Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Nhiều khu chợ bỏ hoang ở Bình Định

Tiếng Dân - 11:58, 06/04/2022

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều khu chợ được đầu tư xây dựng rất khang trang, nhưng tiểu thương không vào buôn bán. Có chợ chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có chợ bị bỏ hoang trong khi chợ cóc, chợ tạm lại buôn bán tấp nập. Nguyên nhân hầu hết là do khâu khảo sát địa điểm xây chợ chưa tốt, đặt chợ ở nơi không phù hợp, gây lãng phí nhiều tỉ đồng ngân sách nhà nước.

Chợ Mỹ Quang, xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ) bị bỏ hoang nhiều năm nay
Chợ Mỹ Quang, xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ) bị bỏ hoang nhiều năm nay

Nhiều chợ xây xong rồi...bỏ hoang

Theo ghi nhận của phóng viên, huyện Phù Mỹ là một trong những địa phương có nhiều chợ xây dựng xong rồi bỏ hoang hoặc hoạt động không hết công năng.

Đơn cử như chợ Mỹ Quang, được xây dựng vào năm 2013, trên khu đất rộng khoảng 1ha, tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ đồng. Chợ này gồm các hạng mục như khu chợ ngoài trời, khu nhà lồng rộng 500m2, khu nhà vệ sinh, nhà bảo vệ… Tuy nhiên, do bỏ hoang suốt nhiều năm liền nên hầu hết các hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng nặng và rơi vào cảnh hoang phế.

Hay như chợ Mỹ Chánh Tây, có diện tích 25.000m2 được xây dựng khang trang vào năm 2009, với kinh phí khoảng 2,5 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, chợ được đưa vào sử dụng, nhưng chỉ được vài tháng buôn bán èo uột, các tiểu thương đành phải quay về chợ tạm ven đường buôn bán. Hiện nay, người dân tận dụng mặt bằng chợ làm sân phơi, nhà kho chứa nông sản.

Còn chợ Vạn Phú, xã Mỹ Lộc được đầu tư xây dựng trên khu đất rộng chừng 1.000 m2 nằm ngay mặt tiền QL1, gồm khu mặt bằng bên ngoài và khu nhà lồng được xây dựng kiên cố, với tổng kinh phí trên 250 triệu đồng. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, mặt bằng bên trong khu nhà lồng được một số người dân tận dụng làm nơi chất củi và một số vật dụng khác.

Chợ Mỹ Hòa được đầu tư hơn 500 triệu đồng vào năm 2002, gồm 1 khu ngoài trời và 2 khu nhà lồng (mỗi khu rộng 300 m2) để phục vụ nhu cầu mua bán ở địa phương. Sau đó, UBND xã còn đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để xây nhà quản lý chợ, nhà để xe, nhà vệ sinh và hệ thống cổng ngõ, tường rào xung quanh. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, 1 khu nhà lồng đã bị bỏ trống hoàn toàn; 1 khu còn lại lèo tèo vài người vào buôn bán.

Trên địa bàn thôn Tân Dân, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) có khu chợ Phú Đa được đầu tư hơn 1 tỉ đồng vào năm 2005, trên khu đất rộng hơn 0,6 ha; gồm khu chợ ngoài trời và 2 khu nhà lồng dành cho các tiểu thương kinh doanh quần áo, vải, giày dép… Từ khi đi vào hoạt động đến nay, 2 khu nhà lồng luôn trong tình trạng “vườn không nhà trống” do tiểu thương không vào buôn bán. Hiện tại, một khu bỏ trống hoàn toàn, một khu chỉ có vài tiểu thương buôn bán vải.

Không riêng các huyện đồng bằng, ở các huyện miền núi, tình trạng một số khu chợ cũng được đầu tư tiền tỉ rồi bỏ hoang hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Điển hình là chợ Canh Hòa (huyện Vân Canh), được xây dựng tại làng Canh Thành cách đây chừng 20 năm, với kinh phí hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi (Chương trình 135). Chợ xây kiên cố, khang trang, rộng hơn 1.400 m2, gồm 2 khu nhà lồng hình chữ nhật và khu nhà mái vòm hình lục giác.

