Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Tà Ôi gửi kỳ vọng vào con trẻ qua những lời hát ru

Tố Oanh - 14:29, 09/11/2021

Với những đứa trẻ người Tà Ôi, khúc hát ru không thể thiếu được trên cánh võng, bên vành nôi đong đưa, trên đôi tay hay sau lưng mẹ. Những khúc hát ru không chỉ phong phú về nội dung, chan chứa nhiều sắc thái biểu cảm mà còn gửi gắm sự kỳ vọng của cả dòng tộc, buôn làng vào những đứa trẻ.

Đồng bào Tà Ôi (Thừa Thiên Huế) thể hiện khúc hát ru tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Đồng bào Tà Ôi thể hiện khúc hát ru tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Khát vọng từ lời ru

Đồng bào Tà Ôi cư trú chủ yếu trên một dải đất từ Tây Quảng Trị (huyện Hương Hoá) đến Tây Thừa Thiên Huế (huyện A Lưới và Hương Trà). Trong những lời ru con, người Tà Ôi thường hát theo lối ứng tác, đó là những khúc ca ngắn ngợi ca tinh thần lao động như: làm nương rẫy, săn bắt, se sợi kéo chỉ, dệt zèng... Những câu hát gần gũi, mộc mạc thể hiện tình cảm sâu lắng của người mẹ dành cho con. Ca từ bài hát ru luôn hướng tới những điều tốt đẹp, những giá trị cao quý, bồi đắp thêm tâm hồn bé thơ của con trẻ: “Ru con con ngủ cho ngoan cho ấm ơi con, con ngủ cho ngoan con ơi/ Để mẹ lên rừng, lên núi, lên hái quả hái rau, đốt ong/…Sau này khôn lớn con học hành giỏi giang, trở thành người có ích cho buôn làng/ Ru con con ngủ cho ngoan để mẹ đan, mẹ dệt cho con để con có quần áo đẹp để mặc...”.

Đối với người Tà Ôi, lời ru của mẹ dành cho con trai và con gái cũng có sự khác nhau. Lời ru con trai chứa đựng mong muốn, khát vọng về một người con khỏe khoắn, dũng mãnh, góp sức cho buôn làng và trở thành niềm tự hào của gia đình: “Ru con con ngủ cho ngoan sau này lớn lên to cao bằng cái nhà chất lúa/Sau này con lớn con cao bằng sàn gác bếp/Con ơi con ngủ cho say…/Sau này con làm chàng trai săn bắn giỏi”.

Khác với lời ru con trai, lời ru của mẹ dành cho con gái lại thể hiện mong muốn cô con gái của mình sau này chăm chỉ, khéo léo biết đi rừng hái rau, ra suối lấy nước, biết đan những dụng cụ sinh hoạt và đặc biệt là phải biết dệt zèng: “Ru con con ngủ cho ngoan cho ấm ơi con/Sau này khôn lớn con học hành cho tốt để sau này có tương lai tốt đẹp/Ru con con ngủ cho ngoan để mẹ đan, mẹ dệt cho con để con có quần áo đẹp để mặc. Con lớn lên sau này dệt ấm no hạnh phúc”. Tiếng hát, lời ru đã trở thành linh hồn của buôn làng, là thông điệp gửi gắm tình cảm chân thành của người Tà Ôi theo cách riêng của mình.

Bồi đắp tâm hồn thơ bé

Hát ru của người Tà Ôi không chỉ phong phú về nội dung, chan chứa nhiều sắc thái biểu cảm mà còn đa dạng về hình thức thể hiện. Để những đứa trẻ lớn lên cùng với lòng tôn kính mẹ cha, tình yêu thiên nhiên, yêu lao động, sống nhân ái, vị tha được nuôi dưỡng qua những lời ca đẹp đẽ từ thuở ấu thơ.

Lời hát ru ngọt ngào của chị ru em đi vào giấc ngủ say để mẹ và bà giã gạo
Sinh hoạt thường ngày của đồng bào Tà Ôi

Hình ảnh trong các bài hát ru không chỉ là thế giới hồn nhiên, bình dị, gần gũi với tuổi thơ mà ca từ còn có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục đạo đức, nhân cách, bồi đắp tình yêu quê hương, gia đình cho tâm hồn đứa trẻ. Từng lời hát vừa như nhắc nhở cho con biết về cội nguồn, bổn phận phải làm gì cho dân làng thương, làng quý, vừa thể hiện tình yêu thương chan chứa, sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái như khúc hát của bà: “Cháu ơi cháu ngủ cho ngoan, để mẹ đi hái măng để về nấu cho cháu ăn/Cháu ơi cháu ngủ cho ngoan, sau này cháu lớn lên cầm dao cầm cuốc để thay cho bà, cho bố mẹ, để có cơm ăn áo mặc thoát đói nghèo”.

Bà A Viết Thị Nhi (dân tộc Tà Ôi, ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: “Từ xa xưa, người Tà Ôi ai cũng biết hát ru. Không chỉ có mẹ ru con, bà ru cháu mà ông cũng có thể ru cháu, bố có thể ru con và anh, chị cũng thường xuyên ru em. Lớp lớp thế hệ này đến thế hệ khác, lời ru ngấm sâu trong tâm hồn mỗi người. Lời ru theo người Tà Ôi từ lúc nằm nôi đến hết cuộc đời”. Từng lời, từng lời ru vừa da diết sâu lắng như hơi thở, như tiếng lòng của người Tà Ôi, lại vừa như vẽ nên một bức tranh về cuộc sống sinh hoạt rất đỗi mộc mạc, thân quen trong mỗi gia đình.

Nếu ai có dịp được thưởng thức làn điệu hát ru của đồng bào Tà Ôi huyện A Lưới, chắc hẳn sẽ cảm nhận được lời ca tha thiết, dịu êm mà ẩn chứa trong đó là tình yêu mãnh liệt với mảnh đất và con người trên dãy Trường Sơn.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.