Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng giữa cộng đồng

Người “đánh thức” sử thi Hà Nhì

Nhật Minh - 21:44, 12/06/2024

Đã từng một thời đắm chìm trong làn khói của “nàng tiên nâu”, đẩy cả gia đình vào bờ vực thẳm, nhưng rồi người đàn ông dân tộc Hà Nhì đã bừng tỉnh, quyết tâm cai nghiện thành công. Rồi ông đi khắp các bản làng vùng cao để sưu tầm, ghi chép những bài hát, điệu múa, những áng sử thi của người Hà Nhì để truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ trò chuyện với các học viên lớp truyền dạy văn hóa dân gian dân tộc Hà Nhì tại xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ trò chuyện với các học viên lớp truyền dạy văn hóa dân gian dân tộc Hà Nhì tại xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu

Bĩ cực bởi “nàng tiên nâu”

Nghệ nhân Pờ Lóng Tơ (sinh năm 1955), nhà ở bản Mù Cả, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu kể cho chúng tôi nghe về những ký ức buồn không thể nào quên. Pờ Lóng Tơ hồi tưởng lại, khi xưa Mường Tè vẫn còn heo hút. Quanh bản còn thấy vết chân hổ nhiều hơn dấu chân người. Từ nhỏ, Pờ Lóng Tơ đã được tiếp cận với nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng - những sinh hoạt mà theo mô tả của ông thì chỉ có những gia đình giàu có, quyền quý mới có thể tổ chức được, trong đó có những đêm hát kể P’huỳ Ca Na Ca.

Pờ Lóng Tơ tham gia vào quân ngũ với vai trò là lính trinh sát. Năm 1976, ông ra quân trở về làm Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Tè. Năm 1989, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái nheo nhóc nên ông quyết định xin nghỉ việc để lui về sản xuất, chăm lo cho gia đình. Thế nhưng, chính bước ngoặt này đã đưa đẩy ông dính vào ma túy khiến gia đình rơi vào tận cùng khổ cực. Mọi đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo làn khói thuốc. Dù nhận thức được việc dính vào ma túy là đẩy gia đình đến bờ vực thẳm, nhưng bao lần quyết tâm cai nghiện, ông Tơ vẫn chưa chiến thắng được bản thân…

Pờ Lóng Tơ là nghệ nhân văn hóa của người Hà Nhì, ông đã chủ trì các lớp truyền dạy về văn hóa dân gian của người Hà Nhì do tỉnh tổ chức ở các xã trên địa bàn huyện; hướng dẫn các xã bản duy trì các lễ, tết, hội hàng năm. Từ những nỗ lực đó, năm 2019, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú”.

Ông Nguyễn Trọng Hiến, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lai Châu

“Trận chiến đấu” cuối cùng với bản thân là lần ông Pờ Lóng Tơ quyết định đưa cả nhà vào rừng sâu để quyết tâm cai nghiện. “Tôi nói với vợ con, những lúc tôi lên cơn nghiện thì cứ trói chân tay lại, chờ tôi qua cơn vật vã rồi sẽ hết. Sau đó, tôi lên nương phát cây, làm cỏ… quần quật từ sáng đến tối cho quên đi cơn nhớ thuốc. Vậy mà dần dần, tôi đã cai nghiện thành công. Niềm vui không thể nào tả xiết”, nghệ nhân Pờ Lóng Tơ nhớ lại.

Đi tìm Sử thi P’hùy Ca Na Ca

Trở lại cuộc sống bình thường, Pờ Lóng Tơ nhớ lại những bài hát, điệu múa dân gian, đặc biệt là Trường ca “Xa Nhà Ca” (hay Sử thi P’hùy Ca Na Ca) thời xưa mà cha của ông và các bậc cao niên đã diễn xướng trong những đêm hội của người Hà Nhì. Ông nhận thấy trước đây, trường ca chủ yếu được lưu giữ bằng lối truyền khẩu, vì vậy theo thời gian, nhiều trường đoạn, cốt truyện bị mai một dần. Lo lắng nét văn hóa tiêu biểu của người Hà Nhì sẽ bị thất truyền, ông Pờ Lóng Tơ bắt đầu đi tìm gặp những người già trong vùng để ghi chép lại cẩn thận những gì họ nhớ, họ đọc cho nghe. Trong nhiều năm đi sưu tầm, ông đã ghi chép lại được 932 câu với 28.903 từ trong Trường ca “Xa Nhà Ca”.

Đánh cầu lông gà, môn thể thao truyền thống được người Hà Nhì yêu thích trong các ngày lễ, Tết
Đánh cầu lông gà, môn thể thao truyền thống được người Hà Nhì yêu thích trong các ngày lễ, Tết

Không chỉ đi sưu tầm, nghệ nhân Pờ Lóng Tơ còn cộng tác với các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng tiến hành ghi âm, phiên âm, dịch nghĩa, phát hành các ấn phẩm về Trường ca “Xa Nhà Ca”. Ông cũng sáng tác thêm hàng nghìn câu ca, bổ sung cho pho sử sống được viết bằng thơ của người Hà Nhì. Đồng thời, phối hợp nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản 3 tác phẩm gồm: “Tập quán quản lý và khai thác rừng, đất rừng, nguồn nước của dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè - Lai Châu” (năm 2008); Trường ca “Xa Nhà Ca” của người Hà Nhì (năm 2009); Sử thi “P’hùy Ca Na Ca” dân tộc Hà Nhì huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (năm 2011).

Theo nghệ nhân Pờ Lóng Tơ giải thích, Sử thi “P’huỳ Ca Na Ca” là một pho sử được lưu giữ bằng thơ ca có tác dụng kết nối hiện tại với quá khứ, để cho con cháu Hà Nhì hôm nay hiểu biết sâu sắc về lịch sử dân tộc mình. Nhưng ông cũng trăn trở làm sao có thể bảo tồn được Sử thi “P’huỳ Ca Na Ca” trong cộng đồng người Hà Nhì. Mặc dù trong nhiều năm qua, ông đã nỗ lực hết mình trong việc sưu tầm, nghiên cứu, phát hành các ấn phẩm di sản văn hóa của người Hà Nhì. Nhưng với ông như thế là chưa đủ. Điều ông mong mỏi là làm sao để có được truyền nhân, tiếp tục lưu giữ “P’huỳ Ca Na Ca” sau khi ông nhắm mắt xuôi tay.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận quan tâm chăm lo đội ngũ Người có uy tín

Ninh Thuận quan tâm chăm lo đội ngũ Người có uy tín

Lời nói luôn đi đôi với việc làm, những năm qua, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận đã và đang trở thành những tấm gương sáng trong cộng đồng. Những đóng góp của Người có uy tín đã góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.