nối giữa bà con với chính quyền. Qua những cuộc họp, đi tập huấn ở xã, ở huyện, thậm chí ở tỉnh, Trưởng bản Dia luôn kịp thời truyền đạt lại cho bà con về những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật, nhất là những chương trình, dự án, phong trào phát động. Qua đó, đồng bào tin tưởng, thông suốt làm theo.

Đặc biệt, trong bất kỳ một công việc chung nào của bản, anh Dia cũng luôn là người đi đầu khởi xướng, tạo động lực cho mọi người noi theo. Ngoài ra, Trưởng bản Dia còn tích cực vận động người dân áp dụng kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, để đảm bảo đủ lương thực cho gia đình, không còn nhà thiếu đói phải chờ hỗ trợ của Nhà nước.

Anh Dia tâm sự, cuộc sống của người dân trong bản còn nhiều khó khăn. Trước kia, bà con có tập quán du canh, du cư. Mãi về sau này, nhờ những chính sách, sự quan tâm của Nhà nước, bà con đã bỏ tập quán trên. Nhưng lựa chọn định cư ở những vùng đồi núi cao đang khiến cho việc phát triển kinh tế, xã hội trở nên khó khăn hơn.

“Cả bản của Dia có 113 hộ dân, thì 100% đều là hộ nghèo. Do giao thông cách trở dẫn tới mọi giao thương với bên ngoài đều hạn chế. Học sinh thì không mặn mà với việc đi học do đường xa xôi. Việc không đường, không điện lưới... khiến cuộc sống người dân thua kém các nơi khác về mọi mặt”, Trưởng bản nói.

Nhờ việc thường xuyên tuyên truyền, vận động nên bà con luôn tuân thủ pháp luật, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, giữ gìn sự bình yên trong  bản.

Chế độ của Trưởng bản ít ỏi, chỉ từ nguồn hỗ trợ của xã, số tiền không đủ để đổ xăng hàng tháng cho anh chạy công việc. Thế nhưng, anh Dia nói, làm việc này không phải vì tiền, mà vì lòng tin của bà con đã gửi gắm vào anh.

Nhiều năm làm công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng anh chưa khi nào sợ khó mà vẫn luôn nhiệt huyết với công việc. Không kể nắng hay mưa, dù đường xa hiểm trở, anh vẫn lặn lội ra xã, huyện để báo cáo công việc, đi lấy giống vật nuôi, cây trồng, hay học tập kiến thức mới để về truyền đạt lại cho dân.

“Tôi và dân bản chỉ ước mong sao con đường từ trung tâm xã lên bản được thông suốt, để người dân đi lại thuận tiện, học sinh thích đi học hơn, những thầy cô cắm bản đỡ vất vả hơn mỗi lần xuôi ngược. Cũng mong Nhà nước quan tâm để bà con có điện lưới cho đỡ khổ”, Trưởng bản Dia bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Từng làm nghề chèo đò chở khách qua sông Ba, ông Ksor Yan (dân tộc Gia Rai, 60 tuổi, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, Gia Lai) chứng kiến những nguy hiểm rình rập với bà con mỗi khi muốn qua sông, ông đã quyết tâm đứng ra làm cầu gỗ bắc qua sông Ba, giúp cho hàng trăm hộ dân hai bên bờ đi lại thuận lợi, tiết kiệm thời gian.