Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người giữ hồn nhạc cụ Jrai

Lương Định - 11:22, 11/12/2019

Hiện nay ở Gia Lai, nghệ nhân Rơ Châm Til được xem là người giữ hồn và thổi hồn vào các loại nhạc cụ truyền thống của cộng đồng dân tộc Jrai, bởi sự đam mê và tài hoa trong cả trình diễn lẫn chế tác.

Nghệ nhân Rơ Châm Til (bên trái) đang hướng dẫn một du khách nước ngoài sử dụng nhạc cụ truyền thống Jrai
Nghệ nhân Rơ Châm Til (bên trái) đang hướng dẫn một du khách nước ngoài sử dụng nhạc cụ truyền thống Jrai

Sinh ra và lớn lên ở làng Jút, xã Iadêr, huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai, tuổi thơ của Rơ Châm Til luôn đắm mình trong các lễ hội với âm thanh cồng, chiêng và các loại nhạc cụ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, dân tộc Jrai nói riêng. Chính không gian lễ hội và âm nhạc ấy đã mê hoặc, cuốn hút Rơ Châm Til sớm tìm đến các bậc nghệ nhân trong vùng để học cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống như đàn T’rưng, đàn goong, đàn glơng glơh, sáo bru… 

 Được trời phú cho khả năng cảm thụ và đam mê âm nhạc, ông Rơ Châm Til cùng lúc vừa học cách sử dụng, vừa học cách chế tác các loại nhạc cụ một cách thuần thục chỉ trong một thời gian ngắn. 

 Năm 1991, khi tròn 18 tuổi (sinh năm 1973), Rơ Châm Til lần đầu tiên bước lên sân khấu tỉnh Gia Lai để trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống trước công chúng và được đón nhận thật nồng nhiệt. Cũng trong năm đó, Rơ Châm Til nhập ngũ và trở thành chiến sĩ văn nghệ của lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai. Đây được xem là một bước ngoặt, tạo cho Rơ Châm Til có nhiều cơ hội tham gia trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Với tài trình tấu điêu luyện, hai năm trong quân ngũ Rơ Châm Til đã được mời tham gia rất nhiều hội diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.

Tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng Lực lượng vũ trang Quân khu 5, năm 1992, Rơ Châm Til đã đoạt Huy chương Vàng đầu tiên trong đời, với tiết mục trình tấu đàn T’rưng nhạc phẩm “Mừng chiến thắng Chư pah Jút”. Phần thưởng ghi nhận bước đầu gặt hái thành công ấy là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ Rơ Châm Til tự tin hơn vào sự theo đuổi trên con đường nghệ thuật của mình.

Sau khi rời quân ngũ trở về làng, từ năm 1993 cho tới nay, Rơ Châm Til tiếp tục phát huy khả năng diễn tấu các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Jrai, tham gia rất nhiều hội diễn ở khu vực và toàn quốc, liên tục gặt hái những thành công với hơn 10 Huy chương Vàng, 20 Huy chương Bạc cùng nhiều phần thưởng khác.

Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất, đáng tự hào nhất, đối với Rơ Châm Til chính là được tham gia vào các đoàn nghệ thuật, đem các loại nhạc cụ truyền thống do chính tay mình chế tác đi biểu diễn, quảng bá ở các nước: Úc, Phần Lan, Thụy Điển, Lào, Campuchia… tạo được ấn tượng với khán thính giả quốc tế. 

Từ cuối những năm 90, ngoài việc tham gia trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống, ông Rơ Châm Til đã mở lớp dạy sử dụng và chế tác nhạc cụ miễn phí cho các thanh, thiếu niên yêu thích đàn hát trong vùng.

Tất cả các học trò đều được nghệ nhân Rơ Châm Til truyền dạy một cách bài bản, tỷ mỷ từng thao tác, từ cách sử dụng các loại nhạc cụ đến cách chế tác. Đến nay đã có hàng chục học trò là người Jrai vừa sử dụng thuần thục, vừa chế tác được những nhạc cụ rất tinh xảo, đẹp về hình thức, chuẩn về âm thanh. Những học trò sau khi đã thạo nghề, những ai có nhu cầu về việc làm, đều được Rơ Châm Til nhận vào làm tại xưởng chế tác nhạc cụ và đồ mỹ nghệ của gia đình mình.

Theo đánh giá của già làng, cách truyền dạy của Rơ Châm Til đã góp phần vừa đào tạo ra những hạt nhân văn nghệ, truyền đạt bảo tồn, phục dựng các hoạt động văn nghệ có nguy cơ bị lãng quên, vừa chế tác bảo tồn được một số nhạc cụ có xu hướng mai một dần như đàn: T’rưng, sáo bru (sáo dọc), knik, đàn goong, đinh pơng… 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.