Nghi lễ quan trọng nhất trong đời người Si La
Dân tộc Si La là một trong bốn dân tộc có số dân dưới 10.000 người của tỉnh Lai Châu (Mảng, Cống, Lự và Si La). Hiện nay, người dân tộc Si La sinh sống tập trung ở 2 bản Seo Hai và Sì Thâu Chải của xã Kan Hồ, huyện Mường Tè với dân số hơn 600 người. Trước kia, người Si La cư trú ở bên kia sông Đà, sống dựa vào rừng và kĩ thuật canh tác nông nghiệp lạc hậu nên đời sống rất bấp bênh, khó khăn.
Từ khi bản làng của dân tộc Si La được dời về nơi tái định cư ở xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp cho cuộc sống của người dân Si La nơi đây có nhiều khởi sắc.
Giờ đây, tình trạng hộ nghèo trong đời sống người Si La đã dần được đẩy lùi. Nhờ có Nông thôn mới, những con đường mòn dẫn vào bản Seo Hai và Sì Thâu Chải trước kia, nay đã được thay bằng các trục đường nhựa và bê tông. Bà con cũng đã mua sắm được những vật dụng có giá trị như ti vi, tủ lạnh, xe máy…Cùng với điều kiện sống được nâng cao, người Si La đang dần hòa nhập với cộng đồng các dân tộc trong vùng.
Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện Mường Tè đã và đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực, kiến thức cho các tầng lớp cán bộ, Nhân dân về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn.
Do người Si La không có chữ viết riêng nên việc lưu truyền vốn văn hóa dân gian chủ yếu được thực hiện qua hình thức truyền miệng của các nghệ nhân cao tuổi. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Tè đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Kan Hồ, tổ chức phục dựng những nghi lễ truyền thống của người Si La, đồng thời sử dụng chữ phổ thông, các thiết bị nghe, nhìn để ghi lại những bài dân ca, điệu múa của người Si La, những nghi lễ truyền thống trong đó có phong tục cưới. Bởi thế, hiện nay, người Si La vẫn còn lưu giữ được những nghi lễ truyền thống đẹp của dân tộc mình.
Tiêu biểu trong các nghi lễ truyền thống luôn được người Si La duy trì thực hiện là, nghi lễ trong đám cưới. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong chu kỳ vòng đời của người Si La được lưu truyền đến ngày nay.
Cũng như một số dân tộc khác, mùa cưới của người Si La thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch. Đây là thời điểm nông nhàn khi mùa màng đã thu hoạch xong, thóc lúa đã chất đầy bồ, đồng bào sửa sang nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới và dựng vợ, gả chồng cho con cái.
Theo phong tục của người Si La, trai, gái từ 14 - 15 tuổi trở lên đã được coi là người lớn và bắt đầu quá trình tìm hiểu, xây dựng gia đình. Ngày nay, độ tuổi xây dựng gia đình của người Si La đã được nâng lên, theo kịp với các dân tộc khác.
Bà Hù Thị Xuân, nghệ nhân dân gian, già làng có uy tín của bản Seo Hai, xã Kan Hồ, cho chúng tôi biết, hiện nay, các nghi lễ tổ chức đám cưới của người Si La đã được giản lược đi so với trước rất nhiều. Tuy nhiên, trong các nghi thức cưới hỏi của người Si La, đồng bào vẫn luôn ý thức thực hiện một số nghi lễ một cách trang trọng như: “Dạm hỏi”, “dạm ngõ” và “lễ cưới”, trong đó “lễ cưới” là một nghi lễ đặc biệt.
Cũng theo nghệ nhân Hù Thị Xuân, trước đây, người dân tộc Si La sống tách biệt với các dân tộc khác nên không có cơ hội để tìm bạn đời là người khác dân tộc, và cũng không ai vượt qua được rào cản về mặt tâm lý để kết hôn với những dân tộc khác trên địa bàn lân cận. Do vậy, người Si La cũng không tránh khỏi vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, hiện nay hủ tục này đã và đang tiếp tục được đẩy lùi. Lớp thanh niên, nam, nữ đã hiểu biết và tìm hiểu và kết hôn với người dân tộc khác.
Độc, lạ phong tục cưới hỏi
“Điều đặc biệt ở lễ cưới Si La là đồng bào làm lễ cưới hai lần, lần thứ hai sau lần trước khoảng một năm. Nhà trai phải có khoản tiền cưới trao cho nhà gái mới được đón dâu về nhà mình”- nghệ nhân Hù Thị Xuân chia sẻ.
Theo phong tục của người Si La, trước ngày cưới, gia đình nhà trai làm cơm mời ông mối – Người có uy tín trong bản về giúp gia đình trong việc cưới của đôi trẻ. Người Si La rất coi trọng ông mối. Họ tin ông mối chính là khởi nguồn cho mọi sự thuận lợi, giúp hai nhà trai - gái thấu hiểu nhau; giúp đôi trẻ có thể chung sống hòa thuận trọn đời.
