Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người có uy tín tỉnh Hòa Bình: Tích cực trao truyền văn hóa dân tộc cho thế hệ sau

Văn Hoa - 20:04, 02/10/2023

Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Hòa Bình luôn phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các phong trào, cuộc vận động phát động tại địa phương...Trong đó phải kể đến vai trò của Người có uy tín trong nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và trao truyền lại cho các thế hệ sau.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình, nhân dịp Đoàn thăm Thủ đô Hà Nội tháng 8 năm 2022.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình, nhân dịp Đoàn thăm Thủ đô Hà Nội

Nỗ lực gìn giữ các giá trị văn hóa

 Đến xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình hỏi về người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ di sản lịch Đoi và di sản mo Mường, người dân ai cũng nhắc đến ông Bùi Văn Khẩn,năm sinh 1952, Người có uy tín của xóm.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn ven đồi, ông Khẩn tự hào kể về mo Mường, về bộ lịch Đoi của dân tộc mình. Theo ông Khẩn, mo Mường là tinh hoa hội tụ toàn bộ phong tục tập quán của người Mường, được tái hiện qua trí tưởng tượng của con người. Thầy mo thay mặt Nhân dân tiến hành những nghi lễ tâm linh, cầu cho cuộc sống mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc. Không chỉ biết thực hành các nghi lễ, ông Khẩn còn truyền dạy cho  nhiều người dân trong vùng biết về mo Mường.

Ông Khẩn cho biết, Mo Mường là di sản văn hóa độc đáo, gắn với đời sống của đồng bào Mường, từ lúc sinh ra, trưởng thành cho đến khi qua đời. Đây là loại hình nghi lễ gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy Mo thực hiện, điển hình nhất là lễ tang ma của người Mường. Nội dung Mo Mường là áng sử thi lớn phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa.

Ông Bùi Tiến Lực (bên phải) Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Lạc trao đổi về bộ lịch Đoi với Người có uy tín Bùi Văn Khẩn.
Ông Bùi Tiến Lực (bên phải) Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Lạc trao đổi về bộ lịch Đoi với Người có uy tín Bùi Văn Khẩn.

Khi chúng tôi hỏi về bộ lịch Đoi, ông Khẩn tiến ngay về phía bàn thờ, lấy bộ lịch Đoi bằng tre cho chúng tôi xem. Theo ông Khẩn, đây là bộ lịch quan trọng trong cuộc sống người Mường, được người Mường xưa đúc kết từ nhiều đời rồi truyền lại cho con cháu sau này. Cũng theo ông Khẩn, người Mường đã quan sát sự vận động của mặt trăng, dựa vào đặc tính chu kỳ hằng tháng, cũng như sự vận chuyển của sao Đoi, để phân định thời gian và chế định ra 12 thẻ tre. Mỗi mỗi thẻ tre là một tháng, trong đó có số ngày trong tháng, ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt, xấu, ngày mưa, ngày gió, ngày cá, ngày thú, ngày đại cát hay ngày xích khẩu… để tính toán đi làm ăn, làm nhà mới, cưới vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong Mường.

“Bản thân hiện nay tuổi đã cao, bởi vậy tôi luôn mong muốn có thể truyền thụ và lan tỏa những giá trị văn hóa của người Mường tới thật nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, để các con, các cháu tiếp tục gìn giữ phát huy những giá trị của di sản văn hóa của dân tộc Mường”, ông Khẩn bộc bạch.

Ông Bùi Tiến Lực, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tân Lạc cho biết, ông Bùi Văn Khẩn là Người có uy tín tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là có nhiều đóng góp trong gìn giữ bộ lịch Đoi và di sản mo Mường của người Mường. Với những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà nước "Nghệ nhân ưu tú” đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Nhờ có sự góp sức của đội ngũ Người có uy tín mà di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS trong tỉnh Hòa Bình được bảo tồn và phát huy (Trong ảnh: bộ lịch Đoi của người Mường)
Nhờ có sự góp sức của đội ngũ Người có uy tín mà di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS trong tỉnh Hòa Bình được bảo tồn và phát huy (Trong ảnh: bộ lịch Đoi của người Mường)

Lan tỏa …trong cộng đồng

HIện nay, tại nhiều vùng đồng bào DTTS ở Hòa Bình, Người có uy tín đã và đang phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Tiêu biểu như ông Bùi Thanh Ưởm, năm sinh 1954, dân tộc Mường, Người uy tín Khu An Thịnh (thị trấn Mãn Đức, Tân Lạc), đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống mới. Ông được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vì có thành tích xuất sắc trong phong trào 10 năm thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội giai đoạn 2005 - 2015; ông Triệu Văn Tâm, Người uy tín xóm Bò Liêm, xã Đồng Tân, huyện Mai Châu, là trưởng nhóm bảo tồn bản sắc văn hóa Dao tỉnh Hòa Bình, có nhiều đóng góp trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao

 Hay  ông Dương Minh Dũng, Người có uy tín xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi), từ năm 2019 mở lớp truyền dạy chữ dân tộc Dao cho Nhân dân trong xã, với khoảng 20 học viên theo học và không thu phí dạy học; ông Dương Minh Dũng, Người có uy tín xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, từ năm 2019, mở lớp truyền dạy chữ dân tộc Dao miễn phí cho Nhân dân trong xã...

Không những thế, Người có uy tín còn tích cực vận động những người thân trong gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ các phong tục tập quán, văn hoá cổ truyền của dân tộc; tích cực tham gia các phong trào thi đua, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo…

Nhà văn hóa xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa đặc biệt của người Mường.
Nhà văn hóa xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa đặc biệt của người Mường.

Ông Đinh Duy Chuyên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, nhờ có sự góp sức của đội ngũ Người có uy tín mà di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS trong tỉnh gồm các loại hình: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian… được bảo tồn và phát huy. Một số di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: di sản Mo Mường Hòa Bình, nghệ thuật trình diễn Chiêng Mường Hòa Bình (được công nhận năm 2016); Di sản văn hóa Tri thức Lịch Đoi/Roi (Lịch tre) của người Mường và Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hòa Bình (được công nhận năm 2022)…

“Để tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín, các cấp, các ngành trong tỉnh Hoà Bình sẽ chú trọng triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách chăm lo đối với Người có uy tín; biểu dương kịp thời Người có uy tín có nhiều đóng góp trong các phong trào ở địa phương. Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để Người có uy tín phát huy vai trò và uy tín trong cộng đồng….”, ông Đinh Duy Chuyên chia sẻ

Tin cùng chuyên mục
Người có uy tín Châu Quầy- Một điển hình nông dân sản xuất giỏi

Người có uy tín Châu Quầy- Một điển hình nông dân sản xuất giỏi

Anh Trương Thành Lợi, Phó Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Bỉnh Nghĩa cho biết, Người có uy tín Châu Quầy là điển hình nông dân sản xuất giỏi. Ông nêu gương gia đình khuyến học, khuyến tài tiêu biểu và tận tâm giúp đỡ bà con thôn xóm làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Người có uy tín Châu Quầy là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền vận động đồng bào Chăm đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới.