Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín với cộng đồng

Người có uy tín nắm “bí kíp” Lễ Nhảy lửa

Ngọc Ánh- Giang Lam - 19:32, 06/11/2023

Trong tháng 9 vừa qua, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang vinh dự đón nhận Bằng ghi danh Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người góp phần đưa di sản này trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải kể đến nghệ nhân - Người có uy tín Phù Văn Thành - thầy cúng nắm giữ “bí kíp” tâm linh huyền bí trong Lễ Nhảy lửa ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang.

 

Người có uy tín, thầy cúng Phù Văn Thành, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình thực hiện nghi lễ Nhảy lửa.
Người có uy tín, thầy cúng Phù Văn Thành, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình thực hiện nghi lễ Nhảy lửa.

Thầy cúng – cầu nối với thần linh

Nghệ nhân Phù Văn Thành nói, nhảy lửa tiếng Pà Thẻn gọi là "pò dí”. So với nhiều nghi lễ khác thì Nhảy lửa là nghi lễ được tổ chức khá giản đơn, nhẹ nhàng từ lễ vật đến bài cúng. Phẩm vật trong Lễ Nhảy lửa chỉ đơn giản là một bát nước lã để trên bàn thờ. Ngoài ra còn có mâm lễ nhỏ với lễ vật là một chiếc thủ lợn hoặc một con lợn nhỏ. 

Tại buổi Gặp mặt các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc có dân số dưới 10.000 người vừa diễn ra tại tỉnh Lai Châu, nghệ nhân - Người uy tín Phù Văn Thành được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch biểu dương, khen thưởng vì đã có thành tích trong công tác bảo tồn, truyền dạy văn hoá truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.

Còn Lễ cúng khá ngắn gọn với 3 bài cúng bằng tiếng Pà Thẻn trình bày rõ với thần linh về lý do của buổi Lễ. Lý do phải mang ý nghĩa tốt đẹp như lễ tạ ơn, lễ cúng lúa mới, giải hạn, chữa bệnh cho dân bản... mới mời được thần về. Thầy cúng phải mời 28 vị thần tất cả, trong đó, quan trọng nhất là thần lửa. Nghi thức tiến hành nhẹ nhàng nhưng để lễ Nhảy lửa thành công, hiệu quả thì từ người làm lễ đến người nhảy lửa phải có tâm sáng, lòng thành thì thần lửa mới "độ”.

Để chuẩn bị lễ, ngay từ buổi chiều, các học trò tự tay gánh củi về đốt ở ngoài sân. Củi để nhảy lửa có thể bằng bất cứ gỗ gì, miễn có nguồn gốc sạch sẽ và chỉ đốt trong một lần. Điều quan trọng ngọn lửa phải được nhóm lên từ lửa của chiếc đèn trên mâm lễ. Người Pà Thẻn quan niệm, đó là ngọn lửa thiêng, nơi ngự trị của thần lửa.

Khi cúng, thầy cũng nhập tâm, đầu lắc lư, hai chân thầy rung lên đều đặn theo nhịp gõ của đàn Pàn dơ. Người Pà Thẻn tin rằng, lúc này mình đang xuất hồn đi chu du ở thế giới bên kia để trò chuyện với các vị thần.

Anh Sìn Văn Toàn, một trai làng thường xuyên tham gia nhảy lửa chia sẻ: "Khi thần nhập vào người, tôi có cảm giác rất lạnh và nhìn thấy lửa là rạo rực muốn lao vào. Càng nhảy vào lửa thì lại càng thấy sảng khoái, dễ chịu và ấm người. Khi tôi nhảy nhắm mắt và được thần dẫn đi nên bản thân không biết là khi đó đang lao vào đống lửa".

Sau khi thầy cúng đã mời được thần linh về, các trai làng mới có thể vào đống than hồng mà không bị bỏng l
Sau khi thầy cúng đã mời được thần linh về, các trai làng mới có thể vào đống than hồng mà không bị bỏng lửa

Lý giải về sự kỳ bí, linh thiêng này, thầy cúng Phù Văn Thành giải thích: "Lửa trong tâm thức người Pà Thẻn khác hẳn lửa trong tâm thức của dân tộc khác. Chúng tôi quan niệm nhảy lửa tức là cho thánh tắm nước. Bởi lửa tượng trưng cho khỏa nước, nghịch nước; lăn qua lửa là tắm nước, cho than hồng vào mồm là uống nước. Người nhảy lửa được thần linh chấp nhận, da thịt hoàn toàn không có vết bỏng, thậm chí đầu tóc cũng không có một vệt cháy xém nào. Trong khi những người xem xung quanh khi bị bắn tàn tro, quần áo còn thủng lỗ chỗ như thuốc lá châm. Lửa lúc ấy là "nước" mà nước làm sao có thể khiến quần áo bốc cháy được".

Điều mà thầy cúng Phù Văn Thành vẫn luôn dặn dò những học trò hay những trai làng tham gia nhảy lửa đó là tâm luôn sáng, một lòng biết ơn thần lửa, cầu nguyện cho bản làng bình yên, ấm no. Có như thế, thần lửa mới ban truyền cho sức mạnh phi thường để chinh phục ngọn lửa linh thiêng, may mắn.

