Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người có uy tín ở Mường Nhé tích cực vận động Nhân dân phát triển kinh tế

Thúy Hồng- Hồng Phúc - 10:33, 19/12/2022

Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có trên 68 nhóm dòng họ; 114 Người có uy tín tại thôn bản. Trong những năm qua, cùng với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, trưởng dòng họ, Người có uy tín đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Người có uy tín ở Mường Nhé: Vận động nhân dân phát triển kinh tế
Người có uy tín Hù Chà Thái (bên trái) trò chuyện với phóng viên

Mường Nhé là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới, địa hình hiểm trở, đời sống kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên. Đặc biệt nhờ sự tuyên truyền của đội ngũ Người có uy tín vận động Nhân dân tích cực phát triển kinh tế, đời sống bà con đã có bước khởi sắc đáng kể.

Tiêu biểu như tấm gương Người có uy tín Hù Chà Thái, 60 tuổi ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải. Ông đã tích cực vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước tại địa bàn dân cư, nhất là các chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thái kể, là người con của bản Nậm Sin, nên ông hiểu tường tận cuộc sống và những vất vả khó khăn của bà con dân tộc mình. Để thuyết phục bà con nghe theo, ông đã gương mẫu đi đầu trong phát triển sản xuất kinh tế hộ. Ông đã cải tạo được hơn 1 mẫu đất bỏ hoang để trồng lúa nước 2 vụ/năm; nuôi thêm gia cầm, trồng được hơn 1ha keo lai… để có đủ lương thực, thực phẩm, tăng thêm thu nhập phục vụ đời sống và đầu tư cho các con ăn học đầy đủ. Hiện nay, 3 người con của ông đã tốt nghiệp các trường nghề chuyên nghiệp.

Thấy ông Thái phát triển kinh tế hiệu quả, nhiều hộ đã học theo ông trồng lúa nước 2 vụ, đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, cuộc sống của các hộ từng bước được cải thiện, không còn đói nghèo như trước.

Người có uy tín ở Mường Nhé: Vận động nhân dân phát triển kinh tế 1
Đời sống của đồng bào Si La ở Nậm Sin đã từng bước khởi sắc

Ông Pờ Xè Chừ - Bí thư xã Chung Chải nhận xét: “Ông Thái là một trong những Người có uy tín luôn làm tốt công tác vận động người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các nếp sống cũ lạc hậu, cho con em mình theo học con chữ...”.

Ở Mường Nhé còn có rất nhiều tấm gương Người có uy tín tiêu biểu tích cực vận động Nhân dân phát triển kinh tế như ông Thào A Đua, sinh 1967, Dân tộc Mông, xã Mường Nhé. Ông Đua cho biết, khi nghe chính quyền địa phương vận động bà con chăn nuôi nhốt gia súc để phát triển kinh tế, nhiều người dân còn ngần ngại, ông đã tiên phong làm trước. Ông Đua bảo: Trước đây gia đình tôi và người dân trong xã chỉ có thói quen nuôi thả rông, quy mô nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc kiểm soát, phòng bệnh cho đàn gia súc. Từ năm 2020, khi được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xuống tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã không còn thả rông mà chuyển sang hình thức bán chăn thả. Tôi cũng trồng cỏ voi trên diện tích đất trống xung quanh nhà để cung cấp thức ăn cho trâu, bò ăn.

“Đàn trâu bò của gia đình sinh trưởng, phát triển béo tốt, thương lái đến tận nơi để thu mua về thịt. Thu nhập bình quân mỗi năm từ chăn nuôi trâu, bò của gia đình khoảng 200 triệu đồng” ông Đua cho biết.

Nhận thấy mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình ông Thào A Đua mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân trong xã đã học tập làm theo và ngày càng được nhân rộng. Ông Vi Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Mường Nhé cho biết: Hiện toàn xã có gần 6.500 con gia súc và gần 29.000 con gia cầm. Trên địa bàn xã đã hình thành khu chăn nuôi tập trung với diện tích 7ha; trồng cỏ làm thức ăn, làm hàng rào quanh chuồng trại.

Người có uy tín ở Mường Nhé: Vận động nhân dân phát triển kinh tế 2
Người có uy tín huyện Mường Nhé tích cực vận động Nhân dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của người dân

Ngoài tấm gương của ông Hù Chà Thái, ông Thào A Đua còn có những tấm gương Người có uy tín tiêu biểu như ông Chang Vắng Sinh, dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu có thành tích trong chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân 150 triệu từ chăn nuôi trâu, bò. Hay anh Lý A Thào, sinh 1985, dân tộc Mông, xã Mường Toong, làm dịch vụ thương mại, buôn bán nhỏ lẻ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế tăng thu nhập cho gia đình. Mỗi năm thu nhập bình quân từ làm dịch vụ thương mại, buôn bán nhỏ lẻ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế - xã hội tăng thu nhập cho gia đình anh Thào từ 90 đến 100 triệu đồng/năm…

Đánh giá về vai trò Người có uy tín trên địa bàn huyện, ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Thời gian qua, Người có uy tín trên địa bàn huyện đã tích cực phát huy vai trò là những người đầu tàu, gương mẫu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. 

“Người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ đã cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cũng tham gia giám sát cộng đồng các chương trình, dự án tại thôn, bản; góp ý kiến trong việc xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách ở cấp xã và thôn bản, tổ dân phố, đã góp phần làm cho các chủ trương, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” ông Dế cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.