Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người dân ở Đăk Pao thoát nghèo nhờ từ bỏ "ma men"

Tiêu Dao - 08:35, 24/11/2022

Cách đây chừng 4 năm, từng bị gọi là “làng nát rượu”, nhưng bây giờ Đăk Pao đã không còn bóng ma men. Những ngôi nhà ngói đỏ tươi mới nổi bật lên giữa núi rừng xanh thẫm; cái đói cái nghèo đã được đẩy lùi, đời sống người dân đã đổi thay đáng kể.

Chủ tịch xã Sơn Màu (người ngồi) cùng cán bộ thăm hỏi người dân thôn Đăk Pao.
Chủ tịch xã Sơn Màu (người ngồi) cùng cán bộ thăm hỏi người dân thôn Đăk Pao.

Nỗi buồn từ “con ma men”

Con đường trong thôn Đắk Pao, xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi mát rượi bóng cây xanh. Chủ tịch xã Sơn Màu- Đinh Văn Lia ra tận đầu làng để đón khách từ dưới xuôi lên thăm làng Đăk Pao- ngôi làng từng bị “gán” biệt danh “làng nát rượu”. Lia gãi đầu  bảo, đó chỉ là chuyện ngày xưa, giờ làng đã khác lắm rồi. 

Ông Chủ tịch xã còn luôn tay chỉ, kia là nhà của Vum, cai rượu được mấy năm giờ đã xây được nhà to nhất nhì trong thôn, kia nữa là nhà của Tôn, từng bị coi là “con ma men" của làng nhưng giờ cũng có của ăn của để... Ông Chủ tịch xã liên tục giới thiệu, dường như ông sợ rằng, những người khách lạ đến thôn không tin, Đăk Pao đã vắng hẳn bóng ma men.

Kể cũng khó tin, bởi một thời Đăk Pao từng là ngôi làng nghèo rớt, nghèo nhất trong cái sự nghèo. Mấy ai biết rằng, ở nơi đây ngày trước, rất nhiều đàn ông và phụ nữ từng nghiện rượu, uống rượu từ ngày này qua tháng nọ, uống rượu từ sáng sớm tinh mơ đến đêm khuya. Mà hễ cứ có rượu vào là lời ra, lại xảy ra mâu thuẫn, to tiếng, có khi còn đuổi đánh nhau quanh thôn. 

Trong thôn có 56 hộ, thì có đến 25 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo, hầu hết người dân phải đi làm thuê, làm mướn. Thế nhưng hễ làm ra đồng nào là họ lại đem đi uống rượu hết. Có nhiều người bất kể sáng trưa, có khi đang làm rẫy mà “lên cơn”, thì cũng bỏ bê công việc mà đi uống rượu. Không có rượu trong người thì run tay run chân không làm được việc gì cả. Chồng uống, có khi vợ cũng uống. Uống say lại ngủ vạ ngủ vật ở đâu đó có thể rồi lại tiếp tục “dặt dẹo” ở khắp thôn.

Như chuyện nhà của chị Đinh Thị Vum mấy năm trước, những ngày tháng vợ chồng lục đục, hôn nhân bên bờ vực thẳm vì chồng nghiện rượu. Cũng như bao người đàn ông khác trong thôn, chồng Vum suốt ngày nồng nặc mùi rượu và đánh vợ đánh con. Nhiều khi đi làm rẫy, chưa ra đến nơi đã say giữa đường.

Nhiều gia đình ở Đăk Pao thuộc diện hộ nghèo chỉ vì có người nghiện rượu.
Nhiều gia đình ở Đăk Pao thuộc diện hộ nghèo chỉ vì có người nghiện rượu.

Ở đây người dân thường uống loại rượu “phổ cập”. Rượu “phổ cập” là thứ được làm bằng men viên như ngón tay, bỏ vào thùng 20 lít, 15 phút sau thành rượu, uống vào là trời đất ngả nghiêng, còn ruột gan thì như hỏa hoạn. Rượu khiến những ngôi nhà chỉ có một chiếc võng rách treo hờ hững. Bếp lạnh ngắt. 

Năm 2018, anh Lia quá buồn rầu khi thấy cảnh nhiều người say rượu. Ở nhiều ngôi nhà, đàn ông và cả chị em ngồi bên chiếu rượu, chiếu bia từ lúc sáng sớm, lẽ ra giờ này họ phải lên nương lên rẫy. Nghiện rượu, lười lao động dẫn đến nhiều hộ đói nghèo triền miên. Oái oăm hơn, mỗi lần xuống xã nhận tiền hỗ trợ hộ nghèo, chưa kịp về đến nhà thì ngang qua các quán tạp hóa đã ghé vào trả nợ. Tiền thừa thì mua rượu uống ngay tại chỗ.

Anh Lia kể, mùa đót, đi cắt và phơi thuê, họ không lấy tiền công mà đổi qua rượu, đổi qua mồi để uống. Họ bán ruộng, bán đất uống rượu, nợ nần tùm lum tất cả cũng chỉ vì nghiện rượu. Chuyện người dân lấy gạo, ngô, lấy vật phẩm từ rừng, đổi lấy rượu không phải là chuyện của một vài người, mà hầu như nhà nào cũng có. Một chai rượu đổi cả chục lon gạo, vài chục cái bắp, đổi cả bằng gỗ, bằng mây, bằng một gùi ong rừng. Một ngày làm thuê được trả công bằng hai chai rượu và mấy con cá khô, mang về cả nhà cùng uống đến say mềm với nhau, rồi mai lại tiếp tục.

