Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nhà dân tộc học nặng lòng với văn hóa Thái

PV - 11:08, 17/11/2021

Là Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm văn hóa nước ngoài của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN), Tiến sĩ Vi An đặc biệt quan tâm đến văn hóa và xã hội của người Thái ở Việt Nam. Ông là tác giả cuốn sách “Người Thái ở miền Tây Nghệ An” (Nhà Xuất bản Thế giới phát hành năm 2017) và là đồng tác giả của hơn 30 cuốn sách, tác giả của hơn 50 bài viết đăng trên các tạp chí; chủ trì xây dựng 3 ngôi nhà dân gian: Thái, Mông, Hà Nhì tại Khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng DTHVN. Ông cũng đã từng tham gia nhiều cuộc hội thảo dân tộc học và bảo tàng học trong nước và quốc tế.

Tiến sĩ Vi An tại phòng làm việc. Ảnh: Ngọc Ánh
Tiến sĩ Vi An tại phòng làm việc. Ảnh: Ngọc Ánh

Mới đây, trong dịp về công tác tại một huyện miền núi Nghệ An, khi tôi đề cập đến một số vấn đề liên quan đến lịch sử văn hóa một ngôi đền người Thái ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), ông Lương Viết Thoại, một trí thức người dân tộc Thái ở Quỳ Hợp khẳng định: “Viết về vấn đề này phải người có trình độ cao như Tiến sĩ Vi An thì mới đủ sức thuyết phục. Mấy năm trước, Tiến sĩ Vi An về Quỳ Hợp để đi điền dã, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa người Thái bản địa, tôi và Nghệ nhân Ưu tú Sầm Bình đã đưa Tiến sĩ Vi An đi vào các bản làng vùng sâu, vùng xa để khai thác, thu thập những tư liệu sống về văn hóa Thái. Vi An có phông nền kiến thức dân tộc học uyên bác mà tính cách thì giản dị, hay lắm”.

Lời nhận xét đầy thiện chí của ông Lương Viết Thoại đã thôi thúc tôi trở lại Bảo tàng DTHVN tìm gặp Tiến sĩ Vi An để nghe ông chia sẻ về công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa. Trên tầng 2 khu làm việc của cán bộ Bảo tàng DTHVN, phòng làm việc của Tiến sĩ Vi An có một giá đựng khá nhiều sách quý và một bộ máy vi tính đơn sơ, giản dị như bản tính của người làm nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Vi An cho biết, hơn 30 năm qua, từ một cử nhân lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trở thành Tiến sĩ dân tộc học; từ một nghiên cứu viên của Viện Dân tộc học trở thành nghiên cứu viên chính kiêm Thư ký Hội đồng Khoa học của Bảo tàng DTHVN, không năm nào, ông không trở về quê hương miền Tây Nghệ An. Khi thì ông về thực hiện những chuyến điền dã có mục tiêu, nghiên cứu, sưu tầm hiện vật phục vụ trưng bày; khi thì về vì chuyện gia đình.

Trong lời giới thiệu về cuốn sách của Tiến sĩ Vi An, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc của Bảo tàng DTHVN có viết: "Chính từ những cơ hội ngồi hàn huyên với các cụ già, các lão thành cách mạng, với anh em họ hàng, bạn bè người Thái trong không gian văn hóa - xã hội của mình, ông chọn được một hướng tiếp cận riêng và kiên trì theo đuổi sự lựa chọn của mình. Sự lựa chọn đó chính là nghiên cứu về người Thái trong không gian văn hóa - xã hội ở miền Tây Nghệ An". Cụ thể là không gian đa dạng các nhóm địa phương của người Thái được hình thành từ những điều kiện lịch sử khác nhau. Đó còn là tính đa dạng văn hóa Thái từ sự tiếp biến văn hóa trên con đường di cư cả ngàn năm. Đó cũng chính là những kinh nghiệm sống, phương thức mưu sinh, những nét văn hóa xã hội, tinh thần và tâm linh tạo nên bản sắc riêng mà người Thái dù ở đâu vẫn giữ gìn và nối tiếp.

Tất cả không gian văn hóa đó được Tiến sĩ Vi An đưa vào cuốn sách “Người Thái ở miền Tây Nghệ An” dày gần 400 trang với 10 chương gồm: “Thiên nhiên và con người”; “Khái quát về người Thái ở miền Tây Nghệ An”; “Nông nghiệp trồng trọt”; “Các hoạt động kinh tế khác”; “Văn hóa vật chất”; “Văn hóa xã hội”; “Dòng họ, hôn nhân, gia đình”; “Các phong tục trong chu kỳ đời người”; “Văn hóa tâm linh” và “Văn học, nghệ thuật dân gian và chữ viết”.

Tiến sĩ Vi An (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các đồng nghiệp về văn hóa dân tộc Thái, năm 2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tiến sĩ Vi An (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các đồng nghiệp về văn hóa dân tộc Thái, năm 2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài những công trình nghiên cứu về người Thái, Tiến sĩ Vi An cũng đã có nhiều đợt đi điền dã, nghiên cứu và viết bài công bố trên các tạp chí khoa học về về người Rục ở Quảng Bình, người Ơ Đu, người Khơ Mú ở Nghệ An. Năm 1998, Bảo tàng DTHVN chủ trương xây dựng khu trưng bày ngoài trời, Tiến sĩ Vi An là người chủ trì việc khảo sát, sưu tầm và phục dựng 3 ngôi nhà truyền thống của người Thái Đen (Thuận Châu, Sơn La), người Mông (Mù Cang Chải, Yên Bái) và người Hà Nhì (Y Tý, Lào Cai); đồng thời, tham gia thực hiện quá trình phục dựng các ngôi nhà người Tày, người Chăm và nhà dài Ê Đê.

Năm 2006, Bảo tàng DTHVN xây dựng khu nhà trưng bày văn hóa các nước Đông Nam Á, Tiến sĩ Vi An lúc này đang là Trưởng phòng Đông Nam Á nên trách nhiệm vô cùng nặng nề. Ông góp phần không nhỏ trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chuyến đi nghiên cứu, sưu tầm hiện vật văn hóa của 10 nước Đông Nam Á mang về phục vụ trưng bày văn hóa Đông Nam Á tại Bảo tàng DTHVN, khai trương tháng 11-2013.

Hiện nay, Tiến sĩ Vi An tích cực phối hợp với một số viện nghiên cứu, cơ quan tại Hà Nội, tham gia các đề tài nghiên cứu về các dân tộc thiểu số. Ông cũng đang ấp ủ viết tiếp một cuốn sách về nghiên cứu tri thức dân gian của người Thái ở miền Tây Nghệ An, phục vụ du lịch cộng đồng và phát triển bền vững. “Đây là trách nhiệm và tình cảm của tôi để đáp lại lòng mong muốn, sự tin yêu của bà con người Thái trên quê hương tôi” - Tiến sĩ Vi An chia sẻ.