Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người dân ở Yang Tao mong một công trình nước sạch

Lê Hường - 06:13, 18/03/2024

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mnông ở xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa khô. Năm nay, tình trạng thiếu nước càng trầm trọng hơn, hầu hết người dân phải đến con suối cách nhà hàng cây số chở từng bình, can nước về sử dụng.

Mùa khô, nước suối cạn, dòng chảy nhỏ phải chờ lâu mới lấy được bình nước
Mùa khô, nước suối cạn, dòng chảy nhỏ phải chờ lâu mới lấy được bình nước

Hàng trăm hộ dân lên non lấy nước

Dưới cái nắng tháng 3 bỏng rát, hàng chục người dân lỉnh kỉnh chai, can, bình nhựa xếp hàng bên suối Dak Lôh The cách khu dân cư hàng cây số, thay nhau chờ lấy nước về dùng. Giữa mùa khô, con suối chỉ còn dòng chảy nhỏ chẳng vừa miệng chiếc can nhựa, phải đợi hàng chục phút đồng hồ mới đầy.

Giữa trưa, ì ạch vác can nước từ suối lên đường để mang về nấu ăn, uống cho cả gia đình, ông Do Na Ry (SN 1958) ở buôn Năm Pă, xã Yang Tao bảo: năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khô là giếng cạn nước, bà con lại kéo nhau vào suối lấy nước về sử dụng. Tình trạng này diễn ra nhiều năm rồi nên bà con ở đây cũng đã quen với việc này. Suối cách nhà khoảng hơn 1km, tôi chạy xe máy đến suối, rồi đi bộ ngược lên phía nguồn vài chục mét để lấy nước từ mạch chảy từ trong núi ra. Mỗi lần tôi chỉ chở được 30 lít, nhà tôi có đông người nên mỗi ngày phải đi lại suối nhiều lần để đảm bảo nước ăn, uống cho cả gia đình. Còn nước sinh hoạt tắm, giặt thì mọi người lại đi ra con suối cách nhà khoảng 500 - 600m.

Người dân Yang Tao thay nhau lấy nước rồi bê vác lên đường để mang về
Người dân Yang Tao thay nhau lấy nước rồi bê vác lên đường để mang về

Cùng cảnh ngộ, tay xách, nách mang nhiều can, chai, lọ, bình nhựa trước chờ đến lượt lấy nước, anh Y Niên Cil (SN 1982), trú buôn Biăp, xã Yang Tao cho biết: Nhà tôi ở cách suối Dak Lôh The hơn 4km nên mỗi lần đi tôi mang nhiều đồ để đựng. Tình trạng thiếu nước diễn ra nhiều năm rồi, để khắc phục gia đình tôi đã đào giếng sâu khoảng 9m, nhưng mùa mưa thì nước đục, còn mùa khô hết nước nên năm nào cũng phải ra suối lấy nước về dùng. Đi lấy nước ở xa như thế này vừa mất nhiều thời gian mà lại vất vả, có những hôm chúng tôi lái máy cày chở nước để sử dụng được nhiều ngày hơn.

Xã Yang Tao có 10 buôn, với hơn 9.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 96%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mnông. Cả xã hiện chỉ có buôn Cuôr Tak được sử dụng nguồn nước sạch, còn lại người dân ở các buôn khác phải sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Tuy nhiên, nước giếng ở nhiều buôn Dơng Yang, Năm Pă, Biăp bị nhiễm phèn và việc đào, khoan giếng gặp nhiều khó khăn do nên đất hay bị sụt lún. Vì vậy, hơn 600 hộ dân tại các buôn trên phải tìm đến suối Dak Lôh Teh để lấy nước suối về sử dụng.

Mong một công trình cung cấp nước

Thiếu nước sinh hoạt triền miên, người dân Yang Tao đã tìm nhiều giải pháp để khắc phục, song lực bất tòng tâm, họ chỉ mong có một công trình nước sinh hoạt tập trung để người dân giải cơn khát.

Bốn năm trước, gia đình bà H’In Long Ding (SN 1964), trú buôn Năm Pă chi 30 triệu đồng khoan giếng để phục vụ sinh hoạt, chỉ khoan được khoảng 20m thì phải dừng lại vì mũi khoan gặp quá nhiều đá lớn. Sau 1 năm thì giếng cũng bị sụt lún, gia đình bà đành chấp nhận thay phiên nhau vào suối Dak Lôh The lấy nước ăn, uống và sinh hoạt quanh năm.

Đồng bào MNông ở xã Yang Tao vất vả chở từng can, bình nước suối về ăn, uống
Đồng bào MNông ở xã Yang Tao vất vả chở từng can, bình nước suối về ăn, uống

Bà H’In Long Ding cho biết: Ở đây việc đào, khoan giếng là một thách thức đối với nhiều hộ dân vì tầng trên là đất cát, dưới nhiều đá to, nên đào giếng khoảng 6 - 7m là bị sụt lún, khoang giếng sâu hơn thì gặp những tảng đá to không để khoan sâu. Một số gia đình may mắn đào, khoan giếng thành công thì nước lại bị nhiễm phèn, có mùi hôi tanh chỉ dùng tắm, giặt. “Điều lo ngại là mùa khô, nước suối giảm, việc lấy nước gặp không ít khó khăn. Có năm, nước suối Dak Lôh Teh cạn kiệt, buộc người dân phải tìm đến các khe suối khác ở các vùng lân cận để lấy nước hoặc mua nước đóng bình mang về sử dụng”.

Trước đây, mỗi lần lấy nước tại suối Dak Lôh Teh, người dân dùng bẹ chuối để dẫn nước từ trong khe suối ra, rồi xếp hàng dài chờ đến lượt. Cách đây khoảng 10 năm, một hộ dân trên địa bàn đã bỏ tiền ra mua đường ống dẫn nước dài 30m để tiện cho bà con lấy nước.

Bà H’Loan Uông, Chủ tịch UBND xã Yang Tao chia sẻ: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên địa bàn nhiều năm nay. Chính quyền xã Yang Tao đã đăng ký công trình nước sạch tập trung cho 3 buôn gồm: Dơng Yang, Năm Pă, Dơng Guôl theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hiện nay, cấp trên đang xem xét và sắp tới sẽ đầu tư công trình nước sạch tập trung tại địa phương để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con. Thêm vào đó, tháng 10/2020 tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng hồ Buôn Biếp (thuộc dự án hồ chứa nước Yên Ngựa) ở dưới suối Dak Lôh The. Mặc dù, công trình đang tạm dừng thi công, nhưng thông tin địa phương nắm được thì sắp tới, công trình này sẽ tiếp tục được đầu tư, xây dựng.

Ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk cho hay: do không có nguồn nước để dẫn nên hiện nay xã Yang Tao chưa có hệ thống nước sạch. Huyện đã và đang đề nghị tỉnh tiếp tục thi công xây dựng hồ Buôn Biếp (thuộc dự án hồ chứa nước Yên Ngựa). Nếu công trình hồ Buôn Biếp hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con xã Yang Tao, mà còn đảm bảo việc tưới tiêu cho hơn 300ha lúa trên địa bàn hai xã Bông Krang và Yang Tao.


Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.