Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Cửa võng đình Thổ Hà – Niềm tự hào trong nghệ thuật kiến trúc dân tộc

Đông Khánh - Lê Ngọc - 11:52, 29/07/2021

Trong các di sản cổ tiêu biểu ở làng Thổ Hà, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang), đình làng chính là một kiệt tác nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, có giá trị kỹ thuật, mỹ thuật đại diện cho nền nghệ thuật tinh hoa thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). Riêng bức cửa võng đình Thổ Hà đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020.

Mặt tiền đình làng Thổ Hà
Mặt tiền đình làng Thổ Hà

Đình Thổ Hà được xây dựng từ thời Lê, niên hiệu Chính Hòa thứ 6 (1685), có giá trị kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng xứ Bắc, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích kiến trúc-nghệ thuật quốc gia từ năm 1964.

Với chức năng để ngăn cách không gian tâm linh, đồng thời tạo điểm nhấn trang trọng, linh thiêng ở vị trí trung tâm trước tòa hậu cung của ngôi đình, cửa võng đình Thổ Hà được tạo tác vô cùng tinh tế với thủ pháp kỹ thuật chạm khắc bong kênh. Đây là sự kết hợp của chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng, tạo thành nhiều lớp, nhiều không gian ngay trên một khối gỗ, ngay trong một đề tài, tác phẩm.

Cửa Võng đình Thổ Hà, được chạm trổ tinh xảo và sơn son thếp vàng rực rỡ
Cửa Võng đình Thổ Hà, được chạm trổ tinh xảo và sơn son thếp vàng rực rỡ

Toàn bộ cửa võng được sơn son, thếp vàng rực rỡ, chia làm 3 tầng. Tầng thứ nhất có hai lớp diềm ngang đặt chồng lên nhau, chạm thủng họa tiết vân mây cách điệu xen kẽ nhau trong bố cục hình học. Tiếp đến, phần giữa chia làm 5 khoang, các khoang ngăn cách nhau bởi hàng cột chạm lộng hình rồng cuốn cột, đầu quay hướng lên trên chầu qua cửa khám với các nét chạm căng tròn, nổi khối. Các diềm dọc hai bên mỗi khoang lại chạm hình rồng trong tư thế vươn mình, đầu hướng lên chầu vào trung tâm. Thân rồng uốn khúc, chân trước đưa lên vuốt râu, ẩn hiện xen lẫn trong họa tiết đao mác tua tủa vút lên từ đầu và thân, tạo thành một đồ án có bố cục đăng đối là một trong những mô típ đặc trưng tiêu biểu thời Lê Trung Hưng.

Tầng thứ hai là một cấu thể chạm khắc gồm nhiều đồ án đan xen nhau, chia thành ba lớp chạm, đề tài lưỡng long chầu nhật với mình rồng uốn nhiều khúc, mắt to, miệng ngậm ngọc, mắt mở to, mũi gồ cao, tóc nhiều chẽ xòe kiểu nan quạt và hơi lượn sóng. Ngay dưới đầu rồng dư là hình rồng ẩn hiện trong đám mây, mình uốn lượn vươn lên cùng chầu vào trung tâm khám.

Cửa võng đình Thổ Hà được chạm khắc hình rồng vô cùng tinh xảo
Cửa võng đình Thổ Hà được chạm khắc hình rồng vô cùng tinh xảo

Kế tiếp các bức chạm rồng bên trên là các đường gờ bo quanh khám chạm nổi hình cánh sen và vân mây hình chiếc khánh. Có thể thấy vẫn là hình rồng trên nhiều vị trí ở cửa võng, song người xem không hề bắt gặp sự trùng lặp, đơn điệu mà vô cùng sống động. Xen kẽ những bức chạm rồng là 4 bức đố chạm nổi đề tài tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai), tạo nên một bố cục cân đối, chặt chẽ, rất nổi bật. Qua phong cách chạm khắc có thể thấy, các bức chạm rồng và bức đố ở đây đều mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX) là minh chứng về sự tài ba của các hiệp thợ xưa với những kỹ thuật chạm khắc rất công phu, điêu luyện. Trong quá trình trùng tu, tôn tạo lại đình, họ không những gìn giữ, bảo lưu tốt bức cửa võng mà còn tiếp tục sáng tạo, phát triển thêm những mảng trang trí khác với bố cục đăng đối, hài hòa, tạo thành nghệ thuật trang trí độc đáo trên cửa võng đình Thổ Hà.

