Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Người tiên phong đưa "vàng trắng" lên vùng biên giới

Nguyễn Khánh Hòa - 14:24, 03/01/2021

Trên vùng đất ngã ba biên giới Việt Nam - Lào – Cam-pu-chia thuộc cửa khẩu quốc tế Bờ Y của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có một trang trại cao su xanh thẳm giữa buôn làng của người dân tộc Xơ Đăng. Đấy là tài sản của nhà ông A Xem. Có lẽ ở vùng ngã ba biên giới Đông Dương- nơi “một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe” này, số người có thu nhập tiền tỷ như A Xem quả là hiếm. Người đảng viên 45 năm tuổi Đảng này đã gần trọn cuộc đời gắn bó, bám làng, bám đất rừng biên giới.

Ông A Xem( bên phải) hướng dẫn kỹ thuật khai thác cao su trên trang trại của gia đình
Ông A Xem( bên phải) hướng dẫn kỹ thuật khai thác cao su trên trang trại của gia đình

Bạt đồi, mở đất dựng nghiệp

Trong những tháng năm đánh Mỹ giữa heo hút rừng sâu trên dải đất Kon Tum, ông là xã đội trưởng, hàm trung úy; còn bà là đại úy, cán bộ huyện đội Sa Thầy. Sau ngày giải phóng 1975, ông khoác ba lô dắt đứa con trai đầu, còn bà mang gùi, cõng đứa con gái 4 tuổi về Đăk Xú, một xã ở vùng biên giới thuộc huyện Ngọc Hồi. Đặt ba lô xuống một khu đất trống ven đồi, ông nói với bà: “Ta làm nhà ở đây”.

Và hơn 45 năm đã qua đi, trên mảnh đất từng là nơi bom cày, đạn xới này, hàng ngày, ông bà cần mẫn chăm chút với cây cao su. Những sản phẩm từ "vàng trắng” đã mang lại cuộc sống mới, cuộc sống của những cựu chiến binh bước ra từ chiến tranh rồi tiên phong đi mở đất rừng biên giới.

Doanh thu mỗi tháng của gia đình tôi ở thời điểm được giá nhất khoảng 150 triệu đồng, trừ các chi phí, mỗi tháng tiền lãi khoảng gần 100 triệu đồng.



Ông A Xem

Nhớ lại ngày ấy trên vùng biên giới này, ông A Xem bảo, hồi đó, nhà cất lên chưa ấm hơi người, sốt rét đã hoành hành. Một số cán bộ, công nhân được đưa vào mở đất thì chán nản, không yên tâm lại vừa xa, heo hút quá, không ít người không cần một sự nghĩ suy, họ chọn câu trả lời đơn giản là tìm cách ra khỏi nơi này mà họ cho là vô vọng. 

Ông tâm sự: “Ngày ấy, có những đêm nằm một mình giữa thâm u của vùng núi rừng biên giới, tôi không sao chợp mắt được, đất rừng thì rộng, dân thì còn nghèo quá”.

Ông bồi hồi nhớ lại: Năm 1994, lúc ấy tôi bắt đầu muốn trồng cao su nhưng không có vốn. Mà ngày ấy ở Ngọc Hồi cũng chưa có ngân hàng, cả huyện với diện tích trên 1.700 cây số vuông lại chưa có ai trồng cao su. Đất rừng thì mênh mông nhưng toàn cây cỏ, đồi cao đất dốc, thâm u hiu quạnh… Máy cày, máy ủi không có, lao động cũng không, việc nhà ai người nấy làm, cuộc sống tự cung tự cấp đã đeo bám bà con từ bao đời nay; rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt, cuộc sống vất vả, thiếu thốn trăm bề…

Trong những buổi đầu gian nan ấy, ông huy động cả gia đình bám đất, bám rừng gồng sức bạt đồi, phát cỏ, khai phá đất hoang. Có lúc ông phải hợp đồng với anh em bộ đội biên phòng đứng chân quanh vùng để dọn đất, đào hố, gánh phân. Không có vốn, ông phải bán hết tài sản, rồi bán luôn cả đàn bò là cơ nghiệp lớn nhất của gia đình để đắp đổi lấy tiền đầu tư cây giống, phân, thuê kỹ thuật để trồng cao su. 

