Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Dao đỏ ăn cơm mới

PV - 10:46, 19/10/2020

Gió thu hây hẩy, thốc khói lãng đãng trên nền trời xanh. Sin Suối Hồ mang một màu bình yên và no ấm của mùa thu hoạch. Đây cũng là thời điểm bà con người Dao ăn lúa mới.

Chiều xuống, lũ trẻ dẫn trâu thủng thẳng trở về
Chiều xuống, lũ trẻ dẫn trâu thủng thẳng trở về

Nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 30km, xã Sin Suối Hồ thuộc địa phận của huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây, có đông đồng bào dân tộc Dao, dân tộc Mông sinh sống.

Mùa này không khí mát lạnh đang tràn ngập khắp sườn núi, lưng đèo bạt ngàn cây xanh của Sin Suối Hồ. Dọc con đường đi vào xã, những khoảnh ruộng bậc thang thửa trơ gốc rạ, thửa vàng óng những bông lúa vàng trĩu hạt nhà ai gặt dở. Có những khoảnh, bà con người Dao đang vun gốc, đốt rạ. Gió thu hây hẩy, thốc khói lãng đãng trên nền trời xanh. Sin Suối Hồ mang một màu bình yên và no ấm của mùa thu hoạch. Đây cũng là thời điểm bà con người Dao ăn lúa mới.

Ở mỗi mỗi nếp nhà trình tường, rặt một màu xanh cốm của rơm. Rơm phủ đống trước sân, phơi hai bên đường, hoặc bó lọn, xếp ngay ngắn, thẳng hàng trên các chòi lá. Mùi ngai ngái của đất ẩm, mùi ngòn ngọt của rơm mới, cả mùi thơm phức của bánh nếp nhà nào đó đang giã, khiến bước chân đi đường bất giác xốn xang. 

Những thửa ruộng trơ gốc rạ mang sau thu hoạch
Những thửa ruộng trơ gốc rạ mang sau thu hoạch

Ăn cơm mới, người Dao sẽ nấu xôi, giã bánh dày. Nhưng mỗi nhà sẽ tổ chức vào từng thời điểm khác nhau. Có khi đó là lúc lúa đang thời chín rộ, chọn được ngày đẹp, người chủ gia đình sẽ đến thửa ruộng nhà mình, chọn mươi bông đẹp nhất, mẩy nhất mang về nấu cùng với cơm mùa cũ cúng tổ tiên. Nhưng cũng có khi đó là lúc lúa mới được gặt về, phơi hong cẩn thận, cất trong bao. Chọn đúng ngày con Rồng, bà con mới đem ra ăn lúa mới. Anh Chẻo Quẩy Hòa, người Dao ở bản Chung Hồ bảo, dù ở thời điểm nào, ăn lúa mới cũng là dịp gia đình người Dao bày tỏ lòng mình với tổ tiên, với thần lúa đã phù trợ cho họ có được mùa no.

"Ăn lúa mới là tôn trọng thần lúa. Để sang năm có mùa bội thu hơn. Thịt gà, thịt lợn, xôi. Chọn bông lúa đẹp nhất, mời thần lúa về ăn cùng".

Cũng bởi quan niệm vạn vật hữu linh mà người Dao ở Sin Suối Hồ có tín ngưỡng hồn lúa, coi thần lúa là linh hồn của sự sống. Có được sự bảo trợ của thần, mùa màng mới tốt tươi. Để nhớ công ơn, đến mùa thu hoạch, bà con làm lễ ăn lúa mới tạ ơn thần.

"Miếng đầu tiên người ta không ăn. Thường cho con chó hay con mèo ăn. Gọi là gửi gắm điều xui xẻo, con vật nó đeo hết cho mình".

Hầu hết người Dao ở Sin Suối Hồ đều làm nông nghiệp, với cây trồng chính là lúa nương. Lúa được coi là linh hồn trong lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân cư khu vực này. Nhiều lễ hội cổ truyền sản sinh từ truyền thống trồng cây lúa của bà con, trong đó có lễ ăn lúa mới!./.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.