Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Người dân vùng cao Lào Cai tự nguyện giao nộp vũ khí vật liệu nổ

Trọng Bảo - 21:22, 03/11/2023

Nhiều năm nay, công tác quản lý, thu hồi vũ khí vật liệu nổ vẫn luôn được cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng, công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều giải pháp, hình thức để người dân nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn từ tàng trữ vũ khí tự chế, vật liệu nổ...., tự nguyện đến cơ quan công an giao nộp, góp phần ổn định an ninh trật tự nông thôn, miền núi.

Người dân huyện Si ma cai giao nộp vũ khí tự chế
Người dân huyện Si Ma Cai giao nộp vũ khí tự chế

Qua công tác tuyên truyền, vận động, ông Hảng Sì Pao cùng với nhiều người dân khác ở thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai đã tự giác mang nộp vũ khí tự chế của mình cho cơ quan chức năng. Tại đây, ông Pao và đông đảo người dân còn được tuyên truyền để biết thêm về việc vi phạm pháp luật khi cất giữ những vũ khí này.

“Được các anh công an xã về tuyên truyền, tôi đã hiểu và vận động bà con trong thôn, trong xã nhà nào có vũ khí thì mang đi giao nộp cho cơ quan chức năng. Vì nếu cất giữ trong nhà vừa gây nguy hiểm cho gia đình vừa vi phạm pháp luật”, ông Pao cho biết.

Hiện nay, ở một số địa phương, người dân lạm dụng loại súng tự chế để phục vụ việc săn bắn và kéo theo đó là những nguy hại khó lường tới sức khoẻ và tính mạng của con người. Đã có những vụ án mạng và những cái chết thương tâm gây ra bởi loại vũ khí này.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng vũ khí tự chế đã gây nhiều hậu quả đáng tiếc trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian vừa qua. Điển hình như vụ việc xảy ra vào tháng 3/2019 khi đang đi làm ở trên nương, Giàng A Dơ, Cư A Mạnh, và Hoàng A Lù cùng trú tại thôn Nậm Trang, xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn nghe thấy tiếng khỉ kêu, nên chia nhau đi săn, thấy bụi cây phía trước có tiếng động, tưởng là thú rừng nên Giàng A Dơ đã nổ súng, sau đó phát hiện ông Lù nằm bất động, người dính nhiều vết thương và tử vong sau đó. 

Vào tháng 1/2021, vụ việc Giàng A Tăng, trú tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa do uống rượu say, đã sử dụng súng kíp bắn bị thương vợ là chị Sùng Thị Me. Hậu quả, chị Me bị 15 viên đạn bi găm trên cơ thể, tổn hại 50% sức khỏe…

Phát tờ rơi tuyên truyền về các quy định Pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ cho người dân vùng cao
Cán bộ chiến sĩ công an phát tờ rơi tuyên truyền về các quy định Pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ cho người dân vùng cao

Thực tế hiện nay cho thấy các hành vi tự chế tạo súng, mua bán và sử dụng súng trong đời sống xã hội không phải vấn đề mới phát sinh mà thực trạng này đã có từ lâu. Việc chế tạo và sử dụng súng xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau như để đi săn, để phòng thân hoặc để sử dụng vào những mục đích bất hợp pháp khác. Bởi vì hành vi chế tạo, mua bán và sử dụng súng tiềm ẩn những nguy cơ cao có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người; gây bất ổn trong xã hội nên pháp luật quy định việc chế tạo, sử dụng, mua bán súng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Với tập quán canh tác cũng như phong tục bao đời nay của đồng bào vùng cao khi đi làm nương rẫy, đều mang theo bên mình một khẩu súng tự chế, vừa để bảo vệ bản thân, vừa để săn bắn thú rừng, bảo vệ mùa màng, nương rẫy. Muốn thay đổi tập tục này, không chỉ thực hiện trong ngày một, ngày hai. 

Vì vậy, lực lượng Công an các cấp đã chủ động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, tranh, pano, áp pích, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại các buổi họp thôn, phiên chợ… Từ đó, mỗi người dân khi đã hiểu về sự nguy hiểm của việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ là những tuyên truyền viên đến với gia đình, cộng đồng.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để thu hồi vũ khi trong Nhân dân
Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để thu hồi vũ khi trong Nhân dân

Thượng tá Hoàng Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Lào Cai cho biết: Để công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đạt kết quả, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng súng tự chế tồn tại trong Nhân dân, cần có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an cơ sở và sự đồng tình ủng bộ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp tuyên truyền, vận động để người dân hiểu các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ; về tác hại khi sử dụng vũ khí, vật liệu nổ đối với gia đình và sự nguy hiểm cho xã hội.

Ngoài ra, lực lượng công an còn phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, đội ngũ những Người có uy tín, già làng, trưởng thôn, trưởng bản tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thêm kiến thức, hiểu biết về pháp luật. Thông qua các buổi tiếp xúc với nhân dân, lực lượng công an cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biên giới, từ đó góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới.

Lực lượng công an đến từng nhà dân để thu hồi vũ khí, vật liệu nổ
Lực lượng công an đến từng nhà dân để thu hồi vũ khí, vật liệu nổ

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2023 toàn tỉnh Lào Cai đã thu hồi được trên 1.000 vũ khí, vật liệu nổ các loại. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.