Cây cao su được ông đưa về trồng lúc ấy, rất nhiều người dân quanh vùng ngơ ngác, có người còn cho ông là không bình thường, sao lại trồng cái cây mà không ai biết thế này! Lại có người hùa vào: “Mình không tin, trồng cái cây đấy không đẻ ra lúa, ra bắp đâu”. Ông đã phải mất nhiều thời gian để tuyên truyền, giới thiệu, thuyết phục cho bà con hiểu về lợi ích kinh tế của cây cao su. Nhưng nói mãi mà ít người chịu hiểu hoặc có biết thì người ta cũng le lưỡi lắc đầu.

Từ ít đến nhiều, những cây cao su của A Xem đầu tiên được gieo mầm trên đất đồi rừng vùng biên giới Đăk Xú đã bật dậy những chồi non, vươn cao trỗi dậy từng ngày. Lúc này ở gần đấy bắt đầu có nông trường cao su Plei Kần, một doanh nghiệp Nhà nước thuộc công ty cao su Kon Tum vừa được thành lập. Ông đến gặp anh em kỹ thuật của nông trường với hy vọng được hậu thuẫn, giúp đỡ. 

Ông Vũ Bá Văn, Bí thư chi bộ, Giám đốc nông trường cao su Plei Kần ngày ấy cho biết: “Chúng tôi đã sát cánh với gia đình bác A Xem, giúp bác không lấy công việc chăm sóc vườn cây, cho cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỉ mỉ cách khai thác những sản phẩm đầu tiên”.

Từ năm 1994 đến năm 2003, tức là khoảng 10 năm, A Xem dồn hết sức người, sức của để khai phá đất hoang, bạt núi, mở đường, khoanh lô, cắm tiêu… rồi trồng được hơn 20 ha với trên 11.000 cây. Rừng cao su bạt ngàn xanh thẳm trải dài trên vùng đất rừng là thành quả lao động gần 30 năm qua của “người đảng viên đi trước” đã đưa cây cao su sâu rễ, bền gốc, tốt tươi nơi vùng đất ngã ba biên giới Ngọc Hồi hôm nay.

Ông A Xem tâm sự: “Mình là đảng viên mà lại là người dân tộc thiểu số, mình nghĩ phải làm và mình làm thật, làm cho bằng được em ạ, dù có rất nhiều người không ủng hộ. Vấn đề mình trăn trở nhất khi ấy và cả hiện nay là làm sao có nhiều hơn nữa bà con các dân tộc Xơ Đăng, Giẻ Triêng, người Tày, người Mường ở các tỉnh phía Bắc đi xây dựng kinh tế mới vào đây làm ăn cũng biết trồng cao su để bà con cùng nhanh xóa nghèo, giàu lên”.

Vì thế, A Xem còn kiên trì, ngày đêm bám làng, đến từng hộ gia đình vận động bà con dân tộc Xơ Đăng quanh vùng cùng trồng cây cao su như gia đình mình. Ông đã thuyết phục được hàng trăm hộ phá bỏ thế độc canh cây sắn, bắp không hiệu quả để đưa cây cao su lên trồng ở những nơi đất dốc đồi cao trên các xã Đăk Xú, Sa Loong, Bờ Y, Đăk Kan và cho đến hôm nay, người dân quanh vùng này đã trồng được hàng nghìn héc-ta cao su tiểu điền, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây đang hồi sinh nhờ cây cao su trên những vùng đồi hoang hóa ngày xưa.

Niềm tin về cuộc đời mới

Sau khi đi thăm vườn cây cao su trên vùng biên giới, A Xem đưa chúng tôi vào ngôi nhà được xây ở ngay đầu lô cao su của gia đình. Vừa bước vào nhà, bà Y Nia, vợ ông đon đả mời khách rồi nhanh tay bật công tắc chiếc máy lạnh ở phòng khách, mở tủ lấy bia lon đã được ướp lạnh đãi khách. Cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy toát lên trên gương mặt thuần hậu của người phụ nữ Xơ Đăng đã quanh năm gắn bó với đất rừng Đăk Xú.