Trong lễ dạm hỏi, đúng giờ lành, ông mối đảm nhận vai trò là người thay mặt cho gia đình nhà trai, đến thưa chuyện, bàn bạc các công việc liên quan đến đám cưới với gia đình nhà gái như: Ngày đẹp để tổ chức lễ cưới, giờ đẹp để đón dâu, những lễ vật nhà gái yêu cầu...
Sau lễ dạm ngõ một tuần là đến lễ ăn hỏi. Ngày ăn hỏi, ông mối lại thay mặt nhà trai sang đặt vấn đề và xin cưới. Lúc đó, hai bên gia đình sẽ thống nhất ngày cưới cũng như số tiền dẫn cưới. Trong ngày cưới, ông mối lại là người giúp gia đình nhà trai chuẩn bị lễ vật. Lễ vật cầu hôn của nhà trai thường phải có gà, rượu, gạo nếp, trứng gà, vòng cổ và đồng bạc trắng. Lễ vật được nhà trai rất chú trọng bởi bởi nó thể hiện sự sung túc cũng như lòng thành của nhà trai với nhà gái.
Trong lần cưới thứ nhất của người Si La, đúng ngày đã hẹn, buổi sáng sớm (trước lúc gà gáy) chị hoặc em gái chú rể sẽ đến nhà cô gái ngỏ lời xin dâu. Khi được nhà gái chấp thuận, nhà trai sẽ sang làm lễ đón dâu. Khi đó, mẹ hoặc chị cô dâu sẽ dắt cô ra và trao gửi nhà trai.
Nhà trai sẽ tổ chức nghi lễ nhập gia cho cô dâu. Khi đoàn rước dâu về đến nhà trai, mọi người phải ngồi ngoài cửa đợi mẹ chồng đưa trang sức, khăn áo mới cho cô dâu thay xong mới được vào nhà. Lúc này, trong nhà, thầy mo sẽ làm lễ báo tổ tiên, thông báo gia đình sắp có thêm thành viên mới.
Mẹ chú rể và những người phụ nữ của nhà trai trực tiếp thay áo mới, vấn tóc cao, đội khăn mới và đeo trang sức của nhà trai tặng cho cô dâu. Khi việc này đã xong, cô dâu được đưa vào nhà làm lễ cưới. Lúc này, thầy mo cũng là người chủ trì hôn lễ sẽ làm lễ theo phong tục truyền thống cho cô dâu, chú rể.
Sau khi làm lễ xong, thầy mo sẽ trao trứng gà luộc và xôi cho chú rể để thực hiện các thủ tục, nghi thức trước sự chứng kiến của tổ tiên và mọi người trong gia tộc. Chú rể tay cầm xôi, tay cầm trứng, trao lễ vật cho cô dâu. Cô dâu và chú rể cùng nhau ăn hết xôi và trứng trước sự chứng kiến của tổ tiên cùng mọi người trong họ. Theo người Si La, nghi thức này thể hiện sự chung thủy trong tình yêu, vợ chồng sớm sinh con cái đề huề.
Thầy mo làm lễ xác nhận cô gái đã chính thức làm dâu nhà này. Sau đó, thầy mo thông báo với mọi người đến dự lễ hai người đã chính thức thành vợ chồng. Lúc này, cô dâu, chú rể vào gian nhà phía bên trái làm nghi thức “động phòng”.
Sau đó, đôi vợ chồng trẻ sẽ cùng tất cả dân làng có mặt trong đám cưới, kéo nhau ra khoảng sân trước nhà, cùng nhau cất lên tiếng hát chúc phúc, hòa nhịp theo những điệu múa truyền thống vui nhộn của người Si La. Lễ cưới lần thứ nhất đến đây đã xong.
Sau một năm, gia đình hai bên tiếp tục tổ chức lễ cưới lần thứ hai, khi hai bên gia đình đã có đủ điều kiện tổ chức cho đôi vợ chồng trẻ. Lần này, vào ngày đẹp đã chọn, gia đình nhà trai lại nhờ ông mối đưa đồ dẫn cưới như đã thỏa thuận sang nhà gái, và chính thức xin cho cô dâu về ở hẳn nhà trai. Dân làng lại hát lên những bài dân ca, rộn ràng điệu múa chúc mừng đôi trẻ.
Những nghi lễ, những bài hát dân ca, điệu múa truyền thống chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ trong đám cưới của người Si La, là tổng hòa của những phong tục tập quán, các loại hình dân ca, dân vũ truyền thống, cũng thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, làng bản trong đời sống của đồng bào dân tộc Si La. Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ làm thủ tục lại mặt nhà gái. Lúc này, cha mẹ cô dâu mới tặng quà cho cô con gái đi lấy chồng.
Phong tục cưới hỏi độc, lạ của dân tộc Si La là phong tục đẹp, nét văn hóa truyền thống đã và đang người Si La tiếp tục duy trì thực hiện, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc.