Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Lô Lô đầu tiên trở thành Tiến sĩ, Nhà dân tộc học

Lương Định - 18:40, 01/05/2021

Với 40 năm tâm huyết sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người, Tiến sĩ Lò Giàng Páo, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học (Ủy ban Dân tộc) đã có nhiều công trình được công bố, xuất bản, tạo được dấu ấn, tiếng vang trong nước và quốc tế. Ông cũng là vị Tiến sĩ, Nhà dân tộc học đầu tiên của người Lô Lô.

Tiến sĩ Lò Giàng Páo trong một lần đi điền dã tại vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai)
Tiến sĩ Lò Giàng Páo trong một lần đi điền dã tại vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai)

Người Lô Lô đầu tiên có học vị Tiến sĩ

Cũng như nhiều người DTTS sinh ra và lớn lên ở miền núi, chuyện đi học, vượt khó vươn lên để có học vị Tiến sĩ, trở thành nhà khoa học uy tín như ngày nay là cả một chặng đường gian truân, nỗ lực không ngừng của Tiến sĩ Lò Giàng Páo.

Năm 1981, ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử (chuyên ngành Dân tộc học), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội), Lò Giàng Páo may mắn được phân công về công tác ở Viện Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam. Được làm việc đúng ngành học ở một môi trường thuận lợi, ông nhanh chóng phát huy được sở trường của mình.

Những năm tháng thời bao cấp tuy thiếu thốn, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, để lên tới Mèo Vạc (Hà Giang) quê hương ông, có khi phải đi mất vài ngày, nhưng với niềm đam mê và tình yêu văn hóa dân gian của dân tộc mình, Lò Giàng Páo vẫn nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiều chuyến đi điền giã, ghi chép công phu hàng loạt câu chuyện cổ Lô Lô được lưu truyền trong dân gian. Kết quả của những chuyến đi điền dã và công phu biên dịch đầy gian khó ấy là tập sách đầu tay “Truyện cổ Lô Lô” 200 trang, được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc” in, phát hành vào năm 1983.

Người Lô Lô đầu tiên trở thành Tiến sĩ, Nhà dân tộc học 1

Tập “Truyện cổ Lô Lô”, sau khi phát hành đã tạo được dấu ấn và được tái bản nhiều lần, là một đóng góp đáng kể của ông trong sưu tầm, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô.

Nói về tập “Truyện cổ Lô Lô”, ông cho biết: “Tôi từ thuở nhỏ đã may mắn được nghe các cụ kể rất nhiều những câu chuyện cổ ly kỳ hấp dẫn, đậm chất nhân văn truyền miệng trong dân gian. Tôi say sưa nghe và cốt truyện đã thấm vào máu thịt từ thuở ấy. Sau này, trong những chuyến đi điền dã trở về quê hương Mèo Vạc (Hà Giang), tôi đã dành thời gian sưu tầm, ghi chép lại và biên soạn thành cuốn truyện đó. Tôi coi đây là một sự đóng góp ban đầu nho nhỏ cho kho tàng văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa của đồng bào mình”.

Thành công ban đầu của tập “Truyện cổ Lô Lô” như một cú hích khích lệ khiến ông tự tin hơn và bắt đầu dành thời gian và tâm sức đi sâu vào nghiên cứu để hoàn thành luận văn Tiến sĩ về đề tài “Trống đồng cổ với các tộc người ở Hà Giang” dưới góc độ dân tộc học. Bằng những tư liệu thực tế, công phu, phong phú và luận cứ khoa học có tính phát hiện đầy thuyết phục, ông đã bảo vệ thành công luận án, trở thành người Lô Lô đầu tiên có học vị Tiến sĩ vào năm 1995.

Dành hết tâm huyết để bảo tồn văn hóa dân tộc

Một thời gian dài dù ở những cương vị công tác khác nhau, nhưng Tiến sĩ Lò Giàng Páo luôn dành thời gian nghiên cứu nhiều công trình khoa học một cách có hệ thống, công phu về văn hóa dân tộc Lô Lô và nhiều dân tộc khác từ vùng núi phía Bắc, tới miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Bằng uy tín và đóng góp của ông trong lĩnh vực nghiên cứu dân tộc, năm 1998, Tiến sĩ Lò Giàng Páo đã vinh dự được kết nạp vào Hội Khoa học Công nghệ Quốc tế về dân tộc tại Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc). Từ đó đến nay, các cuộc hội thảo quốc tế về dân tộc, ông đều được mời tham dự, với hơn 10 lần trình bày tham luận đều giới thiệu, quảng bá văn hóa các dân tộc Việt Nam với bạn bè và các nhà khoa học trên thế giới.

Đặc biệt năm 2010, ông được Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây phong học hàm Giáo sư danh dự. Từ đó hằng năm, ông thường sang giảng bài tại Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây, một số viện nghiên cứu ở Quảng Tây và tại Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam (Trung Quốc)...

Tiến sĩ Lò Giàng Páo dành thời gian nghiên cứu công phu về văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô ở Hà Giang quê ông. (Trong ảnh: Nét đẹp đời thường của phụ nữ Lô Lô, làng Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh Sơn Tùng)
Tiến sĩ Lò Giàng Páo dành thời gian nghiên cứu công phu về văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô ở Hà Giang quê ông. (Trong ảnh: Nét đẹp đời thường của phụ nữ Lô Lô, làng Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh Sơn Tùng)

Ngoài những công trình nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Lò Giàng Páo còn xuất bản nhiều tập sách sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu giới thiệu về đặc điểm văn hóa, đặc điểm tộc người, hình thái kinh tế, xã hội được đánh giá cao. Đó là những cuốn: “Tìm hiểu văn hóa vùng các dân tộc Việt Nam (1997); “Hoa văn trên trống đồng” (2007); “Trường ca Lô Mi Pho” (2002); “Trở về nguồn” (2006); “Dân ca trong lễ hội của người Lô Lô” (2004)… Tất cả những tác phẩm này đã được tặng thưởng giải Nhì, giải Ba của Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam.

Ở tuổi 65, Tiến sĩ Lò Giàng Páo vẫn say sưa nghiên cứu, vẫn tham gia các cuộc hội thảo trong nước cũng như quốc tế. Hiện nay, Tiến sĩ Lò Giàng Páo vẫn tham gia Ủy viên Thường vụ và Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân tộc.

Ghi nhận những cống hiến của Tiến sĩ Lò Giàng Páo trong lĩnh vực nghiên cứu dân tộc học, tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu các DTTS toàn quốc năm 2017 do Ủy ban Dân tộc tổ chức, ông đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).