Gian nan… truyền nghề

Người có uy tín - thầy cúng Phù Văn Thành năm nay hơn 60 tuổi. Ông bảo, làm thầy cúng của người Pà Thẻn là cả một quá trình thử thách gian nan vô cùng. Bởi người Pà Thẻn có mấy trăm bài cúng, ai sáng dạ học nhanh cũng phải 5 năm mới hết, còn có người học cả chục năm vẫn chưa gom đủ chữ làm thầy.

Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn thường bắt đầu từ ngày 16 tháng 10 âm lịch cho đến hết năm. Vào ngày đó, thầy cúng bắt đầu làm lễ truyền nghề cho những ai muốn học và tất cả nam giới người Pà Thẻn đều có thể học nghề.

Thầy cúng Phù Văn Thành và học trò tại Lễ nhảy lửa vừa được thực hiện tại Ngày hội
Thầy cúng Phù Văn Thành (bên phải) cùng học trò tại Lễ nhảy lửa vừa được tái hiện tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ Nhất, diễn ra tại tỉnh Lai Châu.

Thầy cúng Phù Văn Thành trăn trở: “Nghi lễ nhảy lửa tuy được tổ chức đơn giản, nhưng để tìm được một người "kế nghiệp" là một hành trình gian nan. Bởi để thực hiện được nghi lễ linh thiêng này, người thầy cúng phải thông thạo tất cả các nghi lễ khác với hàng trăm bài cúng bằng tiếng Pà Thẻn”.

Anh Sìn Văn Toàn, một trai làng dân tộc Pà Thẻn chia sẻ, anh và nhiều người khác đã theo học thầy Thành nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được làm Cấp sắc (một nghi lễ cấp cho thầy cúng). Học tiếng, học thuộc bài là một chuyện. Có được Cấp sắc, được chọn hay không lại là một chuyện khác. Nhiều người Pà Thẻn đã học, đã thuộc làu làu các bài cúng nhưng không có duyên, không được thần chọn nên không thể mời thần về trong dịp nhảy lửa. Không mời được thần "nhập"thì các thợ nhảy không nhảy vào lửa được, nếu cố nhảy vào sẽ bị bỏng.

Ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cũng cho rằng, bên cạnh cái khó của việc "nối nghiệp" thầy cúng làm lễ Nhảy lửa thì có một thời gian khá dài, nghi lễ này bị cấm đoán nên đã có nguy cơ mai một. Mãi đến năm 2008, khi ngành Văn hóa của tỉnh và chính quyền huyện Lâm Bình vào cuộc khôi phục, nghi lễ Nhảy lửa mới được phục hồi trở lại, lúc đó thầy cúng Húng Văn Hin làm chủ lễ. Ông Húng Văn Hin trước khi mất đã kịp truyền lại nghề cho học trò Phù Văn Thành. Và hiện nay, thầy cúng Phù Văn Thành là người duy nhất thực hiện nghi lễ Nhảy lửa ở thôn Thượng Minh.

Hằng năm, thầy cúng Phù Văn Thành mở lớp truyền dạy nghề cúng miễn phí với khoảng 10 - 12 học trò đến theo học. Hiện nay, sức khỏe của ông Thành đã yếu nhưng ông vui mừng vì sau nhiều năm "đốt đuốc" rèn giũa, đã có 2 học trò trẻ tuổi là Lý Văn Trụ và Húng Văn Tám được làm lễ Cấp sắc.

Ông Phù Văn Thành truyền dạy bài cúng trong lễ Nhảy lửa cho học trò Húng Văn Tám, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình.
Ông Phù Văn Thành truyền dạy bài cúng trong lễ Nhảy lửa cho học trò Húng Văn Tám, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình.

Anh Húng Văn Tám chia sẻ, sau 8 năm học làm thầy cúng, anh đã được Cấp sắc. Hiện nay, anh và anh Trụ đều có thể thực hiện được nhiều nghi lễ đơn giản, còn nghi lễ Nhảy lửa nếu muốn thực hiện thì phải có sự hỗ trợ, dẫn dắt của thầy Thành. Anh cũng từng là một trai làng nhiều lần tham gia nhảy lửa. Hiện nay, anh cố gắng rèn luyện, học hỏi để gìn giữ tục lệ truyền thống của cha ông mình, đồng thời tạo nên dấu ấn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của người Pà Thẻn để phát triển du lịch.

Thời gian qua, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực bảo tồn văn hóa, tổ chức truyền dạy, nâng cao ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Lâm Bình. Với vai trò là thầy cúng, chủ lễ thực hiện nghi lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn, nghệ nhân - Ngưới có uy tín Phù Văn Thành rất phấn khởi. Ông tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn, truyền dạy, phát huy di sản văn hóa của cha ông, biến di sản thành tài sản để thu hút khách du lịch đến với Lâm Bình ngày một đông hơn.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Không chỉ là tấm gương mẫu mực trong làm kinh tế giỏi, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trong thời gian qua, lực lượng già làng, trưởng thôn, Người có uy tín ở Quảng Nam đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền của tỉnh.