Cán bộ bộ đội biên phòng cùng cán bộ xã Sơn Màu thăm hỏi người dân thôn Đăk Pao.
Bộ đội biên phòng cùng cán bộ xã Sơn Màu thăm hỏi người dân thôn Đăk Pao.

Trước tình cảnh này, được sự chỉ đạo từ các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, lãnh đạo xã Sơn Màu đã quyết tâm phải “cai rượu” cho cả làng. Sau nhiều cuộc vận động, tuyên truyền ráo riết, 100% người dân đã tập trung về nhà văn hóa thôn để ký cam kết nói không với rượu, bia. Ai uống rượu, bia quá chén, say xỉn bị lập biên bản, phạt tiền 50 nghìn đồng lần thứ nhất và 100 nghìn đồng lần thứ hai. Điều đáng mừng là, 100% người dân dự họp vỗ tay tán đồng và vui vẻ ký vào bảng cam kết. Và từ đó, đã có một sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống của đồng bào ở Đăk Pao.

“Cai rượu” cho thôn nghèo

Bắt tay vào “cai rượu” cho người dân là một hành trình khó khăn, nhưng lãnh đạo xã Sơn Màu và các tổ chức đoàn thể...đã quyết tâm vào cuộc. Hội Phụ nữ xã Sơn Màu mà đi đầu là Đinh Thị Hằng, đã vận động từng gia đình thực hiện mô hình “nói không với rượu bia”,  với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tác động vào tâm lý của từng người. Và trong suy nghĩ của người làng, khi nhìn thấy cảnh gia đình nghèo khó, con cái nheo nhóc, nhà cửa tan hoang... thì rất nhiều người đã tỉnh ngộ. 

Như chồng của Vum, sau khi được vận động đã không còn uống rượu nữa, mà cùng vợ bắt tay vào làm kinh tế. Hơn 3 năm qua, vợ chồng Vum đã thoát nghèo sau khi được hỗ trợ vay vốn, với số tiền 40 triệu đồng của Nhà nước, cùng số tiền dành dụm từ khai thác keo, mì, bán trâu, bò. Bây giờ, vợ chồng Vum đã xây được ngôi nhà khang trang, với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng, sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình.

Cũng như vợ chồng Vum, vợ chồng anh Đinh Văn Tôn và chị Đinh Thị Mười hiện nay đã chí thú làm ăn nuôi vợ con, chị Mười cũng đã không còn uống rượu nữa mà tập trung làm kinh tế. Hay như chị Đinh Thị Nhiêu, hai vợ chồng đã chí thú làm ăn, nuôi các con ăn học. Khoe hàng chục tấm giấy khen về thành tích học tập của các con, chị Nhiêu cứ tấm tắc rằng, nếu không được tuyên truyền vận động sớm hiểu ra, thì có lẽ bây giờ các con chị đều thất học, gia đình cũng vẫn nợ nần khốn khó như trước.

Người dân thôn Đắk Pao (xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) hôm nay đã chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế
Người dân thôn Đắk Pao (xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) hôm nay đã chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế

Thành tích của việc “cai rượu” cho người dân thôn Đăk Pao đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, với 50 hộ dân trong đó có 25 hộ nghèo chiếm tới 50%, thì năm 2022 đã có 15 hộ thoát nghèo. Không chỉ thế, theo thống kê của xã Sơn Màu, thu nhập bình quân đầu người của thôn Đăk Pao là 25 triệu đồng/người/năm. Bố mẹ bỏ được rượu, siêng năng lao động, quan tâm đến chuyện học hành của con cái nên bọn trẻ cũng nỗ lực không ngừng vì tương lai tươi sáng. Trẻ em đi học, người lớn đi làm.

Mùa này, người thì vào Tây Nguyên hái cà phê, người thì ở quê đi thu hoạch keo thu nhập được 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Bỏ được rượu, ai cũng ham làm ăn, con trẻ được cha mẹ chăm chút học hành tiến bộ hẳn lên. Thôn có 2 em đang học cao đẳng mầm non tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, 2 em đang học tại Trường Cao đẳng Nghề Việt - Hàn, 2 em đang học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, 25 em đang học tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng.

Chủ tịch xã Sơn Màu- Đinh Văn Lia hồ hởi rằng, hiệu quả của mô hình “nói không với rượu bia” đã được chứng minh, qua hơn 3 năm thực hiện, bộ mặt vùng cao Đắk Pao thay đổi hoàn toàn. “Mô hình đã tác động sâu đến ý thức người dân. Từ thành công ở Đắk Pao, chúng tôi sẽ lên kế hoạch nhân rộng mô hình này ra các thôn làng còn lại của xã”, ông Đinh Văn Lia, Chủ tịch UBND xã Sơn Màu nói.

Bây giờ, ở miền sơn cước xa xôi này đã không còn những ma men. Người Ca Dong chốn này đã biết chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là tiền đề cơ bản để địa phương thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 mà chính quyền địa phương đang hướng tới. 

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.