Bà Y Nia vừa mời khách vừa khoe: “Thằng trai đầu đang dạy cấp 3 trường huyện, con gái thứ 2 đã làm việc tại UBND xã Đăk Xú, con gái thứ 3 tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, còn gái út cũng đã tốt nghiệp Học viện Quân y rồi, các cháu đều đã có công việc ổn định”. 

Chúng tôi chúc mừng ông bà rồi nhìn ra ngoài sân, chiếc ô tô con còn rất mới rẽ vào cổng. Đó là con trai của bà, thằng Thao Nuông đi làm về. Xe mới mua trên 500 triệu đồng, gia đình cũng vừa mua 2 xe tải trị giá trên 1 tỷ đồng để phục vụ cho sản xuất và vận chuyển cao su. Chúng tôi ước tính, tài sản của gia đình ông A Xem cũng phải trên 20 tỷ đồng. Đấy là tài sản nhìn thấy được, chứ “của chìm” của gia đình là bao nhiều thì gặng mãi, A Xem chỉ cười…

A Xem còn hăm hở kéo tôi đến thăm một số bà con dân tộc Xơ Đăng. Đi đến đâu, vào nhà ai, ông cũng được mọi người thật yêu quý, ùa ra tay bắt mặt mừng. Thôn trưởng A Kling nắm chặt lấy đôi tay chai sạn, sần sùi của A Xem rồi nhìn vào mắt tôi, ông nói: “Cái thằng A Xem này có công với dân làng mình nhiều lắm”.  

May mà từ khi có cây cao su của nhà A Xem, dân làng vùng biên giới này đã làm theo ông, vươn lên khấm khá. Nhiều người cứ tưởng đó như là một giấc mơ

Ông A Dư

Ông A Dư - Người có uy tín trong xã bồi hồi nhớ lại: “Khi buôn làng chưa có cao su, chưa có thằng A xem về. Nhớ lại ngày ấy sao mà lòng ông quặn lại, chỉ mỗi mong ước giản dị là có đủ cơm ăn mà mỗi lúc một xa vời. Hạt lúa của làng sao như cứ biết chạy. Mới gặt lúa gùi về nhà chưa đầy tháng mà làng đã có nhiều người đói rồi, đói đến cồn cào gan ruột. Hạt lúa chạy về đâu? Nào là áo, quần, hạt muối, thậm chí bánh xà phòng, cái bánh kẹo cho trẻ con cũng từ lúa mà ra. Mà hạt lúa thì mỗi lúc một gầy. Nắng gió bao đời đã vắt kiệt đất…

 

Ông trầm tư: “May mà từ khi có cây cao su của nhà A Xem, dân làng vùng biên giới này đã làm theo ông, vươn lên khấm khá. Nhiều người cứ tưởng đó như là một giấc mơ”.

Chia tay A Xem giữa vườn cao su đang hối hả cho những dòng nhựa trắng xây đời, trời Tây Nguyên trong xanh, nắng vàng rực rỡ, tôi ôm lấy ông vì quá đỗi cảm phục bản lĩnh, trí tuệ và lòng quả cảm ở con người này. Xiết chặt tay tôi, trong ánh mắt của ông như chứa đựng sâu thẳm một tình yêu biên giới, ánh lên niềm tin về cuộc đời mới sung túc, no ấm sẽ đến với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên nơi đây.

Tin cùng chuyên mục
Mưa dông ở miền Bắc sẽ kéo dài đến khi nào?

Mưa dông ở miền Bắc sẽ kéo dài đến khi nào?

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên đợt nắng nóng nhiều ngày qua ở miền Bắc đã chấm dứt, trời chuyển mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Dự báo, mưa dông sẽ kéo dài ở miền Bắc đến ngày 4/5, sau đó sẽ quay trở lại những ngày nắng nóng.