Tuy nhiên, từ khi chợ xây xong đến nay, chưa một ngày đi vào hoạt động. Vì vậy, một số người dân đã “tận dụng” chợ làm chỗ… nuôi nhốt bò. Hiện 2 khu nhà lồng và nhà vòm đều hư hỏng, xuống cấp nặng; cây cỏ dại mọc um tùm, trông rất nhếch nhác, mất vệ sinh.

Một số khu chợ bỏ hoang, trở thành nơi đậu xe, làm nhà kho chứa rơm rạ
Một số khu chợ bỏ hoang, trở thành nơi đậu xe, làm nhà kho chứa rơm rạ

Lãng phí vốn đầu tư

Trao đổi với lãnh đạo các địa phương có tình trạng “chợ xây xong rồi bỏ hoang”, hầu hết đều nhìn nhận, chợ ở nông thôn có khu nhà lồng nhưng chưa khai thác hết công năng là rất lãng phí, địa phương cũng thất thu khoản phí cho thuê mặt bằng. Tuy nhiên, do đặc thù chợ nông thôn, người dân thích buôn bán bên ngoài cho tiện nên chính quyền rất khó yêu cầu tiểu thương vào khu nhà lồng.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ), trước ngày khai trương chợ, các tiểu thương đăng ký mua bán ở đây tương đối đông, đến nay còn khoảng 50 hộ kinh doanh mua bán trong chợ. Nguyên nhân là các tiểu thương thay đổi hình thức kinh doanh là mua bán từng điểm theo thôn, xóm, người mua bán ra đó thuận tiện hơn. Mặt khác, chợ Mỹ Chánh Tây chỉ cách chợ An Lương (xã Mỹ Chánh) chỉ hơn cây số nên tiểu thương và người mua tập trung xuống chợ An Lương, dần dà chợ Mỹ Chánh Tây càng đìu hiu.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Dương, Chủ tịch UBND xã Mỹ Quang thừa nhận, việc xây dựng chợ Mỹ Quang nhưng không hoạt động là sự lãng phí lớn. Nguyên nhân là do xã Mỹ Quang ở gần thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ), người dân có nhu cầu buôn bán đều tập trung về chợ Phù Mỹ nên chợ Mỹ Quang không thể tổ chức nhóm họp.

“Ngày xưa xây chợ Mỹ Quang nhằm đáp ứng tiêu chí xã nông thôn mới, nhưng giờ người dân không chịu vào buôn bán. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm công văn đề nghị huyện, tỉnh cho chuyển đổi công năng để tránh lãng phí, có thể là làm khu thể thao tổng hợp của xã”, ông Dương cho biết thêm.

Theo lý giải của lãnh đạo UBND xã Canh Hòa (huyện Vân Canh), khu chợ này được xây dựng cách đây quá lâu, qua nhiều đời lãnh đạo nên giờ cũng không hiểu vì sao lại như vậy. Nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân Canh Hòa rất ít (chủ yếu họ đi chợ thị trấn Vân Canh) nên địa phương chưa tính đến việc sửa chữa để đưa khu chợ cũ vào hoạt động.

Có thể nói, việc các địa phương đầu tư ngân sách xây chợ xây xong rồi bỏ hoang là quá lãng phí. Thực tế cho thấy, nguyên nhân cơ bản dẫn đến các chợ bị bỏ hoang là do sự yếu kém trong khâu quản lý. Việc quy hoạch và xây dựng một số chợ không gắn với tập quán, thói quen tiêu dùng và điều kiện thực tế của địa phương.

Thiết nghĩ, lãnh đạo các địa phương cần sớm đưa ra kế hoạch sử dụng hợp lý các khu chợ trên, tránh lãng phí tiền của Nhà nước và gây bức xúc trong dư luận.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.