Một ô chạm lộng tinh xảo bên trong cửa võng đình Thổ Hà
Một ô chạm lộng tinh xảo bên trong cửa võng đình Thổ Hà

Tầng dưới cùng là phần còn lại của cửa võng, được chạm thủng các hình đao mác tua tủa trong bố cục hình học. Phần diềm hai bên phong phú, hấp dẫn người xem bằng những hình tượng rồng uốn lượn, đầu rồng hướng vươn lên chầu vào trung tâm, chân trước rồng đưa ra vuốt râu, các chân khác nghịch nắm các linh thú. Hình linh thú xuất hiện ở rất nhiều tư thế, con đang chạy, con nằm, con đứng nhưng đều ngoảnh đầu quay lại nhoẻn miệng cười như đang đùa giỡn… trông rất ngộ nghĩnh.

Đáng chú ý, phía dưới diềm bất ngờ xuất hiện hình ảnh khối tượng voi - người khá đẹp. Tượng voi được tạo tác ở tư thế phủ phục. Trên lưng voi là một hình tượng người cởi trần đóng khố, hai tay níu vành nhạc voi. Những hình ảnh kể trên mặc dù xuất hiện rất khiêm tốn trong đề tài chính của cửa võng, song dường như người thợ xưa muốn gửi gắm ý tưởng cách tân táo bạo, đưa hình ảnh của cuộc sống dân dã đời thường vào từng thớ gỗ nơi linh thiêng.

Trong nội dung bia đá "Thủy tạo đình miếu bi" lưu giữ tại đình có niên hiệu Chính Hoà thứ 13 (1692) cho thấy, cửa võng đình Thổ Hà được tạo tác vào thời điểm xây dựng đình giai đoạn 1685-1692 nên bảo đảm tính xác thực về nguồn gốc. Đây thực sự là một tác phẩm điêu khắc gỗ độc đáo với nhiều đồ án trang trí cầu kỳ, phức tạp nhưng vẫn thể hiện được bố cục cân đối hài hòa.

 Phần chái mái đình Thổ Hà được trang trí bằng mô típ nghệ thuật uốn lượn rất mềm mại
Phần chái mái đình Thổ Hà được trang trí bằng mô típ nghệ thuật uốn lượn rất mềm mại

Ngoài những mảng trang trí tinh xảo trên từng thớ gỗ, các nghệ nhân dân gian đã lồng ghép thêm các chi tiết trang trí bằng chất liệu gốm trên đầu rồng. Thông qua chất liệu, kỹ thuật tạo tác, chúng ta có thể thấy, hiện vật này chính là sản phẩm của làng nghề gốm Thổ Hà xưa - một trong những trung tâm gốm sứ nổi tiếng của cả nước.

Đặc biệt, qua bàn tay khéo léo, tư duy sáng tạo của các nghệ nhân xưa, hai chất liệu gỗ và gốm đã kết hợp với nhau hài hòa tạo ra những mảng trang trí vô cùng tinh mỹ, công phu trên bức cửa võng đình làng. Đây là một hình thức trang trí nghệ thuật vô cùng độc đáo, duy nhất chỉ có ở cửa võng đình Thổ Hà hiện nay.

Mỗi đầu rồng bằng gốm ngoài biểu trưng cho sức mạnh và uy quyền nơi cung cấm còn thể hiện sự tôn vinh, trân trọng, khắc họa những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề gốm truyền thống tại nơi linh thiêng của đình làng.

Với những giá trị độc đáo, tiêu biểu, tháng 12/2020, cửa võng đình Thổ Hà được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là niềm tự hào của người dân Thổ Hà cũng như tỉnh Bắc Giang về một báu vật góp phần làm nên bản sắc văn hóa của vùng đất bên bờ Bắc sông Cầu.